Để Trường Sa được xanh như ngày hôm nay, 20 năm trước đây, hai nhà khoa học PGS. TS. Nguyễn Khắc Khôi (SN 1939) và PGS. TS. Vũ Xuân Phương (SN 1944), cán bộ Viện Sinh thái tài nguyên và sinh vật Việt Nam đã có một hành trình dài đến đến Trường Sa. Tháng 4/1993, đoàn nghiên cứu xuống tàu ra Trường Sa với mục tiêu làm thế nào phủ xanh các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca. Để biến đảo cát thành rừng giữa biển Đông đầy sóng gió là cả một chặng đường đầy thách thức.
Cây xanh trên đảo Trường Sa |
Chăm cây như chăm con mọn
Hai đồng tác giả công trình “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa” (được Giải thưởng Nhà nước năm 2005) đều đã quá tuổi về hưu vài năm, nhưng hàng ngày các ông vẫn đều đặn đến làm việc tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật… không lấy lương. Một phần động lực, theo ông Khôi, là vì cả hai đều rất say mê nghiên cứu và còn “nhiều việc dắt dây, chưa làm xong”. Công trình phủ xanh Trường Sa là một sự “dắt dây” như vậy…
Nhớ lại ngày đầu đặt chân đến Trường Sa, nhìn màu cát trắng xóa, vài bụi cây cằn cỗi, lúp xúp, ông Khôi đã rất lo lắng trước trách nhiệm “phủ xanh” vùng đảo này. Sau một thời gian khảo sát chất đất trên mặt đảo, các cán bộ khoa học đã nhận ra ở đây chỉ có một lớp cát san hô nghèo dinh dưỡng sâu khoảng vài chục cm, sau đó là lớp san hô bị phong hóa cứng như đá và sỏi, đá “nguyên chất”. Điều kiện thời tiết cũng vô cùng khắc nghiệt vì gió bão, nắng gắt suốt quanh năm.
Nghiên cứu các cơ sở khoa học để phủ xanh Trường Sa là một bài toán khó với hai nhà khoa học.
“Đứng từ trước Văn phòng Ban chỉ huy đảo Trường Sa Lớn, nhìn hai cây bàng vuông chưa bao giờ thấy có quả là hai cây to nhất ở đảo, tôi nghĩ mình phải bằng mọi cách “bắt bệnh”: Vì sao rất nhiều đoàn công tác đã đưa cây xanh ra đảo mà không mấy cây tồn tại được?”, ông Phương nhớ lại.
Sau nhiều đêm thức trắng để tìm lời giải cho việc phủ xanh đảo cát, hai vị tiến sĩ quyết định mấu chốt vấn đề là phải tìm ra loài cây phù hợp với điều kiện sinh trưởng khó khăn trên đảo, đồng thời tăng cường chất dinh dưỡng của đất. Việc đầu tiên là họ nhờ các chiến sĩ hải quân đào những hố rộng 1m – sâu 1m, nghĩa là sâu hơn hẳn các hố đã đào trước kia để trồng cây. Sau vài tháng đưa các chất mùn, chất dinh dưỡng xuống hố đợi phân hủy, cây non mới được trồng xuống.
Ông Phương tâm huyết nói: “Ở Trường Sa, nếu đào khoảng 20cm thì khá đơn giản vì đất, cát còn vụn, nhưng sau đó là những tảng địa chất to như cái bàn, phải lựa, lách để bẩy đi. Các chiến sĩ Trường Sa đã cùng với chúng tôi đổ mồ hôi trên từng hố trồng cây. Niềm mong mỏi có được màu xanh của lính đảo và các nhà khoa học đều lớn như nhau”.
Công đoạn đem cây giống từ đất liền ra đảo cũng không hề dễ dàng. Một số loại cây từ khắp các vùng duyên hải đã được hai vị Tiến sĩ đem về ươm ngay tại viện nghiên cứu của họ ở Hà Nội: Bàng biển, bàng vuông, phong ba, cây tra (nho biển)… Theo các chuyến tàu Thống Nhất (ngày đó còn đi tàu chứ các nhà khoa học chưa có điều kiện đi máy bay như bây giờ), cây giống vào đến Nha Trang, rồi lại lắc lư theo sóng biển ra đảo.
Ông Phương và ông Khôi đều nhớ như in việc chăm cây: Phải mua vé tàu hỏa giường nằm cho cây chứ không thể để ở toa hàng, vì sợ sơ sẩy thì cây non gẫy mất. “Chúng tôi thì mua vé nằm giường tầng hai, cây thì phải giường tầng một, chăm cây non như chăm con mọn. Ngoài hàng mấy trăm bầu cây giống thì mình còn mang lỉnh kỉnh đủ các loại phân bón để làm tăng chất dinh dưỡng của đất, bình phun, lưới che cho cây”, ông Khôi nhớ lại.
TS Khôi (trái) và TS Phương |
Từ năm 1993, khi nhận đề tài nghiên cứu, đến năm 1998 kết thúc đề tài, hầu như năm nào đoàn công tác cũng đi hai chuyến ra quần đảo Trường Sa. Có những chuyến đi các nhà khoa học phải cắt bão mà đi, lên đến đảo mới biết mình còn sống. Có những chuyến tàu gặp bão lớn phải thả trôi hàng trăm hải lý trên biển, đài liên lạc trên đất liền chuẩn bị phát lệnh tìm kiếm… Nhưng đổi lại là màu xanh trên đảo mỗi lúc một rộng hơn, những cây bàng, cây dừa, cây phong ba bắt đầu tỏa bóng râm mát để lính đảo mỗi lúc nghỉ ngơi có thể ôm đàn ghi ta ngồi hát dưới tán cây.
Niềm tự hào thầm lặng
Mặc dù đề tài “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa” đã được Giải thưởng Nhà nước năm 2005 nhưng ngoài giới khoa học thì không mấy người biết đến ông Phương và ông Khôi như là những người đầu tiên mang đến màu xanh, bóng mát cho quần đảo có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt bậc nhất Việt Nam. Ông Phương cũng tâm sự rằng giải thưởng đến rất vô tình, ngẫu nhiên, cơ quan nói làm hồ sơ xét tặng giải thưởng thì ông làm chứ lúc xung phong nhận đề tài thì chưa nghĩ gì đến giải thưởng.
“Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ rằng chưa có ai nghiên cứu hệ thực vật trên quần đảo Trường Sa thì mình bắt tay làm cũng có nhiều háo hức. Thêm nữa, đi ra đảo, nhìn thấy người lính họ mừng rỡ khi màu xanh bắt đầu nảy nở trên đảo, nhìn họ ngồi dưới bóng cây tránh nắng, đánh đàn ghi ta… mình cũng lây niềm vui của họ”, ông Khôi tiếp lời.
TS. Khôi còn lưu lại nhiều lời nhận xét của các vị chỉ huy trưởng các đơn vị hải quân đóng ở quần đảo Trường Sa về công trình dệt màu xanh cho các hòn đảo. Trong đó, ông Trần Đình Tạc, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn đã viết: “Bây giờ chúng tôi được hưởng thành quả từ công tác nghiên cứu của các nhà khoa học. Rất nhiều cây trên đảo nay đã ra hoa kết quả. Nếu muốn trồng cây mới thì lính đảo chỉ cần chiết cành các cây cũ, lấy hạt từ các cây cũ, không cần mang từ đất liền ra nữa”.
Từ khi kết thúc đề tài nghiên cứu phủ xanh Trường Sa, cả hai nhà khoa học chưa có cơ hội quay lại mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này. Niềm say mê khoa học và tình yêu biển đảo vẫn sôi nổi trong lòng mỗi lần họ nghe tin tức về Trường Sa, Hoàng Sa. TS. Phương tâm huyết: “Nếu bây giờ yêu cầu cần thiết mà với điều kiện vẫn khó khăn như ngày xưa thì bọn tôi vẫn đi. Để xem lại những gì mình đã làm được, thấy lại màu xanh ngút ngàn trên đảo, và tiếp tục đóng góp công sức để màu xanh bền lâu hơn”.
Ngoài giải thưởng Nhà nước năm 2005 dành cho đề tài nghiên cứu “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa”, hai nhà khoa học Nguyễn Khắc Khôi và Vũ Xuân Phương đã từng nhận hai Giải thưởng Hồ Chí Minh: Giải thưởng năm 2003 dành cho công trình nghiên cứu cây thanh hao hoa vàng chiết xuất chất chữa sốt rét, Giải thưởng năm 2010 dành cho bộ sách Thực vật chí, Động vật chí và Sách đỏ. Hiện nay, hai vị tiến sĩ này vẫn tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ sách Thực vật chí – một tài liệu tra cứu có giá trị tham khảo cao của các nhà khoa học nghiên cứu về thực vật. |
Tuyết Bảo