Chuyện của những người trẻ 'đưa' liệt sĩ về nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không quản ngày đêm, đường sá xa xôi, vất vả, những chàng trai nhóm Skyline (tên cũ là Team Lee) đến từ mọi miền Tổ quốc đã cùng nhau “thổi hồn” vào di ảnh của những liệt sĩ, đem đến hạnh phúc cho biết bao gia đình đã mất đi thân nhân trong những cuộc chiến tranh.
Mỗi bức ảnh được phục dựng của nhóm đều chú trọng đôi mắt của các liệt sĩ. (Nguồn: NVCC).
Mỗi bức ảnh được phục dựng của nhóm đều chú trọng đôi mắt của các liệt sĩ. (Nguồn: NVCC).

Từ bốn phương trời cùng phục dựng ảnh liệt sĩ

Một buổi chiều muộn liên hệ với anh Phùng Quang Trung (29 tuổi), phó nhóm Skyline (trước đây là Team Lee), anh đang di chuyển từ Hà Nội đến Hải Dương đại diện nhóm trao những bức ảnh mới được phục dựng xong cho những gia đình liệt sĩ tại đây.

Skyline (tên cũ của nhóm là Team Lee) được anh Phùng Quang Trung và Lê Quyết Thắng bắt đầu lên kế hoạch thực hiện từ khoảng vài năm trước đây. Ban đầu, nhóm có một kênh TikTok chia sẻ những bức ảnh phục dựng thân nhân đã mất của một số gia đình. Cơ duyên đến, khi cháu của một liệt sĩ nhờ nhóm giúp đỡ phục dựng ảnh người bác đã mất trong chiến tranh. Nhóm Skyline đồng ý và phục dựng di ảnh của người quá cố. Anh Trung bồi hồi nhớ lại: “Khi chúng tôi đến trao ảnh tận tay cho gia đình, người cháu đã khóc rất nhiều vì bức ảnh quá giống bác của mình”. Đây là sợi dây rung cảm mãnh liệt đưa anh Trung và nhóm Skyline đến với hành trình phục dựng hàng nghìn bức ảnh của những liệt sĩ.

Mong muốn hỗ trợ những gia đình có công với đất nước, nhóm Skyline thường xuyên chia sẻ những video phục dựng lại các bức ảnh của những liệt sĩ trên các trang mạng xã hội. Mỗi bức ảnh đều được các anh phục dựng rất tinh tế, tỉ mỉ, chỉn chu từng đường nét, màu sắc. Dần dần, nhóm được nhiều gia đình tìm đến hỗ trợ phục dựng lại ảnh cho các liệt sĩ đã hy sinh xương máu trong chiến tranh cách đây hàng chục năm.

Từ mọi miền Tổ quốc, hiện nay, nhóm không chỉ có hai người là Lê Quyết Thắng và Phùng Quang Trung, mà đã có thêm nhiều thành viên khác. Chính thức, nhóm có 12 người, làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có người là sinh viên, có người là lái xe tải, nhân viên văn phòng... Anh Phùng Quang Trung, phó nhóm Skyline từng là một nhân viên Marketing, hiện đã nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho hành trình phục dựng di ảnh các liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước.

Theo chân những gia đình liệt sĩ, nhóm Skyline đã đi đến rất nhiều nơi. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), nhóm đã phục dựng ảnh và trao tặng 32 tấm chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, Tỉnh đoàn Hải Dương và nhóm Skyline đã thực hiện 2 dự án lớn phục dựng ảnh các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh,...

Anh Trung cho biết, các thành viên nhóm mỗi người sống ở một nơi khác nhau, người ở Hà Nội, người ở miền Nam, người ở Hà Tĩnh, Nghệ An,... nhưng mỗi khi có công việc, anh em trong nhóm đều cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng trước khi làm việc: “Đôi lúc, nhóm cũng có những bất đồng, nhưng tôi là phó nhóm hoặc anh Lê Quyết Thắng (trưởng nhóm) đều tìm cách hòa hoãn, tìm tiếng nói chung”.

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”

Mỗi lần trao ảnh cho thân nhân các liệt sĩ để lại trong trái tim nhóm Skyline nhiều cảm xúc. (Nguồn: NVCC)

Mỗi lần trao ảnh cho thân nhân các liệt sĩ để lại trong trái tim nhóm Skyline nhiều cảm xúc. (Nguồn: NVCC)

Mỗi bức ảnh trung bình nhóm sẽ phục dựng từ một đến khoảng ba, bốn ngày, tùy vào độ khó, tư liệu mà thân nhân các liệt sĩ cung cấp. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, khiến nhóm Skyline tốn rất nhiều công sức để phục dựng lại. Anh Phùng Quang Trung cho biết: “Cách đây khoảng 20 ngày, nhóm chúng tôi vừa mới phục chế xong một bức ảnh rất khó mà tưởng như nhóm sẽ phải bỏ cuộc. Đó là trong chương trình trao tặng di ảnh liệt sĩ tại tỉnh Phú Yên. Có một gia đình không có ảnh hay tranh truyền thần của liệt sĩ, chúng tôi hoàn toàn phục dựng lại ảnh theo hình dáng người em gái. Điểm khó khăn nhất, theo như lời của người thân trong gia đình, liệt sĩ và em gái không giống nhau. Vì vậy, phải dựa theo lời mô tả từ trí nhớ của các thành viên trong nhà liệt sĩ để phục dựng di ảnh. Dù ban đầu, chúng tôi hy vọng ảnh giống khoảng 20 - 30% người thật. Cuối cùng, khi trao ảnh, gia đình của liệt sĩ đã xác nhận độ chính xác lên đến 90%. Lúc đó, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.

Hành trình phục dựng di ảnh của các liệt sĩ, khó nhất chính là làm sao để truyền được cái hồn vào trong ảnh. Một điểm đặc biệt của nhóm Skyline đó là các thành viên chú trọng vào việc khắc họa đôi mắt của các liệt sĩ. Nhóm quan niệm “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, trong đó chứa đựng tình cảm, yêu thương, niềm vui, cảm xúc. Phục dựng những bức ảnh cho các gia đình liệt sĩ chính là khoảnh khắc để mọi người trong nhà được “đoàn tụ” sau nhiều thập kỷ xa cách. Vì vậy, bức ảnh cần có hồn, để đến khi nhóm trao ảnh cho gia đình, thân nhân của các liệt sĩ sẽ cảm thấy như họ đang trở về nhà ôm lấy dáng hình người mẹ, người em, người cháu, người con thân thương.

Mỗi khi phục dựng những bức ảnh, nhóm thường trò chuyện với người thân trong gia đình rất lâu, để nắm bắt được đặc điểm hình dáng của liệt sĩ, tính cách, tâm hồn. Hoàn hảo nhất, là được nhìn thấy những bức ảnh người quá cố dù đã hoen ố, mờ nhạt theo thời gian. Trong những trường hợp gia đình không có di ảnh hay tranh vẽ truyền thần, nhóm phải dựa theo người thân có đôi mắt, nét mặt gần giống liệt sĩ nhất để phục dựng ảnh.

Sau khi đã có được tất cả thông tin cần thiết, cả nhóm bắt tay vào phục dựng từng bức ảnh, có những hôm nhóm phải làm thâu đêm suốt sáng. Thậm chí đến 3 giờ, 4 giờ sáng các thành viên nhóm mới nghỉ ngơi để dành sức cho buổi làm việc vào ngày hôm sau hoặc đi trao ảnh cho các gia đình. Dù mệt mỏi ra sao, họ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, dành hết tâm huyết của mình cho những bức ảnh.

Khi được hỏi với lịch làm việc dày đặc như vậy, nhóm Skyline phải phân bổ ra sao để cân bằng công việc và cuộc sống. Anh Phùng Quang Trung, đại diện nhóm cho biết, mỗi người đều tự sắp xếp lịch làm việc sao cho phù hợp nhất với bản thân. Công việc những ngày bình thường không quá vất vả. Nhóm chỉ bận rộn nhất khi có các dự án lớn liên kết với các tổ chức, các tỉnh hỗ trợ phục dựng ảnh cho các gia đình liệt sĩ.

Anh Trung chia sẻ: “Chúng tôi thấy hạnh phúc và trân trọng nhất chính là khi trao được những bức ảnh đã phục dựng tới tận tay các gia đình thân nhân liệt sĩ. Cầm trên tay bức ảnh được gói trang trọng trong những lá cờ Tổ quốc, chúng tôi có cảm giác như đang mang một ai đó trở về với gia đình của họ sau rất nhiều tháng năm xa cách”.

Những khoảnh khắc khiến ngàn con tim thổn thức

Hàng chục năm qua đi, các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi đất mẹ lạnh lẽo, xương cốt các anh hiến dâng cho Tổ quốc, thanh xuân của các anh dành tặng cho tương lai đất nước. Để lại đằng sau lưng những bóng hình mẹ già mòn mỏi chờ đợi, những người vợ, người con thơ mãi mãi không nhìn thấy chồng, cha của họ trở về. Vì vậy, khoảnh khắc “đoàn tụ” dù chỉ thông qua di ảnh trở nên xúc động hơn bao giờ hết. Đặc biệt đối với nhóm Skyline, những người cùng đồng hành, trò chuyện với thân nhân của các liệt sĩ.

Ngày họ mang bức ảnh đến trao cho các gia đình, cũng giống như ngày các liệt sĩ khoác trên mình tấm áo xanh, khải hoàn quay về với hơi ấm tình thân nồng đượm. Anh Trung cho biết, cách đây không lâu, trong một dự án lớn phục dựng và trao tặng ảnh cho các gia đình liệt sĩ ở tỉnh Hải Dương, nhóm nhớ nhất câu chuyện của một mẹ Việt Nam anh hùng đã 100 tuổi, có hai con, một người hy sinh tại Campuchia, một người hy sinh tại miền Nam. Dù đã có tuổi, trí nhớ lẫn lẫn, quên quên, nhưng khi cả nhóm đến trao ảnh cho mẹ, vừa nhìn thấy di ảnh, bà đã nghẹn ngào nói: “Hai đứa con của tôi đây, một đứa hy sinh ở Campuchia, một đứa hy sinh ở chiến trường miền Nam”. Sau đó, mẹ òa khóc, thủ thỉ những lời thương nhớ trước di ảnh của hai người con đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường lạnh giá. Chứng kiến cảnh người mẹ cả cuộc đời đau đáu nhớ thương hai người con trai, dù đã lẫn, đã quên nhiều thứ, nhưng không bao giờ mất đi những ký ức về các con của mình khiến nhóm vừa đau lòng, vừa xúc động.

Mỗi gia đình liệt sĩ lại có một câu chuyện khác nhau. Nhưng có những câu chuyện khiến cho chính nhóm Skyline đã không thể kìm nén được những giọt nước mắt. Trong một chương trình ngay trên sân khấu VTV, nhóm Skyline đã trao tặng ảnh cho gia đình liệt sĩ có 6 người anh em trai. Liệt sĩ ra đi nhưng không có một bức ảnh nào để lại cho gia đình. Cả nhóm chỉ dựa vào lời kể và khuôn mặt của một người anh trai, chị gái để phục dựng lại ảnh cho liệt sĩ. Ngay trên sân khấu, dù đã biết câu chuyện của gia đình, nhưng nhìn cảnh 6 anh em cùng ôm di ảnh liệt sĩ khóc nức nở, khiến cả nhóm đã bật khóc như trẻ nhỏ.

Trong giờ phút ấy, các thành viên nhóm Skyline càng cảm thấy trân trọng, yêu thương công việc mình đang làm. Đối với 12 thành viên trong nhóm việc phục dựng ảnh trở thành một sứ mệnh kết nối hiện tại - quá khứ - tương lai, khi tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ họ luôn coi mình là một người con, người cháu đang đưa các ông, các chú, các bác, các cô về với gia đình.

Đối với công việc phục dựng ảnh liệt sĩ, nhóm Skyline cũng hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người trẻ dành tình cảm, tâm huyết cho lịch sử Việt Nam, cho những câu chuyện hào hùng mà ông cha ta đã dùng xương máu để gây dựng nên. Skyline cũng mong muốn, trong các dự án phục dựng ảnh liệt sĩ, nhóm sẽ được các tỉnh, địa phương hỗ trợ thu thập thông tin để có thể kết nối với các gia đình, thuận lợi và nhanh chóng phục dựng ảnh liệt sĩ.

Đọc thêm