Bức thư nắn nót của cô giáo Văn lúc nửa đêm!
Vào những ngày đầu năm học vừa qua, cô Phan Thị Hồng Cẩm (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã viết một lá thư gửi học trò của mình trong dịch bệnh.
“Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google Meet, Zalo, Facebook”… Cũng như nhiều giáo viên khác, lúc này, cô Cẩm chỉ mong được dạy offline như những năm học trước. Nhưng tình hình dịch bệnh khiến thầy cô, học sinh buộc phải học cách thích nghi với thực tế.
“Cần phải làm ngay một điều gì đó cho những ngày Covid đừng qua đi trong chậm chạp và mệt mỏi”, bức thư của cô Cẩm như một lời động viên nhẹ nhàng để các em học sinh xốc lại tinh thần cho chặng đường mới nhiều thử thách. Cô thủ thỉ cùng học sinh: “Hôm nay, thầy cô lại được tập huấn lại về kĩ năng dạy học trực tuyến, rồi miệt mài thiết kế lại bài học để linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh. Chúng ta sẽ gặp nhau trên Zoom, Team, Google Meet, Zalo, Facebook… Một năm học mới với nhiều thử thách, nhưng tất cả sẽ nhẹ bẫng nếu thầy cô và học sinh cùng quyết tâm, cố gắng”.
Bên cạnh đó, cảm xúc rưng rưng, nghẹn ngào của cô khi nhắc đến TP HCM những ngày dịch căng thẳng. “Dịch bệnh đang rất căng thẳng, chúng ta vẫn đang cảm nhận rất rõ về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng triệu triệu con tim và khối óc đang gồng mình chống dịch với niềm tin mãnh liệt. Chúng ta hãy học cách biết ơn và đây là lúc cô trò chúng ta phải tiếp tục hành động”, cô viết.
Ngoài ra, cô cũng không quên gửi lời động viên tới các bạn học sinh cuối cấp: “Khi mà các anh chị vừa tốt nghiệp THPT với những điểm số đáng tự hào đang chờ đợi cho chặng đua tiếp theo thì các em hãy chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa mới nhé! Dù có thể không gặp nhau trực tiếp trên giảng đường thì cô tin rằng chúng ta vẫn luôn cùng chung một chí hướng, chung một bầu trời ước mơ và nhiệt huyết cháy bỏng”.
Trong lá thư nắn nót viết lúc nửa đêm, cô Cẩm cũng cẩn thận dặn dò học trò: “Ngoài sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ; quần áo giản dị, sạch sẽ; nước uống thường xuyên; khẩu hiệu 5K…, các em hãy thiết lập giúp cô một đường truyền. Đường truyền của niềm tin, của đam mê, của bản lĩnh và trí tuệ. Mỗi chúng ta sẽ là một “sợi truyền” để “giữ lửa”.
Hãy nhìn sang bên cạnh các em, những bạn chưa có máy tính, không có smartphone, nếu vẫn chưa đến trường được, hãy hỗ trợ các bạn ấy. Bên cạnh chúng ta, nếu có bạn nào từ vùng dịch trở về, hãy tìm cách kết nối an toàn, để bạn không bị lỡ nhịp… Vốn dĩ, cô biết các em là những đứa trẻ biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu thương những ai khốn khổ hơn mình… Đó là cách để các em, các thầy cô thiết lập những đường truyền đấy các em ạ. Khi chúng ta đã thiết lập đường truyền rồi, cô tin rằng chẳng có một con virus nào có thể hạ gục nổi chúng ta. Hãy là những chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa. Hãy không ngừng học tập và sáng tạo… chúng ta nhất định sẽ có một đường truyền bất tận và không có con virus nào có thể xâm nhập được”.
Trở thành giáo viên là niềm hãnh diện lớn nhất mà cô Hồng Cẩm hài lòng nhất cho đến thời điểm hiện tại. Gia đình có truyền thống nghề giáo, nên ngay từ nhỏ cô đã nuôi ước mơ lớn lên trở thành “người lái đò chở học trò sang sông”.
|
Thầy cô bằng nhiều cách khác nhau, luôn có một con đường riêng để chạm tới trái tim học trò. Vào một phút giây nào đó, chúng ta sẽ trưởng thành. Biết trân quý và cảm ơn cuộc đời!... |
Hãy biết sẻ chia để bồi đắp sự tử tế
Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội tại Lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Lá thư truyền đi những thông điệp nhân văn, tràn đầy khát vọng cho những tân sinh viên tuổi 18: “Các em đã mang những luồng gió mới, mang sức sống tươi trẻ đến với nhà trường, và vì vậy, chúng ta có đủ niềm tin về một tương lai giáo dục tiến bộ của đất nước.
Thầy cam kết rằng, nơi đây sẽ tạo ra sự bình đẳng, tạo ra không gian thoáng đãng, không gian sáng tạo và phục vụ tốt nhất cho các em. Nơi đây không có chỗ cho sự sợ hãi, chỉ có yêu thương và trách nhiệm, chỉ có lòng tin và giá trị - các em là chủ nhân của mái trường này.
Cũng chính hôm nay, nơi miền Trung, bà con thân yêu của chúng ta đang trong bão lụt; có những bậc cha, bậc chú và cả những người cùng trang lứa của các em đang oằn mình chống lũ, có người ra đi và mãi mãi không về, đang có ngàn vạn bà con thiếu thốn trăm bề, các em ở nơi này phải biết nghĩ đến nơi xa. Hãy biết sẻ chia để bồi đắp tử tế.
Thầy cảm ơn các em chọn mái trường này. Các em đã chọn và dành ý nghĩa cuộc đời của mình cho những ước mơ cao đẹp nhất. Vì rằng, ý nghĩa cao cả của giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng là nuôi dưỡng tâm hồn để bồi đắp giá trị, khơi dậy ước mơ; cảm hóa con người để mỗi người yêu quý nhau hơn; sẻ chia, đồng cảm và tha thứ, bao dung; hành động chân chính vì cuộc đời tốt đẹp.
Mỗi sự kiện trong cuộc đời sẽ là một cung bậc của tình cảm, là thôi thúc để trỗi dậy lòng trắc ẩn, để có nền cho những khát khao chính đáng. Cuộc đời này không thể giá như, mà hãy làm vì những gì có thể.
Hãy xây ước mơ cao đẹp và trách nhiệm với đời
Những ước mơ chân chính chỉ nảy mầm từ những con người chân chính; những khát vọng cao cả chỉ được nuôi dưỡng trong những tâm hồn cao cả, trong tâm hồn chan chứa yêu thương.
Khát vọng sống trong tâm hồn có cao sang đến đâu cũng phải được nuôi dưỡng từ lòng đất mẹ, từ đồng làng một nắng hai sương, từ những ca đêm của bao người thợ, từ tiếng vọng thời gian của khao khát bao người đã mang vào lòng đất và trong biển cả, để bình yên của sớm mai này.
Tình yêu thương cao cả là chiếc nôi cho những ước mơ chân chính. Thầy mong các em hãy bắt đầu từ tình yêu thương và lan tỏa yêu thương, trước khi làm những điều hơn thế.
Hãy một lần đến với biển để ngắm bình minh, để thấy rằng đất nước này hướng về phía mặt trời; hãy một lần lên với núi, để thấy đất nước này tựa vào núi muôn đời và những dòng sông qua những cánh đồng, tươi đẹp lắm như trong lời ru của mẹ.
Đi để biết, để thấy bà con mình còn nhọc nhằn, gian khó; vẫn còn nghèo và thiếu thốn trăm bề. Đi để nuôi khát vọng đổi đời cho những người mà mình yêu quý. Đừng bắt đầu đi từ ảo vọng, muốn đi cần có hành trang: đó là tình yêu thương, đó là tri thức và lan tỏa chúng cho đời.
Cần có một nền tảng tri thức, chuẩn mực để định hình cho những ý tưởng chân chính, khi đã đúng thì phải quyết theo đuổi đến cùng và sẵn sàng bảo vệ cho lẽ phải, cho những gì thuộc về chân lý, nếu cần thì đừng sá xả thân.
Cuộc đời không chỉ là giông gió mà có lúc là bão tố, để không bị cuốn đi thì cần bản lĩnh và phải bắt đầu từ tư duy độc lập. Thiếu nó thì chỉ biết làm theo thuần túy và rồi mãi mãi phải đi sau. Đáng lo hơn, thiếu điều này này thì làm được gì cho thế hệ mai sau?
Sự đọa đày khủng khiếp nhất là bắt con người sống cô độc và sự thảm hại nhất đối với đời người là bắt phải rảo bước một mình trên đường đời hun hút. Hoa chỉ đẹp khi có người đứng ngắm, ý tưởng có tuyệt vời đến đâu mà không phụng sự cuộc đời thì cũng chỉ bóng mờ lẫn giữa đêm đen. Sức vóc của một đời người nhỏ lắm, riêng một mình không đủ thời gian. Hãy nắm lấy những bàn tay để đồng hành cùng khối óc để những ước ao sớm hiện hữu trên đời.
18 tuổi mà chỉ ngồi toan tính riêng tư thì chỉ ở trong không gian chật hẹp, buồn đến nao lòng. Ở trên đời cảm thông là chưa đủ, bắt tay vào để gỡ rối mới đáng bàn. Người ta đã chán chường với lối nói suông, rủ lòng thương trên bàn phím, mà họ cần nói đúng, làm được và dám làm. Hãy chuẩn bị thật tốt hành trang để vào đời và dám đi đến những nơi đất nước đang cần”...
Và như thế, để viết lên những trang thư dẫu ngắn gọn hay chan chứa thì tất cả đều là những cảm xúc rất đỗi yêu thương… Vào những thời khắc mà mỗi con người sẽ mang theo những ký ức thanh xuân tươi đẹp ấy, đi suốt cuộc đời mình!
Vào tiết học Toán cuối cùng, các bạn học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nông Cống 2, Thanh Hóa xúc động nghẹn ngào khi nhận được bài tập về nhà với “hạn nộp suốt cuộc đời” của cô giáo. Bởi lẽ đây là một bài tập mà bất cứ ai cũng phải dành cả cuộc đời để chứng minh, tìm đáp án.
Cô giáo viết lên bảng đen đề bài ngắn ngọn: “Bài tập về nhà: “Các em hãy sống thật hạnh phúc. Hạn nộp: Suốt cuộc đời các em”…
Thầy đã dạy cho con biết rằng con có thể làm tốt hơn thế!
“Thầy yêu quý!
Con đã rất ghét thầy trong lần đầu tiên. Con ghét cách thầy bắt con phải đứng thẳng, nghiêm trang. Con ghét việc thầy bắt con mặc đồng phục. Con ghét việc thầy luôn chỉnh sửa lời nói và cách con giao tiếp với người khác. Con ghét cách mà thầy không chấp nhận những bài làm của con mỗi khi con không cố gắng hết sức.
Chúng con có rất nhiều lần đánh cãi nhau. Chúng con la hét và đe dọa - thậm chí nhiều bạn còn khóc lóc trước mặt thầy… nhưng con nhớ thầy không bao giờ mất đi sự điềm tĩnh. Thầy luôn dành thời gian để lắng nghe chúng con, bất cứ khi nào chúng con muốn được chia sẻ.
Nhìn lại thời điểm đó, thực sự nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với những thành công mà con có ngày hôm nay. Thầy đã dạy con về sự kỷ luật. Thầy đã dạy cho con về phẩm giá. Thầy đã dạy chúng con nhiều hơn cả những kiến thức trong sách vở. Thầy đã dạy cho con biết rằng con có thể làm tốt hơn những gì bản thân con và người khác nghĩ về con. Nhờ có thầy con đã là một người thành công, chứ không phải là một chú hề, một trò cười của người khác.
Vì tất cả những bài học đó, con thấy con nợ thầy rất nhiều.
Cảm ơn thầy vì tất cả!…
Học sinh lớp 11 của thầy”