Công nghệ số không biên giới
Trong bài tham luận với tựa đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số thành động lực tăng trưởng mới của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Công nghệ số - Chuyển đổi số - Kinh tế số - Kỷ nguyên số là một tiến trình không thể đảo ngược. Đây là một xu thế toàn cầu”.
“Thế giới vật lý đang được ảo hóa. Thế giới thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của CMCN 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số. Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những lợi ích to lớn mà kinh tế số mang lại cho quốc gia, cho doanh nghiệp và người dân. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng này là bền vững vì sử dụng tri thức nhiều hơn tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội cho nhiều người tham gia hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số là không biên giới, sẽ góp phần làm giảm khoảng cách nông thôn và thành thị. Công nghệ số đem lại cho chúng ta những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài như: ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách.
Cần một chiến lược quốc gia
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để kinh tế số thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam rất cần sự dẫn dắt của Chính phủ, cần một chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số. Bộ TT&TT đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và Đề án sẽ được trình Thủ tướng ngay trong năm 2019. Đề án xác định rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên cả nước trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
“Nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, từ đó thay đổi cách chúng ta sản xuất, cách chúng ta đang làm việc không ai khác chính là các doanh nghiệp số Việt Nam. Dùng công nghệ để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh”, ông Hùng nói, “Bên cạnh việc đem lại những vận hội mới, công nghệ số sẽ hình thành những mô hình kinh doanh mới, thay thế mô hình kinh doanh cũ và tạo ra những thách thức mới. Uber đang thách thức taxi truyền thống, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống. Cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngành ngân hàng”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặt câu hỏi, vấn đề của Chính phủ là có chấp nhận những mô hình kinh doanh mới này hay không. Do vậy, nhiều người nói rằng: Số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.
“Chúng ta dám chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới, người tài trên toàn cầu sẽ đến Việt Nam và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Cái nôi của Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số có thể xuất khẩu được”, ông Hùng nói, “Tuy nhiên, nếu dám chấp nhận cái mới nhưng là người sau cùng chấp nhận thì sẽ không có giá trị nhiều. Đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất và đó chính là cơ hội của Việt Nam”.
VNPT sẽ tập trung hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và định hướng chuyển đổi số |
Bốn yếu tố nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra những yếu tố mang tính nền tảng để hỗ trợ kinh tế số Việt Nam. Thứ nhất, hạ tầng Viễn thông – CNTT hiện đại ngang tầm thế giới, băng thông rộng, tốc độ cao, mỗi người dân có một điện thoại thông minh. Công nghệ 5G sẽ xuất hiện ở Việt Nam cùng nhịp với các nước phát triển.
Thứ hai là, các chính sách liên quan đến kinh tế số, công nghệ số, Internet phải có tính cạnh tranh toàn cầu để người Việt Nam không phải ra nước ngoài khởi nghiệp công nghệ số, mà còn để người nước ngoài, tài năng toàn cầu về Việt Nam phát triển công nghệ.
Thứ ba, hình thành thị trường ban đầu của nền kinh tế số cho các doanh nghiệp công nghệ thông qua việc Chính phủ chi tiêu nhiều cho sản phẩm công nghệ số và xây dựng chính phủ điện tử.
Cuối cùng, là đào tạo nguồn nhân lực. Song song với việc đào tạo tiếng Anh, CNTT từ bậc phổ thông thì phải thực hiện đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số, năng lực số cho người lao động. Các trường đại học, cao đẳng nên có các khóa chính thức đào tạo lại, đào tạo nâng cao kéo dài từ 6 – 12 tháng. Đây là cách tốt nhất để giải quyết việc thiếu trầm trọng nhân lực số.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề xuất Việt Nam có thể chọn chiến lược chuyển đổi số gồm ba bước. Bước 1, đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số chính phủ. Bước 2, sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước 3, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số mới - sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
“Cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong hành động để thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công”, ông Hùng khẳng định.
“Năm 2019, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng chuyển đổi số. Theo đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái IoT, hoàn thiện các giải pháp ứng dụng ngành dọc như: Hoàn thiện bộ giải pháp và mở rộng triển khai nông nghiệp thông minh; Phát triển giải pháp, ứng dụng và các thiết bị Smart Home; Xây dựng giải pháp nhà máy thông minh.
VNPT nâng cấp nền tảng Viettalk Communication Engine nhằm tạo ra kết nối giao tiếp xuyên suốt trong hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ số, mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng, tạo ra cơ hội khai thác hiệu quả thông tin người dùng và tạo ra các gói dịch vụ mới. Đồng thời, hoàn thiện giải pháp giám sát camrea bảo mật thuộc Chương trình trọng điểm cấp quốc gia KC.01/16-20 về Chính phủ điện tử, đưa ra thị trường sản phẩm IP Camera an toàn, tạo ra khác biệt trên thị trường camera giám sát.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng nghiên cứu, phát triển các thiết bị viễn thông băng rộng không dây Wifi thế hệ mới, thiết bị LTE router và 3G/4G Smallcell, phát triển thiết bị SmallCell thế hệ tiếp theo đón đầu xu hướng 5G. Trên cơ sở nghiên cứu thành công giải pháp ảo hóa chức năng mạng NFV/SDN, hệ thống triển khai phát triển và kiểm thử tự động DevOps/Automation Test, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới vào sản phẩm cũng như quá trình R&D, bao gồm Cyber Security, Big Data, AI…”.
(Ông Phạm Đức Long – Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT)
Trong nền kinh tế số, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng cách tiếp cận sandbox. Nghĩa là cái gì không biết quản thế nào thì cho nó được phát triển trong một không gian, thời gian nhất định để các vấn đề bộc lộ một cách rõ ràng và những vấn đề nảy sinh thường không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Từ đó, cơ quan quản lý mới hình thành chính sách, quy định quản lý cho những vấn đề mới chưa có tiền lệ.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel: “Chuyển đổi số là vấn đề rất quan trọng, không chỉ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp viễn thông mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số.
Để công cuộc chuyển đổi số thành công, cần hai yếu tố quyết định. Thứ nhất là môi trường pháp lý phải đầy đủ và khả thi. Theo đó, Chính phủ nhanh chóng xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số, Thiết lập và tăng cường các thể chế, chính sách nền tảng cho xây dựng CPĐT/Chính phủ số. Theo đó, điều cần thiết là phải ban hành các quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu và thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử, chữ ký số… nhằm từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp; Xây dựng Chiến lược dữ liệu quốc gia là cơ sở rất quan trọng để các doanh nghiệp viễn thông nói riêng chuyển sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.
Yếu tố thứ hai là hạ tầng viễn thông rộng khắp và chất lượng cao, theo đó, đề nghị Bộ TT&TT nhanh chóng qui hoạch tần số và cấp phép thử nghiệm mạng 5G, tiến đến triển khai mạng 5G”.