Dám “chấp nhận và thử nghiệm cái mới”
Tháng 9/2021, khi Nghị quyết 05-NQ/TU ra đời, không ít ý kiến ban đầu đã ngạc nhiên. Quy mô nền kinh tế của Bình Ðịnh khi ấy còn chưa lớn; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người 63,2 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nội địa hơn 12 ngàn tỷ đồng.
Cơ cấu GRDP tỉnh khi ấy chiếm quá nửa là dịch vụ và nông lâm nghiệp, thủy sản. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, tỷ suất lợi nhuận thấp, hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp chưa cao. Nhắc đến Bình Định, thường mọi người chỉ nghĩ đến du lịch biển Quy Nhơn. Thế nhưng tỉnh đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Lễ khởi công dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định (Ảnh: Vân Anh) |
Một điểm rất đáng lưu ý, là Bình Định khi ấy đã khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS; CĐS trước tiên là chuyển đổi nhận thức”. Mục tiêu của CĐS rất rõ ràng. Thứ nhất, hướng đến lợi ích của người dân, DN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế. Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thứ ba, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, kết hợp xây dựng văn hóa văn minh thời đại số.
Nghị quyết 05 ưu tiên CĐS trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, TN&MT, kinh tế biển, GTVT, logistic… Bình Định khẳng định: “Chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo”.
Bốn năm là quãng thời gian đủ để chứng minh tầm nhìn của Bình Định trong Nghị quyết 05 là tầm nhìn xa, đúng đắn. Bình Định nay đã có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) kết nối 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành; phục vụ công tác quản lý, giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử. 100% Sở, ngành, UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng. 100% (159/159) xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.176 thôn/xóm.
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) Bình Định. |
Bình Định đã có Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với nhiều dịch vụ (phản ánh hiện trường; giám sát, điều hành giao thông; an ninh trật tự đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin; giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin kinh tế - xã hội…) hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành. Hệ thống hội nghị truyền hình đã kết nối liên thông phục vụ các phiên họp 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã.
Khuyến khích DN, người dân trong CĐS, tỉnh có chính sách miễn giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Bình Định cũng được mệnh danh là một trong những “thủ phủ công nghệ”, nơi đặt trung tâm nghiên cứu, cơ sở của nhiều Cty công nghệ hàng đầu.
Những động thái thiết thực
Dám “chấp nhận và thử nghiệm cái mới” trong CĐS, nhưng Bình Định cũng có những động thái tưởng như “nhỏ” mà rất thiết thực.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã sử dụng mã QR giới thiệu thông tin về nhiều di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, một số lễ hội. Hoàn thành kho dữ liệu quảng bá với công nghệ ảnh 360, 3D tại Bảo tàng Quang Trung. Hình thành dữ liệu giọng nói (thuyết minh ảo) của các điểm du lịch, làng nghề, di tích tích hợp trên Cổng thông tin du lịch Bình Định và đăng tải tuyên truyền trên mạng xã hội. Chủ động sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube,…) tăng cường thông tin, quảng bá du lịch.
Tỉnh hỗ trợ nhiều DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử; áp dụng các giải pháp công nghệ số như mã vạch, QR code, chip NFC… truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Công tác số hóa được chú trọng thực hiện tại Trung tâm Lưu trữ Lịch sử Bình Định. |
Việc ra mắt website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và một số tỉnh nước bạn Lào tại địa chỉ http://vietlao.vn đã góp phần không nhỏ trong hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thương hiệu ra nước ngoài, với sự tham dự của hơn 300 DN. Điều này không chỉ mở rộng thị trường cho DN mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.
Ngoài ra, Bình Định còn phát triển website bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ http://bandohangvietbinhdinh.vn. Đây là địa chỉ trực tuyến phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin, địa chỉ các điểm bán hàng cho người dân và du khách trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông tại Bình Định đã triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng đạt tỷ lệ cao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 05, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, cho biết: “Bước đầu việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực”.
“Năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để đạt mục tiêu này, việc tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện CĐS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS là rất quan trọng”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.