Sáng 12/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tại Việt Nam tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Do vậy, du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
Theo ông Bình, nhiều năm qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động nhiều phong trào, hoạt động, đưa du lịch xanh vào thực tế cuộc sống và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Thế nhưng, xanh ở đây không phải là vấn đề về phủ sóng màu sắc mà là quá trình xanh hóa trong tư duy, hành động để các cá nhân và tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Báo Đại đoàn kết) |
Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải khi tuyên bố Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch. Ở Việt Nam tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Do vậy, du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
Ngành du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, theo báo cáo dự kiến sẽ đóng góp khoảng hơn 6,4% cho Tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) trong năm nay. Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số các vấn đề gồm: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả;) du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Ông Patrick Haverman cũng nhấn mạnh, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau.