Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam” nhằm đề xuất những giải pháp, kiến nghị tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế chính sách, quy định phù hợp, thúc đẩy phát triển du lịch tại các vùng chè ở các địa phương thuộc tiểu vùng Đông Bắc.
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, ngày 8/10, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam” để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đối với kết quả nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho hay, nước ta có rất nhiều vùng chè, các vùng chè không chỉ tạo ra các sản phẩm chè đặc sắc mà còn tạo ra giá trị trong phát triển du lịch. Trong những năm vừa qua, các địa phương có những vùng chè đã bước đầu khai thác được những giá trị cho phát triển du lịch, góp phần tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm chè. Bên cạnh đó, tạo nên sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của các vùng chè trong những năm vừa qua cũng chưa đạt được những kỳ vọng, do nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề chính sách, cơ chế, đầu tư cho phát triển các vùng chè…
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, qua đó đánh giá tiềm năng và thực trạng. Đồng thời đề xuất những giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế chính sách, quy định phù hợp, thúc đẩy phát triển du lịch tại các vùng chè ở các địa phương thuộc tiểu vùng Đông Bắc.
Báo cáo kết quả nghiên cứu ban đầu về "Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc", T.S Lê Quang Đăng - Phó Trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết: Trồng chè là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam. Cây chè được coi là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong cả nước, phổ biến là các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Một số địa phương có các vùng chè nổi tiếng như: Thái Nguyên (Tân Cương), Hà Giang (Hoàng Su Phì), Phú Thọ (Tân Sơn), Sơn La (Mộc Châu), Nghệ An (Thanh Chương), Hà Tĩnh (Hương Sơn), Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đắk Nông (Gia Nghĩa)...
Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích chè cả nước khoảng 123.000 ha, trong đó diện tích kiến thiết cơ bản 8.000 ha, diện tích chè kinh doanh 115.000 ha. Trong đó, tiểu vùng Đông Bắc là khu vực có nhiều vùng chè tập trung và có diện tích chè lớn nhất so với các tiểu vùng khác trong cả nước.
Ở tiểu vùng Đông Bắc, Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất và lớn nhất cả nước với khoảng hơn 22.000 ha, được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Tiếp theo là các tỉnh: Hà Giang (khoảng 21.000 ha), Tuyên Quang (khoảng 8.500 ha), Bắc Kạn (khoảng hơn 2.000 ha), Bắc Giang (khoảng 500 ha), Lạng Sơn (khoảng 450 ha), Cao Bằng (khoảng gần 100 ha).
Đánh giá chung về tiềm năng phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, TS. Lê Quang Đăng cho rằng, mỗi vùng chè đều có những giá trị tài nguyên chung (gắn với nông nghiệp sản xuất chè) đồng thời có những giá trị đặc trưng riêng, khác biệt, gắn với mảnh đất, văn hóa và đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương...
"Đây là tín hiệu đáng mừng để các địa phương ở tiểu vùng Đông Bắc quan tâm thúc đẩy phát triển du lịch tại các vùng chè vì hầu hết khách đều có mong muốn quay trở lại các vùng chè đã đến hoặc khám phá các vùng chè mới. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ không nhỏ khách du lịch “phân vân” về việc có quay trở lại hoặc khám phá các vùng chè mới hay không. Đây là thách thức đặt ra cho các địa phương trong việc làm tăng sức hấp dẫn của du lịch tại các vùng chè, phát triển đa dạng sản phẩm và dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và thỏa mãn sự hài lòng của khách du lịch", Phó Trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nêu rõ.
Từ những thuận lợi và thách thức trên, TS. Đăng đưa ra một số giải pháp chung nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc. Trong đó cần chú trọng phát triển dựa trên hai nền tảng cốt lõi: nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà, coi đây là đòn bẩy, động lực, yếu tố quyết định đến sự thành công của du lịch tại các vùng chè. Phát triển sản phẩm du lịch tại các vùng chè vừa theo chiều sâu, vừa theo chiều rộng. Mỗi địa phương, vùng chè, căn cứ vào đặc điểm, thế mạnh tài nguyên để định hướng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp.
Ngoài ra, theo TS. Đăng, cần sự quan tâm, chính sách, cơ chế thích hợp hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tăng cường công tác phát triển thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề du lịch và tăng cường chuyển đổi số...
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp... đã nêu tiềm năng, thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tại vùng chè ở các địa phương thuộc tiểu vùng Đông Bắc.