Lễ hội tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004, sau đó được tổ chức thường niên vào dịp đầu Xuân. Lễ hội nhằm tôn vinh, lưu giữ, phát triển giá trị của cây chè, người làm chè, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của người trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh chè ở Tân Cương nói riêng và cả nước nói chung. Đây đồng thời là dịp để quảng bá tiềm năng kinh tế, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu cây chè, sản phẩm trà Tân Cương tới du khách.
Phần lễ được tổ chức trang trọng với các hoạt động chính như: màn trống khai hội, múa lân và chương trình văn nghệ đặc sắc, nghi lễ “Rước cây chè cổ”- nghi lễ truyền thống, nhằm tôn vinh nghề làm chè và những người làm chè ở Tân Cương.
Lãnh đạo TP. Thái Nguyên đánh trống khai hội |
Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động như: Thi hái chè nhanh, thi sao chè ngon bằng phương pháp thủ công truyền thống, thi văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống (ném còn, kéo co, bóng chuyền…). Bên cạnh các phần thi, không gian lễ hội còn thu hút đông đảo du khách bởi các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trà của các HTX.
Thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống |
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết, để tôn vinh nghề truyền thống của người dân nơi đây, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ cho người trồng, chế biến chè và những người uống trà, yêu thích trà, hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” lại được tổ chức để đón du khách gần xa đến trẩy hội và trải nghiệm.
Năm nay là năm thứ 19 lễ hội được tổ chức với ý nghĩa quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà Tân Cương, xúc tiến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và thu hút đầu tư, đưa thương hiệu trà Tân Cương ngày càng phát triển lớn mạnh, tự tin vươn ra thế giới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc thi hái chè nhanh tại lễ hội |
Toàn xã hiện có gần 400 ha chè với tổng sản lượng đạt trên 1.000 tấn chè búp khô/năm. Giá trị thu được trên 1 ha chè đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ chè hằng năm đã chiếm trên 70% tổng thu nhập của nhân dân trong toàn xã. Trong tổng số 12 hợp tác xã và nhiều tổ hợp tác được thành lập, đã có 6 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao. Cây chè thực sự đã mang lại no ấm, hạnh phúc cho người dân Tân Cương.