Chuyên gia cảnh báo nguy cơ nghiện game trong mùa dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, dịch COVID-19 đang làm tăng nguy cơ nghiện game, nghiện online ở mọi lứa tuổi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo TS.BS Huyền, làm việc online đã trở thành một giải pháp để tiếp túc duy trì công việc mà không phải tập trung đông người, học sinh học tập online. Việc học sinh học online dẫn đến việc tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài, điều này đã dẫn đến việc không ít học sinh, sinh viên nghiện game.

Nghiện game được định nghĩa với những đặc điểm là mất khả năng kiểm soát chơi các trò chơi trên máy tính, điện thoại, tăng sự tập trung vào chơi game hơn là tập trung vào những hoạt động khác, ưu tiên vào chơi game hơn cả vào những hoạt động thú vị khác hay những hoạt động hàng ngày và tiếp tục hoặc tăng dần chơi game dù cho có những hậu quả xấu xảy ra.

Chơi game để giải tỏa căng thẳng

TS.BS Huyên phân tích một số nguyên nhân gây nghiện game, là do nhiều người lựa chọn chơi game như một biện pháp để giải tỏa căng thẳng, stress do những hoạt động giải trí ngoài trời, thể thao, tôn giáo bị cấm…, do việc phải giữ khoảng cách, tránh tụ tập động người.

Những hoạt động tương tác hàng ngày bị hạn chế bởi những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang làm cho mọi người không thể trò chuyện với nhau, không thể biểu lộ cảm xúc với nhau qua nét mặt, qua sự biểu cảm. Việc chơi game trở thành một biện pháp giải tỏa căng thẳng, có thể trở thành nghiện game nếu bị lạm dụng quá mức.

Trường học đóng cửa, có khi ngừng hẳn hoạt động, học sinh học online, các cơ quan tổ chức đều tổ chức các hoạt động online, làm việc online …làm hạn chế nhiều sự tương tác về mặt xã hội trong thời kỳ đại dịch. Việc không đến trường và không được tham gia vào các hoạt động, sử dụng quá nhiều thời gian để làm việc với các phương tiện như điện thoại, máy tính trong một căn phòng chỉ có một mình khiến học sinh, sinh viên dễ rơi vào trạng thái nghiện game lúc nào không biết.

Đặc biệt, do bố mẹ quá bận rộn với những công việc như phòng chống dịch COVID-19, làm việc cơ quan, việc nhà và không có thời gian để chú ý quản lý việc chơi game qúa nhiều của trẻ.

Để chẩn đoán nghiện game, những hành vi chơi game này phải có đủ mức độ nghiêm trọng để làm tổn hại đến cá nhân người bệnh như bỏ học, học hành sa sút, ảnh hưởng gia đình, xã hội, công việc, nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực quan trọng trong đời sống và những ảnh hưởng này phải kéo dài ít nhất là 12 tháng.

Nghiện game thường biểu hiện như thế nào?

Theo lý giải của TS.BS Huyền, người nghiện game thường cảm thấy bồn chồn, bứt dứt, khó chịu trong người nếu không được chơi game. Nói dối bạn bè hoặc gia đình khi được hỏi về thời gian chơi game.

Những người nghiện game thường không tiếp xúc, tránh giao lưu với người khác để giành thời gian chơi game.

Những triệu chứng về cơ thể như mệt mỏi, đau đầu, hội chứng ống cổ tay do sử dụng quá mức chuột máy tính, lười vệ sinh cá nhân.

Nghiện game có thể làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp, học tập và tài chính của người bệnh. Và với sinh viên phải thi lại môn, học lại môn, có thể phải thôi học vì nợ quá nhiều môn.

Phòng nghiện game trong thời kỳ đại dịch

TS Huyền cho biết, với những trẻ có nguy cơ nghiện game, cần theo dõi thói quen chơi game của trẻ: về thời gian chơi, trò chơi, thói quen đi ngủ và mức độ cô lập, hạn chế giao tiếp về xã hội…

Việc tuân thủ theo các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc phải được đảm bảo nhưng nên có các hoạt động tương tác giữa học sinh, ví dụ có những cuộc trao đổi, gặp mặt online hoặc tham gia vào những chương trình tự học…

Bố mẹ cần phải dành thời gian để tương tác với con như theo dõi và quy định giờ chơi game của trẻ, đặc biệt là về giấc ngủ. Nhiều trẻ ngủ phòng riêng và chơi game suốt đêm, không kiểm soát được giờ giấc.

Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời ngay tại khu vực nhà mình như đi bộ tập thể dục, đánh bóng bàn, cầu lông, chơi cá ngựa, cờ vua, cờ tướng...

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cần có sự hỗ trợ và những lời khuyên để đối phó với stress, xử lý những hậu quả của việc chơi game quá mức như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, hậu quả của việc học hành sa sút do tập trung vào chơi game.

Đọc thêm