Chuyên gia của nhiều bộ, ngành muốn thuốc lá thế hệ mới được quản lý bằng Nghị định 67 sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 24/11, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm cập nhật thông tin mới và khách quan từ đại diện các bộ, ngành liên quan về tiến độ quản lý thuốc lá thế hệ mới cũng như tháo gỡ những quan ngại trong việc kiểm soát mặt hàng này. Nội dung của sự kiện cũng chính là câu trả lời cho sự quan tâm của dư luận, cộng đồng về việc làm thế nào để thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT) cũng như thuốc lá làm nóng (TLLN) sớm chịu quản lý dưới luật trong bối cảnh các sản phẩm dù đang là hàng lậu này nhưng lại được buôn bán tràn lan, công khai trên thị trường.

Hội thảo vinh dự đón tiếp đại diện nhiều bộ, ngành liên quan, gồm Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội; Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam; Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan… cùng nhiều đơn vị thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình khai mạc Hội thảo.

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình khai mạc Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình nhấn mạnh, là một trong những đơn vị truyền thông tiên phong trong mảng phòng chống tác hại thuốc lá, từ năm 2020, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội thảo “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới” và nối tiếp bằng tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần góc nhìn mới” vào tháng 1 năm nay.

Kể từ đó, trong gần một năm qua, liên tiếp có 6 hội thảo/tọa đàm với các chủ đề “nóng” về quản lý thuốc lá thế hệ mới đã được nhiều cơ quan ban, ngành tổ chức... Loạt sự kiện cho thấy những nỗ lực trước đây của Báo Pháp luật Việt Nam đã phần nào thu hút được sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của các bộ, ngành đối với thuốc lá thế hệ mới và vấn đề này vẫn còn ‘rất nóng’.

Do đó, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo lần này với chủ đề “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” với mục tiêu chia sẻ đến công chúng những thông tin mới nhất và ý kiến đóng góp khách quan của các chuyên gia đến từ nhiều bộ, ban, ngành liên quan cố gắng cùng nhau tìm ra giải pháp thỏa đáng nhất để sớm đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Đinh Dũng Sỹ nhắc lại các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến TLTHM.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Đinh Dũng Sỹ nhắc lại các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến TLTHM.

Trong phát biểu cá nhân mở đầu Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho biết, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định (NĐ) sửa đổi NĐ số 67 năm 2013 về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).

Cho đến nay, tiến độ đã là muộn. Đồng thời, dự thảo NĐ sửa đổi NĐ 67 về kinh doanh thuốc lá vẫn chưa được hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành. Do đó, khuyến nghị cần sớm thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau và trình Chính phủ dự thảo NĐ sửa đổi NĐ 67 về kinh doanh thuốc lá trong thời gian sớm nhất.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Nguyễn Hồng Ngọc cho rằng, TLLN/nung nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Nguyễn Hồng Ngọc cho rằng, TLLN/nung nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Hồng Ngọc cũng cho biết, tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm TLĐT, hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp. Ông Ngọc chỉ ra, theo quy định của Luật PCTHTL thì TLLN/nung nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đối với TLĐT thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTHTL, pháp luật hiện nay chưa có quy định.

Cập nhật tiến trình quản lý TLTHM, Trưởng phòng Công nghệ thực phẩm (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) Cao Trọng Quý cho biết: Tháng 10/2022 vừa qua, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo Bộ Y tế đã làm việc với các đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo NĐ sửa đổi NĐ 67 để báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định theo chỉ đạo tại Công văn số 8564/VPCP-CN ngày 23/11/2021 của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo 2 Bộ, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai các nội dung liên quan nhằm sớm thống nhất các nội dung, hoàn thiện hồ sơ dự thảo NĐ để tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Ông Cao Trọng Quý chia sẻ, Bộ Công Thương mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm TLTHM được thúc đẩy nhanh chóng hơn.

Ông Cao Trọng Quý chia sẻ, Bộ Công Thương mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm TLTHM được thúc đẩy nhanh chóng hơn.

Theo ông Quý, với xu thế hội nhập về mọi mặt như hiện nay, việc trên thị trường xuất hiện những sản phẩm thuốc lá mới là điều không thể tránh khỏi. Bộ Công Thương mong muốn vấn đề chính sách đối với các sản phẩm TLTHM được thúc đẩy nhanh chóng hơn nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ một cách kịp thời.

Chia sẻ khó khăn của lực lượng quản lý thị trường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) Kiều Dương đánh giá: Khi chưa có quan điểm dứt khoát thì việc xử lý TLTHM trong nội địa tương đối khó khăn. Dường như vẫn có cách tiếp cận truyền thống, “quản không được, quản khó thì cấm”. Trong bối cảnh hiện nay, nên có cách tiếp cận mở hơn, phải tìm cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh TLTHM.

Ông Kiều Dương nêu rõ, phải tìm cách quản lý TLTHM.

Ông Kiều Dương nêu rõ, phải tìm cách quản lý TLTHM.

Đồng tình quan điểm quản lý thay vì cấm, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Nguyễn Triết thông tin, hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã chấp nhận một số sản phẩm TLLN và TLĐT hệ đóng. Trên thế giới, các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã chấp nhận cho tiêu dùng TLLN trên thị trường.

Ông Triết đánh giá, khi nói TLTHM độc hại hơn là không đúng vì chưa có bằng chứng. Bên cạnh đó, thuốc lá lậu đã hiện hữu nhiều năm nay nên không thể cấm được. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng đối với mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng.

Trong phần tham luận được chuẩn bị từ ông Lê Thành Hưng, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ có nêu rõ các thông tin sau: “Đối với TLLN là sản phẩm có điếu thuốc được chế biến từ thuốc lá, tách riêng với thiết bị làm nóng, có thể được xác định là dạng khác của thuốc lá.

Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương là việc quản lý TLLN cần thực hiện theo Luật PCTHTL và các văn bản pháp luật hiện hành. Bộ cũng tích cực hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nhóm TLTHM để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, cuối năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN về việc công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm TLLN, bao gồm 2 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật”.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, cần đặt mình vào vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, cần đặt mình vào vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng.

Phân tích dưới góc độ quyền lợi người tiêu dùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, chúng ta cần đặt mình vào vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng. Khi đặt đề xuất cấm TLTHM trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ đen, có thể nhận ra, người hút thuốc trưởng thành đang bị bỏ quên, chưa được đối xử công bằng và bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe.

Như vậy, họ có quyền bình đẳng và được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng trong chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu được chuyển đổi sang TLTHM (với niềm tin - PV) ít tác hại hơn thuốc lá điếu. Đáng tiếc, những điều luật bảo vệ con người này dường như đang bị “bỏ quên” trong trường hợp TLTHM, khiến người hút thuốc phải đối mặt với nhiều nguy cơ về hệ lụy không mong muốn.

Theo ông Lê Đại Hải, Bộ Công Thương có thể bổ sung nội dung về quản lý TLTHM vào trong NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ67.

Theo ông Lê Đại Hải, Bộ Công Thương có thể bổ sung nội dung về quản lý TLTHM vào trong NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ67.

Dưới góc nhìn pháp lý, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Đại Hải nhìn nhận, các sản phẩm TLTHM có thể thuộc định nghĩa thuốc lá trong Luật PCTHTL. Tuy nhiên, TLTHM vẫn là mặt hàng chưa được quản lý trên thực tế.

Hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung NĐ 67 về kinh doanh thuốc lá. NĐ sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Qua nghiên cứu Luật PCTHTL, bên cạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, Bộ Công Thương có thể bổ sung nội dung về quản lý TLTHM vào trong NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 67.

Có thể nói, các chuyên gia và đại diện đến từ nhiều bộ, ban, ngành liên quan đều đồng quan điểm về việc sớm đưa TLTHM vào quản lý nhằm giải quyết thực trạng ách tắc hiện nay. Quản lý cũng đồng thời là cách tối ưu để kiểm chứng thực tiễn và toàn diện các tác động của sản phẩm này trên nhiều mặt, trước nhu cầu chuyển đổi sang giải pháp giảm tác hại ngày càng tăng của nhiều người hút thuốc. Vì vậy, càng triển khai sớm biện pháp quản lý đối với TLTHM, chính sách kiểm soát thuốc lá quốc gia sẽ càng hoàn thiện, đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho cộng đồng, xã hội.

Đọc thêm