Kiểm soát toàn diện về thuốc lá thế hệ mới: Quản lý là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ khi thuốc lá thế hệ mới được đưa vào quản lý dưới sự kiểm soát của Nhà nước, gánh nặng do tình trạng buôn lậu mặt hàng này mới sớm được giải quyết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn bao gồm bảo vệ sức khỏe người dùng cũng như giải quyết bài toán thất thu thuế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vì dù có tên gọi thuốc lá nhưng sản phẩm khác hoàn toàn với thuốc lá điếu, nên để kiểm soát đầy đủ và toàn diện mặt hàng này thì thí điểm kinh doanh là giai đoạn cần phải có.

Cần thiết quản lý trước tình trạng nở rộ của thị trường chợ đen

Thực trạng hiện nay, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, số lượng và tần suất, lưu lượng các mặt hàng làm thủ tục quá cảnh, xuất kho ngoại quan (KNQ) tăng và thuốc lá điện tử (TLĐT) là một trong số những mặt hàng đó.

Trên thực tế, hầu hết các mặt hàng được gửi vào KNQ, các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ làm dịch vụ thu phí, không phải là chủ hàng thực sự. Do đó, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thể kiểm soát được hàng hóa thực sự mà mình làm thủ tục, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại về thuế cho Nhà nước từ hoạt động buôn lậu.

Mặt khác, số lượng thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) nhập lậu tăng cũng đồng thời phản ánh nhu cầu người chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá “công nghệ” trong nước đang rất cao. Mới đây, theo thống kê kết quả khảo sát trên 2.000 người trưởng thành đã và đang hút thuốc của báo Lao động, có đến 97% người đã biết và sử dụng TLĐT, thuốc lá làm nóng (TLLN).

Để ngăn chặn tình trạng TLTHM nhập lậu ngày càng mở rộng độ “phủ sóng” trên toàn quốc, kể từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, ngành đề xuất cơ chế quản lý.

Từ đó đến nay, Chính phủ đã nhiều lần nhắc lại chỉ đạo này và đến năm 2021, Văn phòng Chính phủ có thêm văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc lại việc phối hợp giữa các bộ để sớm có cơ chế quản lý loại sản phẩm này.

Tháng 8 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, yêu cầu được hướng dẫn rõ chính sách quản lý với TLTHM để có cơ sở thực hiện nhằm sớm đưa vào quản lý theo pháp luật về xuất, nhập khẩu.

Cơ chế thí điểm và những lợi ích đem lại

Dung hòa lợi ích giữa các chủ thể liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như sau nhiều cuộc họp thống nhất cùng các bộ, ban, ngành, Bộ Công thương đã đề xuất cho phép thí điểm nhập khẩu, lưu thông TLTHM.

Trong phương án này, Bộ Công thương đề xuất thí điểm trước có thời hạn với TLLN như một sản phẩm thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành. Với TLĐT, Bộ Công thương cho rằng nên tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ bằng chứng khoa học liên quan đến sự an toàn của dung dịch trong nhóm sản phẩm này.

Có thể nói, thí điểm là một bước đi phù hợp và an toàn đáp ứng nhiệm vụ kép, đó là giúp nâng cao chiến lược kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá của quốc gia, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó bao gồm nhu cầu chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại hơn so với thuốc lá điếu của người hút thuốc và tạo điều kiện để bộ ban ngành liên quan thực thi nghiêm việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ thay cho tình trạng buông lỏng như hiện nay.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã đề xuất dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá, xem xét chính sách quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý Nhà nước đối với mặt hàng này, phù hợp Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược quốc gia về giảm tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: “Hiện nay, do Nghị định 67 của chúng ta chưa có quy định, cho nên TLTHM du nhập vào Việt Nam chủ yếu thông qua các con đường thẩm lậu như xách tay... chứ chưa có quy định được phép nhập khẩu, buôn bán một cách chính thống.

Tuy nhiên trên thực tế, có không ít người trước đây hút thuốc lá điếu truyền thống đã chuyển sang hút TLTHM là TLĐT hoặc là TLLN. Như vậy, khi có nhu cầu thực tiễn trong xã hội, quan hệ xã hội xuất hiện thì Nhà nước cần phải có biện pháp để quản lý các sản phẩm này”.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Lê Đại Hải.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Lê Đại Hải.

Theo các chuyên gia, thí điểm còn là giải pháp phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc cần kiểm soát toàn bộ sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường, cũng như chống bình thường hóa việc sử dụng thuốc lá. Trên thực tế, bản chất của TLĐT, TLLN chỉ là về cách thức của sản phẩm, sử dụng sản phẩm.

Còn về mặt nguyên lý, theo ông Lê Đại Hải: “Nhà sản xuất vẫn sử dụng các hương liệu được sao tẩm, chế biến để đưa nicotine vào cơ thể con người, tương tự như cách của người hút thuốc lá truyền thống. Vì vậy, việc quản lý đối với TLTHM này là cần thiết”.

Mặc dù vẫn còn có một số ý kiến khác biệt về khung pháp lý cụ thể để quản lý các sản phẩm này, nhưng đa số các bộ ngành đều cho rằng, trước nhu cầu thực tiễn và thực trạng về tình hình buôn lậu mặt hàng này tăng cao, tấn công vào sức khỏe người dùng, cần phải có giải pháp hợp lý để vượt qua các rào cản, tận dụng lợi thế về kinh nghiệm quản lý và nền tảng luật định sẵn có để kiểm soát sớm TLTHM, thay vì chỉ bỏ ngỏ như hiện nay.

“Các nghiên cứu đều chỉ ra, cần phải quản lý TLTHM và có thể vận dụng khái niệm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá trong luật hiện hành thì có thể bổ sung ngay nội dung quản lý đối với TLTHM vào luôn trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67 trong thời gian tới”, ông Lê Đại Hải nhấn mạnh.

Đọc thêm