Cần xóa bỏ tư duy bảo thủ về thuốc lá thế hệ mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong cuộc cách mạng hướng tới một thế giới không khói thuốc, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đóng vai trò bổ trợ rất quan trọng cho chính phủ và các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, để phòng chống tác hại của thuốc lá, nhất là hướng tới việc bảo vệ giới trẻ một cách đúng đắn, chúng ta cần có hành lang pháp lý kiểm soát thuốc lá thế hệ mới phù hợp, hiệu quả về mặt thực tiễn, thay vì theo chiều hướng cực đoan hay lý tưởng hóa.

NGOs và hệ lụy can thiệp vào quá trình xây dựng chính sách quốc gia

Nhờ có sự tham gia của các tổ chức NGOs, các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá được nhân rộng. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là các tổ chức này không dừng lại ở đó, mà còn tham gia vào quá trình hoạch định chính sách tại các quốc gia đang phát triển.

Cụ thể, báo chí quốc tế đã ghi nhận nhiều trường hợp các tổ chức NGOs như Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), HealthBridge Canada, Vital Strategies… can thiệp sâu vào quá trình xây dựng chính sách. Đáng chú ý, tất cả các tổ chức này đều là thành viên của Bloomberg Philanthropies, một Quỹ từ thiện quốc tế do một cá nhân thành lập.

Thay vì tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền về tác hại, nâng cao ý thức phòng chống hút thuốc và hỗ trợ biện pháp cai thuốc lá nói chung, chiến dịch của các tổ chức trên lại có thiên hướng tập trung vào việc vận động việc thiết lập quy định cấm bao trùm tất cả các nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá ngậm… tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Phillippines, Thái Lan, Brazil, Nigeria… và cả Việt Nam.

Hệ lụy mà các tổ chức này tạo ra đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khi mới đây, khi Bộ Y tế Philippines bất ngờ thừa nhận đã nhận nguồn tài trợ “không công bố” từ tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies cho mục đích “hỗ trợ” soạn thảo khung pháp lý, thúc đẩy lệnh cấm sử dụng các sản phẩm TLTHM tại nước này.

Bộ Y tế Philippines từng thừa nhận đã nhận nguồn tài trợ từ tổ chức Bloomberg Philanthropies để “hỗ trợ” soạn thảo khung pháp lý liên quan đến TLTHM.

Bộ Y tế Philippines từng thừa nhận đã nhận nguồn tài trợ từ tổ chức Bloomberg Philanthropies để “hỗ trợ” soạn thảo khung pháp lý liên quan đến TLTHM.

Theo đó, CTFK Philippines từng “đệ trình và thúc đẩy dự luật không khói thuốc” hướng tới việc cấm tất cả sản phẩm TLTHM. Trong nhiều năm, Bộ Y tế Philippines và các chuyên gia y tế khác đã từng kêu gọi phủ quyết dự luật Quản lý TLTHM (VNNP) với lý do các điều khoản của dự luật này mâu thuẫn với các mục tiêu sức khỏe cộng đồng và các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại các nước Mỹ La-tinh, CTFK từng tham gia “soạn thảo các luận điểm pháp lý và đề xuất lập pháp cho quốc gia mục tiêu nhằm thúc đẩy lệnh cấm hoặc hạn chế đối với các sản phẩm TLTHM và hỗ trợ các nỗ lực vận động hành lang”.

Hiện nay, các tổ chức CTFK, HealthBridge Canada… đang hoạt động mạnh mẽ thông qua việc tài trợ cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và ngành y tế Việt Nam; từng chia sẻ quan điểm đề nghị cấm và không chủ trương thí điểm quản lý TLTHM, trong khi thị trường chợ đen hay ma túy trá hình có liên quan đến nhóm sản phẩm nhập lậu này lại đang mặc sức tấn công giới trẻ.

Điều này mâu thuẫn với đề xuất thí điểm quản lý TLTHM được đại diện Bộ Công Thương phân tích, kiến nghị; vốn nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan bộ, ngành đưa ra phương án quản lý để tăng cường phòng chống buôn lậu. Do vậy, việc CTFK tích cực vận động nhằm mở đường cho việc ban hành chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá không khói, trong đó có TLLN, tạo ra sự lúng túng trong việc quản lý của các cơ quan bộ, ngành.

Hệ lụy là đã gần 5 năm vẫn chưa thể có hành lang pháp lý cho TLTHM nên đã dẫn tới sự bành trướng của thị trường buôn lậu và nguy hiểm hơn là những nguồn hàng phi pháp này đã và đang tác động đến giới trẻ. Đây vốn dĩ là điều mà chính các tổ chức NGOs chống thuốc lá không hề mong muốn, nhưng thực tế đã diễn ra.

Để bảo vệ giới trẻ, cần xóa bỏ tư duy bảo thủ về TLTHM

Dưới góc nhìn của các tổ chức NGOs, quan ngại về tác hại của TLTHM lên giới trẻ là dễ hiểu. Tuy nhiên nhiều chuyên gia từ các tổ chức y tế uy tín thế giới đã có những nghiên cứu để tháo gỡ quan ngại này.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Khoa học lần thứ 5 về Giảm tác hại thuốc lá đã diễn ra tại Athens vào ngày 21/9/2022, ông Lion Shahab, Giáo sư Sức khỏe Tâm lý, Khoa Khoa học Hành vi & Sức khỏe, Viện Dịch tễ và Y tế Anh đã chia sẻ: Có rất nhiều nghiên cứu, bằng chứng khoa học cho thấy TLĐT, TLLN, thuốc lá ngậm snus… giúp giảm tác hại, có lợi cho những người hút thuốc, trong khi có rất ít hoặc hầu như không có bằng chứng về ’hiệu ứng bắc cầu” để tạo ra “một thế hệ nghiện nicotine mới” như quan ngại hiện nay.

Do đó ông kết luận: “Để bảo vệ giới trẻ một cách đúng đắn, chúng ta cần cung cấp thông tin chính xác, và hành lang pháp lý kiểm soát TLTHM phù hợp là chìa khóa quan trọng nhất. Cần nhớ rằng nguy cơ của TLTHM là ít quan trọng hơn nhiều trong bối cảnh thuốc lá điếu vẫn còn được bày bán và sử dụng rộng rãi”.

Ngoài Anh, các quốc gia sớm quản lý TLTHM như Mỹ, Canada, Thụy Sỹ, Đức, Nhật, New Zealand… cũng đồng thuận với quan điểm này.

Nhật Bản, sau khi TLLN được đưa vào thị trường này năm 2014 (tại một tỉnh), theo Tobacco Atlas, tốc độ giảm doanh số bán thuốc lá điếu ở Nhật tăng gấp 5 lần (từ 2%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 10% hàng năm trong giai đoạn 2015-2018, lượng thuốc lá tiêu thụ của nước này đã giảm 44% trong 5 năm.

Sau khi “sự cố” của NGOs được giải quyết, ngày 25/7/2022, Chính phủ Philippines đã chính thức thông qua VNNP - Luật Quản lý sản phẩm TLTHM có chứa và không chứa nicotine - dự luật vốn gặp nhiều phản biện từ cơ quan y tế nước này trước đó.

Philippines trở thành quốc gia châu Á được khen ngợi vì đã thực hiện một bước ngoặt từ lập trường cấm đoán trước đây sang hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá, tương tự như Uruguay trước đó đã xóa bỏ lệnh cấm đối với TLLN vào năm 2020.

Xét về góc độ khoa học, những tác động ngoại ý đến từ các sản phẩm thuốc lá không khói về bản chất hiện vẫn đang được các tổ chức y tế trên toàn cầu theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phủ nhận toàn bộ những giá trị tích cực đã được khoa học kiểm chứng minh bạch, toàn diện đối với những sản phẩm này.

Để bảo vệ giới trẻ khỏi tác động không mong muốn của TLTHM mà chủ yếu là thuốc lá điện tử đến từ thị trường chợ đen, cần lắm hướng tư duy thông thoáng, thực tiễn hơn về cách tiếp cận kiểm soát TLTHM.

Đọc thêm