Chuyên gia 'lên tiếng' về đổi mới thi THPT quốc gia 2017

(PLO) - Sau khi công bố dự thảo thi THPT quốc gia 2017, nội dung gây nhiều băn khoăn nhất là việc sẽ áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn Toán và môn Sử. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng những đổi mới trong Đề án của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm khá khả thi.
Chuyên gia 'lên tiếng' về đổi mới thi THPT quốc gia 2017

Không phải tuyển chọn nhân tài

Trước đó, GS. Phùng Hồ Hải - Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam đã thay mặt Hội nêu ý kiến về chủ trương thi trắc nghiệm môn Toán của Bộ GD-ĐT. GS. Phùng Hồ Hải cho biết, quan điểm của Hội không đồng tình với đề xuất sử dụng hình thức trắc nghiệm thi môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT. Bởi lẽ: quyết định của Bộ GD-ĐT thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là gấp gáp, chưa có sự chuẩn bị cho giáo viên và học sinh.  Họ chưa có thời gian để làm quen với hình thức thi này, do đó, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học.

Đồng thời, về mặt chuyên môn, hình thức thi này không phù hợp với yêu cầu đã được đặt ra trong đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đó là yêu cầu đối với hình thức thi cử phải đáp ứng được: khi đánh giá kết quả phải chú trọng hiểu, vận dụng kiến thức kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn, hạn chế các vấn đề ghi nhớ máy móc, học tủ...

“Thứ ba, theo chúng tôi hiểu, nội dung dự thảo cũng như buổi phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hình thức kỳ thi THPT quốc gia 2017 về môn Toán cũng như một số môn khác dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội trong 3 năm qua. Chúng tôi chưa thấy có thông tin kết luận, đánh giá  cụ thể kết quả của kỳ thi này. Quan điểm của chúng tôi là nếu muốn thay đổi Bộ GD-ĐT phải chứng minh được những ưu điểm của kỳ thi đánh giá năng lực này. Còn hiện nay, chưa có kết luận nào chứng tỏ việc tổ chức kỳ thi này có ưu điểm về mặt chuyên môn  vì vậy không nên thực hiện ngay”. Tuy nhiên, tất cả những ý kiến này đang được Hội Toán học bàn thảo, lấy ý kiến.

Về vấn đề này, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao lại không thể thi trắc nghiệm môn Toán?”. Theo GS. Lâm Quang Thiệp: “Với hai hình thức thi trắc nghiệm và tự luận thì không thể nói phương pháp nào hơn phương pháp nào. Bởi mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhưng nếu nói 2 phương pháp này áp dụng cho kỳ thi có tính chuẩn hóa cao, quy mô lớn như kỳ thi THPT quốc gia thì phương án thi trắc nghiệm có ưu thế áp đảo hơn so với phương pháp thi tự luận truyền thống”. GS. Thiệp lý giải cần phải xác định rõ mục tiêu của kỳ thi, bởi đây không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà là kỳ thi THPT quốc gia. Việc sàng lọc chỉ mang tính chất phân loại, còn nếu thi tuyển để chọn nhân tài thì đương nhiên không nên thi trắc nghiệm môn Toán.

Chất  lượng phụ thuộc vào đề thi

GS Lâm Quang Thiệp  chỉ  rõ: “Môn Toán có thể dùng hình thức thí sinh tự tạo ra đáp án, như kỳ thi SAT của Mỹ có 10 câu hỏi mà thí sinh tự viết đáp án chứ không phải chọn đáp án. Hình thức này có thể giảm bớt việc thí sinh đoán mò khi làm bài. Lâu nay, môn Ngữ văn, Lịch sử thi tự luận nhưng việc chấm điểm chưa hợp lý.

Để chấm môn tự luận, kỳ thi gọi rất nhiều giáo viên, quy định barem chi tiết biến đề tự luận thành cách đếm ý để tính điểm, vô tình biến đề thi tự luận hay thành đề thi trắc nghiệm tồi. Sai lầm thế phải sửa ngay. Nhưng vấn đề là sửa như thế nào, có lộ trình sửa đổi để các giáo viên và học sinh không quá hoang mang. Những người phản đối trắc nghiệm Toán có lẽ hơi nhầm lẫn về mục tiêu của kỳ thi THPT. Kỳ thi THPT này có phải tuyển chọn nhân tài không? Tôi nghĩ không phải, nó chỉ là kết quả để phân loại học sinh. Riêng về môn Toán, nếu có thể nên đưa phần tự luận chiếm khoảng 30% trong đề thi thì sẽ hợp lý hơn”.

 Tuy nhiên, theo GS Lâm Quang Thiệp phân tích, nếu thi trắc nghiệm, chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào đề thi. Còn tự luận chất lượng kỳ thi sẽ phụ thuộc vào năng lực của người chấm. Về đề thi, chúng ta liệu đã hoàn toàn có thể chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi?” - GS. Lâm Quang Thiệp bày tỏ.

Cùng đó, PGS. TS. Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục cũng nhận định: “Việc thi trắc nghiệm kết quả tốt hay không, tin tưởng được không cốt yếu là ở đề thi. Chính vì vậy, ngân hàng đề thi của Bộ phải thực sự phong phú và chuẩn xác. Làm sao để mỗi thí sinh có một đề thi riêng, như vậy thì kết quả mới đáng tin tưởng”. Bà Nga cũng khẳng định, thi trắc nghiệm không ảnh hưởng tới phương thức dạy và học trên lớp. “Lo ngại nhất của phương án thi mới là số lượng và chất lượng câu hỏi có đủ trình độ phân loại thí sinh hay không? Tuy nhiên, đó là công việc của các cấp quản lý. Đối với thí sinh chỉ cần học đúng, đủ chương trình đảm bảo sẽ đỗ THPT”, bà Nga chia sẻ.

Sau khi nghe ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT cũng chính thức lên tiếng về những thay đổi đối với kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, về thi trắc nghiệm môn Toán, Bộ GD-ĐT cho rằng thi trắc nghiệm  khách quan ở nước ta không phải là hình thức mới. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức trắc nghiệm  khách quan. Hàng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.

Thực tế, trong các câu hỏi trắc nghiệm  khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, khi chuyển từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm  khách quan, sách giáo khoa không cần phải thay đổi. Cũng theo Bộ GD-ĐT, các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.