Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi Bộ Giao thông vận tải xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Công ty bay dịch vụ Hàng không (Vasco).
Theo đó, Vietnam Airlines cho biết, nhà đầu tư (Techcombank) mong muốn tham gia góp vốn để trở thành thành viên sáng lập của hãng hàng không mới với tên dự kiến CTCP Hàng không Vasco vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng. Vận chuyển nội địa, quy mô đội tàu bay dưới 10 tàu.
Về tỷ lệ góp vốn, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ; Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) 48% vốn điều lệ; CTCP phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.
2 cổ đông Techcombank góp tiền mặt, tối thiểu 147 tỷ đồng; Tổng công ty góp vốn bằng tài sản hiện có do Vasco đang quản lý như đội tàu bay ATR 72, kho phụ tùng vật tư, động cơ dự phòng… tương đương 153 tỷ đồng.
|
Dự kiến hiệu quả hoạt động của CTCP Hàng không Vasco |
Nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến đề xuất “lạ” của Vietnam Airlines như khả năng cạnh tranh, nguồn vốn, kế hoạch kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận…
Xin ông cho biết, việc thành lập CTCP Hàng không Vasco có khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không khác như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific?
- Ngành hàng không Việt Nam cần nhiều hãng hàng không tư nhân hơn là điều cần thiết vì đến bây giờ chỉ có ba hãng hàng không chủ yếu, riêng Vietnam Airlines đã chiếm thị phần rất lớn.
Việt Nam càng ngày càng hội nhập quốc tế nên thị trường hàng không cũng cần có sự cạnh tranh lành mạnh hơn. Cho đến bây giờ, Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước được những đặc quyền, ưu đãi của Chính phủ cũng như thương hiệu hãng hàng không quốc gia Việt Nam nhưng với vị trí độc quyền làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường và người dân có ít lựa chọn hơn nên việc tư nhân hoá ngành hàng không là quan trọng.
Vietnam Airlines cũng cần cổ phần hoá 100% mặc dù đây là hãng hàng không quốc gia nhưng đi vào nền kinh tế thị trường thực thụ, giao thông vận tải bằng đường hàng không và dịch vụ hàng không không phải là những việc Chính phủ đảm đang mà nên giao cho tư nhân.
Thời điểm này có lẽ phải chấp nhận Vietnam Airlines vẫn là doanh nghiệp Nhà nước nhưng nên có nhiều những hãng hàng không tư nhân khác cạnh tranh trên thị trường để người dân có nhiều lựa chọn về giá, dịch vụ.
Riêng Vasco theo hình thức Vietnam Airlines đề xuất là công ty cổ phần tuy nhiên cần tư nhân hoá 100%, không có vốn nhà nước ở trong doanh nghiệp này.
Thứ hai, về số vốn 300 tỷ đồng có lẽ là quá nhỏ so với một hãng hàng không mặc dù chủ trương chỉ là hãng nhỏ và đội tàu bay 10 tàu nhưng giao thông hàng không nhiều rủi ro, cần đồng vốn tự có đáng kể, có lẽ ít nhất phải 1.000 tỷ đồng.
Thứ ba, về các cổ đông, Techcombank không nên tham dự vào đầu tư, kinh doanh. Bản thân Techcombank không thể có cổ phần ở một doanh nghiệp kinh doanh phi ngân hàng, làm như vậy rất rủi ro. Dù sao, Techcombank cũng vẫn là một ngân hàng thương mại khi huy động vốn của dân chúng phải đẩy vốn ra bằng tín dụng, không thể đẩy ra bằng đầu tư vì đầu tư rủi ro, phải ngân hàng đầu tư mặc dù Việt Nam có chức năng ngân hàng đa năng vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư.
Việc một ngân hàng tham gia (Techcombank) với tỷ lệ vốn (49%), tương đương tối thiểu 149 tỷ đồng vào hãng hàng không có bị coi như đầu tư ngoài ngành và không hợp lệ không?
- Nếu là công ty có vốn riêng, công ty con của Techcombank có trách nhiệm nếu thua lỗ không ảnh hưởng đến Techcombank thì chấp nhận được. Tại Việt Nam, vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm, cho vay các bên liên quan nhập nhằng, vẫn là sân sau nên nếu Techcombank làm phải tuân thủ quy định.
Với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, tại văn bản cho biết CTCP Hàng không Vasco đặt mục tiêu đạt lợi nhuận chưa đầy 2 tỷ đồng trong 3 năm 2016-2018, lãi của Vasco chủ yếu đến từ doanh thu bổ trợ (quảng cáo, bán quà lưu niệm); thuê chuyến… Ông bình luận gì về khoản lợi nhuận này?
Về lợi nhuận có lẽ phải chấp nhận, thường thường các doanh nghiệp ra đời trong 3 năm đầu phải chịu lỗ nên nếu có lợi nhuận trong 3 năm đầu là tốt.
Tuy nhiên nếu lợi nhuận chủ yếu từ sản phẩm không liên quan đến giao thông hàng không sẽ không hợp lý vì hãng hàng không nên tập trung dịch vụ di chuyển, chiếm tỷ trọng lớn hơn, khoảng 70% từ bán vé cho khách hàng.
Một số ý kiến cho rằng, nếu Vietnam Airlines có chủ trương cổ phần hoá, gọi vốn đầu tư cho Vasco thì cần công khai kế hoạch, tổ chức định giá Vasco, thưa ông?
- Rõ ràng Vietnam Airlines có chủ trương cổ phần hoá, gọi vốn đầu tư cho Vasco thì cần công khai kế hoạch, tổ chức định giá Vasco, đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo tài sản hiện hữu của nhà nước tại Vasco như máy bay, mạng bay, thương hiệu… được sử dụng và định giá đúng mực bởi các công ty định giá độc lập.
Đồng thời, chọn được nhà đầu tư phù hợp cũng như tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!