Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của nước ta và phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai…
Liên quan đến công tác PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, quá trình thực hiện các biện pháp PCTN, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến biện pháp kê khai và công khai tài sản, thu nhập, thể hiện ngay trong Luật PCTN.
Tuy nhiên, trong Luật chưa quy định vấn đề xử lý tài sản, thu nhập mà không giải trình được nguồn gốc. Tổng kết thực tiễn thi hành Luật PCTN cũng thấy rằng, đây là điểm cần phải được đánh giá thật kỹ để sắp tới khi sửa đổi, Luật PCTN sẽ có chế tài trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mà chủ yếu là kê khai tài sản, thu nhập.
Cùng với đó, Luật cũng cần quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, cả khi đối tượng trốn chạy ra nước ngoài để làm sao khi phát hiện, xử lý thì thu hồi tài sản của Nhà nước phải được thực hiện một cách đầy đủ, đạt tỷ lệ khá cao.
Còn ông Jairo Acuna-Alfaro - Cố vấn chính sách của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) phát biểu tại tọa đàm “PCTN vì bình đẳng xã hội ở Việt Nam” do UNDP tổ chức sáng 9/12 đã nhấn mạnh nguyên tắc vàng của PCTN là không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Dựa trên kết quả nghiên cứu “Quản trị địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công: Bằng chứng khảo sát ở Việt Nam”, nhóm nghiên cứu của Viện Quản lý châu Á – Thái Bình Dương (Đại học Kinh tế quốc dân) đưa ra một số giải pháp PCTN như: tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân; tăng cường vai trò giám sát và phản hồi của báo chí, các tổ chức độc lập và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của bộ máy chính quyền thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin cung cấp cho công chúng và nghiên cứu, phê chuẩn Luật Tiếp cận thông tin.
Theo ông Acuna-Alfaro, để PCTN có hiệu quả, cần phải tác động tới không chỉ một cá nhân đơn lẻ mà phải phá vỡ được “chuỗi tham nhũng”, phải tìm hiểu được loại hình, động cơ tham nhũng để có biện pháp đối phó. Đặc biệt, ông nhấn mạnh nguyên tắc “không thể vừa đá bóng vừa thổi còi” trong việc thực thi các hoạt động PCTN.