Cơ chế “xin - cho” là “mảnh đất” cho tham nhũng phát sinh

(PLO) - Sau 10 năm thi hành, mỗi lần sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là một bước tiến trong công tác phòng ngừa, cụ thể là trong minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập nhưng đến nay dường như mọi cố gắng đó chưa mang lại hiệu quả như mong đợi
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Sáng nay (8/12), Ban Nội chính TƯ phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức “Hội thảo tăng cường hiệu quả thi hành luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) – kinh nghiệm một số nước và thực tiễn Việt Nam”.

Theo TS.Đinh văn Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), sau 10 năm thi hành, mỗi lần sửa đổi Luật PCTN là một bước tiến trong công tác phòng ngừa, cụ thể là trong minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên “đến nay dường như mọi cố gắng đó chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, tham nhũng vẫn là một thách thức lớn đối với quá trình  đổi mới và phát triển mà chúng ta phải nỗ lực để vượt qua”

Do đó, việc nhìn nhận, đánh giá lại những biện pháp, giải pháp đã và đang thực hiện là hết sức cần thiết để tiếp tục hoàn thiện bảo đảm tính hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật về PCTN, nhất là vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, một biện pháp quan trọng phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Số lượng trên dưới 1 triệu bản kê khai tài sản đặt ra vấn đề về kiểm soát tính trung thực của việc kê khai nhưng ngay việc công khai bản kê khai tài sản cũng vẫn là vấn đề gai góc. Dù nghị quyết Đảng yêu cầu phải công khai tại nơi cư trú và nơi làm việc nhưng đến nay pháp luật mới chỉ quy định công khai tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, quy định về kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên cũng đang có "lỗ hổng" rất lớn để người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng hoặc con đã thành niên, nhất là trong trường hợp những người này không thuộc diện phải kê khai tài sản. 
Như trong vụ "biệt phủ sinh thái nghìn tỷ của một quan chức cấp tỉnh" thì mọi giấy tờ liên quan đến khu biệt thực này đều mang tên con trai của vị quan chức, đang là công chức không thuộc diện kê khai tài sản cho thấy "lỗ hổng" này.
Ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cũng nhấn mạnh, kiểm soát tài sản ở nước ta đang dẫn đến sự bế tắc trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng. Theo ông Quyền, cơ chế kiểm soát tài sản, cơ chế kiểm soát mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước là quan trọng để PCTN nhưng hiện đều đang thiếu. 
Do vậy, để tăng cường sự giám sát về tính trung thực của bản kê khai thì TS. Đinh Văn Minh cho rằng “cần tiến tới mở rộng đối với quyền tiếp cận thông tin của công chúng đặt dưới sự kiểm soát nhằm bảo đảm thông tin được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát hiện những nghi ngờ trong việc kê khai tài sản, thu nhập”.
Ngoài ra, cần có Luật kiểm soát tài sản của toàn xã hội vì "nếu chỉ kiểm soát được tài sản của công chức mà không kiểm soát được tài sản của những người khác thì kiểm soát vô phương"- ông Nguyễn Đình Quyền nhận định. Đồng thời, phải chống "tham nhũng chính sách" bằng cách loại bỏ cơ chế "xin - cho" bởi thực tế cho thấy, cơ chế này chính là "mảnh đất" cho tham nhũng phát sinh.

Đọc thêm