(PLO) - Sửa đổi luật phòng, chống tham nhũng sắp tới để khi phát hiện, xử lý tham nhũng thì thu hồi tài sản của Nhà nước phải được thực hiện một cách đầy đủ, đạt tỷ lệ khá cao
“Việc thu hồi tài sản cũng là một nội dung cần quan tâm đặc biệt trong tổng kết và sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sắp tới để khi phát hiện, xử lý tham nhũng thì thu hồi tài sản của Nhà nước phải được thực hiện một cách đầy đủ, đạt tỷ lệ khá cao” - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chia sẻ nhân ngày quốc tế PCTN - 9/12
* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác PCTN thời gian qua?
Thế giới đưa ra “công thức”: công tác PCTN không tốt khi bưng bít thông tin + độc quyền của các cơ quan nhà nước + không thực hiện trách nhiệm giải trình.
Liên hợp quốc cũng dựa vào công thức này để đánh giá hiệu quả công tác PCTN của các nước. Theo đó, nước nào có tình hình đó thì sẽ có điểm số thấp về công tác PCTN.
Tuy nhiên, công tác PCTN của Việt Nam dựa trên “công thức” riêng gồm 3 yếu tố: hoàn thiện thể chế + thực hiện dân chủ và công khai minh bạch + trách nhiệm giải trình. Nhờ đó, điểm số về PCTN của Việt Nam trong thời gian 5 năm qua có tiến bộ, tăng vài bậc so với thời kỳ trước đây cho thấy bước tiến trong PCTN.
Tổ chức minh bạch thế giới cũng đã đánh giá cao về kết quả trong công tác phòng ngừa, xử lý tham nhũng của nước ta. Liên hợp quốc đánh giá rất cao Việt Nam là một thành viên tích cực, hiệu quả thực hiện Công ước về chống tham nhũng của Liên hợp quốc.
Với việc liên tục hoàn thiện thể chế về PCTN, cụ thể là Luật PCTN đã được sửa đổi 2 lần và sẽ tiếp tục được sửa đổi toàn diện sau khi Chính phủ tổng kết 10 năm thi hành. Kèm theo là Chiến lược PCTN của Chính phủ đến năm 2020,
Bộ Chính trị có Chỉ thị 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, những người có chức vụ, quyền hạn thuộc diện phải kê khai và các nghị định, thông tư quy định hướng dẫn thi hành.
Có thể nói, hoàn thiện thể chế về PCTN của Việt Nam có một bước tiến rất dài trong công cuộc PCTN.
* Chúng ta đã có các biện pháp phòng chống tham nhũng, trong đó có biện pháp kê khai tài sản. Nhưng có ý kiến cho rằng phải kiểm soát được tài sản thì mới PCTN được. Vậy theo Tổng Thanh tra, biện pháp nào sẽ PCTN hiệu quả?
Trong quá trình thực hiện các biện pháp PCTN, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến biện pháp kê khai và công khai tài sản, thu nhập, thể hiện ngay trong Luật PCTN.
Tuy nhiên, trong Luật chưa quy định vấn đề xử lý tài sản, thu nhập mà không giải trình được nguồn gốc.
Tổng kết thực tiễn thi hành Luật PCTN cũng thấy rằng, đây là điểm cần phải được đánh giá thật kỹ để sắp tới khi sửa đổi, Luật PCTN sẽ có chế tài trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mà chủ yếu là kê khai tài sản, thu nhập.
Cùng với đó, Luật cũng cần quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, cả khi đối tượng trốn chạy ra nước ngoài để làm sao khi phát hiện, xử lý thì thu hồi tài sản của Nhà nước phải được thực hiện một cách đầy đủ, đạt tỷ lệ cao.
* Ông có kiến nghị gì để nâng cao vai trò của ngành thanh tra trong đấu tranh PCTN?
Chúng tôi xác định thực hiện tốt Chiến lược phát triển ngành thanh tra giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, ngành Thanh tra sẽ tăng cường trách nhiệm để tham mưu tốt trong quản lý nhà nước về PCTN; tăng trách nhiệm, thẩm quyền trong xử lý các vụ án trong quá trình thanh tra, phát hiện dấu hiệu tham nhũng; đào tạo cán bộ chuyên sâu để vừa thanh tra, chấn chỉnh hoạt động trong quản lý Nhà nước; vừa phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng để chuyển cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nhằm phát hiện, ngăn chăn, đẩy lùi tham nhũng, góp phần PCTN hiệu quả.
* Trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra!
Không phân biệt khi xử lý tham nhũng
Bộ Chính trị cũng vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của nước ta và phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc : Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai…