Chuyên gia tư vấn cách chọn thực phẩm sạch khi đi chợ

(PLO) - Theo ThS. Lê Thị Hải nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực tế hiện nay, dù có “thông thái” đến mấy người tiêu dùng cũng không thể biết là rau có "ngậm" chất độc hại hay không. Vì thế, bà khuyến cáo, người tiêu dùng cần có kiến thức khi đi chợ. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Bác sĩ Lê Thị Hải cho rằng, về mắt thường, rất khó để phân biệt cá bị nhiễm độc kim loại nặng hay nhiễm độc loại gì. Muốn phân biệt được phải xét nghiệm thì mới biết được... 

Việc cơ quan chức năng phát hiện chất cấm Salbutamol gấp 5 lần mức cho phép trong lô thịt lợn “sạch” (đạt chứng nhận VietGAP) cũng khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. 

Đề cập về vấn nạn này, bác sĩ Hải chia sẻ, trên thực tế, cũng có giống lợn lai thịt nạc, tuy nhiên phần lớn hiện nay người ta dùng chất Salbutamol tiêm vào, trộn trong thức ăn để tạo nạc cho lợn. 

Để thực phẩm trở nên bắt mắt với người tiêu dùng, một số người sản xuất còn dùng chất vàng ô (là một chất nhuộm, dùng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, sơn…) để cho vào thực phẩm… 

Theo bác sĩ Hải, với thực tế hiện nay, dù có “thông thái” đến mấy người tiêu dùng cũng không thể biết là rau này có phun thuốc trừ sâu hay có dùng thuốc kích thích hay không. 

Vì thế, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng cần có kiến thức khi đi chợ. 

Ví dụ như về rau quả, không nên mua trái mùa, mua những loại rau bất thường như xanh quá, to quá, mướt quá, không nên chọn những loại rau dễ bị ngộ độc, nên mua củ quả ăn. 

Về thịt, không nên mua thịt nạc quá. Lớp mỡ sát bì cũng không nên mua, nên mua loại thịt có lớp mỡ dày từ 1,5 - 2cm. Thịt sạch sẽ không có dịch chảy ra còn thịt nhiễm Salbutamol sẽ có chất dịch màu vàng. 

Nếu măng bị nhuộm chất vàng ô khi đem rửa và luộc thì nước rửa và luộc măng cũng có màu vàng. 

Về cá, nếu bị nhiễm độc, hình dáng con cá bị biến dạng đi, thường là phần đầu to, phần đuôi quắt lại, phần thân thì gồng lên…

Những thông tin trên được chia sẻ tại buổi tư vấn trực tuyến: “Giữ sức khỏe trước cơn bão thực phẩm bẩn” do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức sáng qua (13/5).

4 tháng 1.368 ngộ độc thực phẩm 

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm làm trên 1.368 người bị ngộ độc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 4/2016, đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm làm 375 người bị ngộ độc. 

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong tuần cuối của tháng 4, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 10 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, tăng gấp 4-5 lần so với thời gian trước… 

Sau khi xem xong một đoạn phóng sự về quá trình chế biến thực phẩm “bẩn”, PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng không tránh khỏi rùng mình. 

Theo ông Thuấn, có nhiều loại hóa chất tồn dư trong thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khoẻ tùy thuộc vào loại hóa chất thời gian tiếp xúc có thể gây ngộ độc. Thực phẩm có tồn dư hóa chất thường gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây nôn, buồn nôn, hệ thần kinh, hô hấp, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây ảnh hưởng tới hệ sinh sản hay gây quái thai. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây ung thư… 

Cũng theo PGS. TS. Trần Văn Thuấn, nguyên nhân gây ung thư rất nhiều. Trong đó có những nguyên nhân từ bên ngoài (khoảng 80%), bao gồm thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ô nhiễm, các bệnh mạn tính, nhiễm trùng như viêm gan B gây xơ gan, ung thư gan, nhiễm HPV gây ung thư cổ tử cung, nhiễm HP gây ung thư dạ dày... Ngoài ra còn có một số hoá chất khác cũng gây ung thư như thuốc trừ sâu, dioxin… 

Trước vấn nạn thuốc trừ sâu, diệt cỏ được người trồng rau sử dụng bừa bãi trên các loại rau rồi bán cho người tiêu dùng, ông Thuấn cho biết, đây là nguyên nhân gây ung thư từ bên ngoài. Vì nếu không tuân thủ đúng quy trình trồng trọt sẽ gây hại cho sức khoẻ, về lâu dài sẽ gây bệnh ung thư (thuốc trừ sâu có thể gây ung thư hạch, giáp trạng, ung thư gan...).

Đọc thêm