Chuyển giao hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng

(PLO) - Theo quy định của pháp luật về nhà ở và đất đai, một số hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở người dân có thể tìm đến Ủy ban xã hoặc tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy với trình độ của cán bộ cơ sở như hiện nay thì để Ủy ban cấp xã làm là rất mất an toàn.
Công chứng viên đang làm thủ tục công chứng cho người dân. Ảnh: Bình An
Công chứng viên đang làm thủ tục công chứng cho người dân. Ảnh: Bình An
Xã vừa “chứng” vừa “run”
Trong suốt một thời gian dài, khi mà việc công chứng, chứng thực còn chưa tách bạch, các tổ chức hành nghề công chứng còn chưa phát triển thì lựa chọn số 1 của người dân khi thực hiện giao dịch, hợp đồng về đất đai là đến UBND cấp xã. Đến xã, vừa gần, đỡ mất công đi lại, chi phí rẻ hơn, lại đỡ phải chờ đợi…
Tuy nhiên, với những hợp đồng về đất đai, hệ quả của việc chứng sai là rất khó lường. Nguy cơ tranh chấp, hủy hợp đồng, khiếu kiện là rất cao. Thậm chí nhiều việc đưa nhau ra tòa cũng không giải quyết được hậu quả. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do trình độ của cán bộ cấp xã. Cả người tham mưu lẫn người ký trực tiếp. 
Kết quả thanh, kiểm tra ở các địa phương cũng cho thấy, các sai phạm trong chứng thực hợp đồng, giao dịch là rất phổ biến. Không những sai về trình tự thủ tục, mà nhiều cái sai rất nghiêm trọng về nội dung như tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình nhưng chỉ có một thành viên trong gia đình ký vào hợp đồng, hoặc chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến tài sản thuộc sở hữu chung mà chủ sở hữu chung bị chết nhưng không làm các thủ tục về khai nhận di sản thừa kế mà vẫn chứng thực... 
Thậm chí, có địa phương còn chứng thực những hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất trong khi người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng vi phạm nói trên không phải là cá biệt khi mà các hợp đồng, giao dịch trong lĩnh vực đất đai ngày càng trở nên phức tạp.
Thêm vào đó, việc chứng thực ở xã, phường hiện nay đang theo kiểu phường nào biết phường ấy mà chưa có tính liên thông, chưa có sự chia sẻ, kết nối thông tin nên một tài sản có thể chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho cho nhiều người mà cấp xã không thể kiểm soát nổi. Chưa kể, với quan hệ làng xã như hiện nay thì việc cán bộ xã do nể nang nên chứng vào hợp đồng cũng không còn hy hữu. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ rất khó lường. 
Để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia các giao dịch, từ năm 2009 việc chuyển giao các giao dịch, hợp đồng này đã được chuyển về cho các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, việc chuyển giao vẫn chưa đồng đều và triệt để ở các địa phương.
Giao công chứng sẽ an toàn
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất với người dân vùng sâu, vùng xa là việc chuyển giao sẽ khiến họ phải đi xa hơn, chi phí nhiều hơn, nhất là với người dân ở những nơi chưa có hoặc có ít tổ chức hành nghề công chứng. Ngay như ở các vùng ngoại thành Hà Nội, những nơi chưa có Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng, khi thực hiện các giao dịch về nhà đất người dân đã gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải phát triển các tổ chức hành nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và tăng cường công tác kiểm tra giám sát để việc thu phí đúng quy định.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.400 Công chứng viên phân bổ trên tổng số hơn 700 tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm cả Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng). Nhiều nơi như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, các tổ chức hành nghề công chứng gần như đã phủ khắp. 
Theo tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 240, sẽ quy hoạch ít nhất một tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện; Quy hoạch tối đa không quá từ 2 đến 5 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng tùy theo số lượng hợp đồng, giao dịch/năm và thực tế ngành Tư pháp đang nỗ lực cho mục tiêu này.
Quan trọng hơn, cái được lớn nhất khi chuyển giao cho tổ chức hành nghề công chứng là người dân sẽ không còn lo các hợp đồng bị chứng trái pháp luật, không lo phải hầu kiện. Bởi với trình độ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chứng viên như hiện nay thì việc thực hiện các giao dịch bất hợp pháp sẽ được hạn chế một cách tối đa. Công chứng viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm và phải bồi thường thậm chí bằng cả gia sản của mình. 
Thêm vào đó, ở nhiều địa phương hiện đã xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng giúp các thông tin về tài sản công khai, chính xác mà khi thực hiện giao dịch người dân không phải lo bị lừa. Chẳng hạn,tính đến ngày 1/3/2014, tại Hà Nội 103/103 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đã tham gia Chương trình, đã tích hợp được hơn 1.200.000 thông tin và đã có dữ liệu của 24/29 quận, huyện, thị xã... Trong tương lai, khi các hệ thống phần mềm này phát triển cũng với sự gia tăng các tổ chức hành nghề công chứng thì người dân hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các hợp đồng tại đây.
Tiến sĩ Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội: Pháp luật hiện hành đã quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính  xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Trường hợp người dân có thể chứng minh được tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch thì sẽ không phải mất thêm chi phí cho việc xác minh. Đành rằng, mức phí người dân phải trả cho hoạt động công chứng lớn hơn việc chứng thực ở Ủy ban cấp xã, tuy nhiên hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức (chữ ký) chứ không chứng nhận về mặt nội dung nên sẽ không có được sự bảo hộ cao như hoạt động công chứng.

Đọc thêm