Chuyện ít biết quanh chuyên cơ của lãnh đạo Trung Quốc

(PLO) -Ngày 7/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Bắc Kinh đi thăm  Kazakhstan và dự Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác quốc tế Thượng Hải, một hoạt động ngoại giao tưởng như bình thường. Tuy nhiên…
Chuyên cơ mới của ông Tập Cận Bình
Chuyên cơ mới của ông Tập Cận Bình

…Trong bản tin do THX phát đi, chỉ một câu ngắn “Chủ tịch Tập Cận Bình chiều 7/6 đáp chuyên cơ rời khỏi Bắc Kinh” đã ẩn chứa những thông tin gây tò mò cho giới báo chí bởi họ phỏng đoán đây là lần đầu tiên chiếc “Không lực 1” của Trung Quốc  đưa ông Tập Cận Bình đi thăm nước ngoài. 

Một số báo lập tức hé lộ về chiếc chuyên cơ này: Đó là chiếc Boeing 747-800, từng được Air China dùng chở khách; năm 2015, sau khi được đưa sang Đức cải tạo bắt đầu đưa vào sử dụng từ ngày 7/6/2017.

Cho đến nay, hình ảnh chuyên cơ này mới chỉ xuất hiện hiếm hoi trên mấy diễn đàn mạng nhưng lập tức gây nên những tranh cãi xôn xao, phê phán nặng lời bởi nó nhái nguyên mô típ chiếc “Không lực 1” của Tổng thống Mỹ, chỉ khác mỗi màu sơn đỏ thay vì màu xanh lam như nguyên mẫu…

Đón hụt và những tiết lộ về “Không lực 1” Trung Quốc

Vì vậy, chờ đón ông Tập tại sân bay thủ đô Astana là rất đông nhà báo Trung Quốc và nước ngoài. Song mọi người đã thất vọng: Chiếc máy bay chở ông Tập hạ cánh vẫn là chiếc chuyên cơ cũ mang màu sơn của Air China.

Phóng viên “The Paper” tại Astana tiếp cận được một thành viên trong đoàn  và thành viên yêu cầu giấu tên này cho biết: Chủ tịch Tập lần này vẫn không sử dụng chuyên cơ mới. Ông nói: Mặc dù Trung Quốc không nói nhiều về “Không lực 1”, nhưng thực ra chủ tịch nước có 2 chuyên cơ, trong nội bộ gọi là “Số 1” và “Số 2”.

Từ sau khi ông Tập trở thành người lãnh đạo cao nhất, khi đi thăm nước ngoài sử dụng chiếc “Số 1”, di chuyển trong nước thì dùng chiếc “Số 2”, “đó hoàn toàn xuất phát từ việc an toàn và đảm bảo cho công tác bảo vệ”. Ông này nói: “Giống như tàu sân bay hay phi thuyền Thần Chu, “Không lực 1” là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược quốc gia; nhưng “Không lực 1” trực tiếp liên quan đến an nguy của chủ tịch nước, nên hệ số an toàn của nó cao nhất”.

Ông Tập Cận Bình vẫn đến Kazakhstan trên chuyên cơ cũ
Ông Tập Cận Bình vẫn đến Kazakhstan trên chuyên cơ cũ

Người này tiết lộ: “Việc chế tạo, cải tạo, nghiệm thu…được giám sát theo một quy trình nghiêm ngặt chưa từng có. Việc thử nghiệm  các loại thời tiết, các cự ly đã được tiến hành nhiều lần, chiếc “Không lực 1” đã rất mỹ mãn; nhưng do các vụ tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra, nhất là mối lo về ám sát, khủng bố nên ông Tập luôn từ chối đổi máy bay mới, khiến việc chính thức đưa vào sử dụng chiếc “Không lực 1” cứ bị trì hoãn mãi”…

Do yêu cầu bảo mật, người ta không thể tìm kiếm được vị trí của “Không lực 1” trên mạng theo dõi máy bay. Lần bay thử gần nhất được biết là vào ngày 18/4/2017, từ sân bay Thủ đô Bắc Kinh đến Thành Đô nhưng không hạ cánh mà quay lại ngay, toàn bộ hành trình là 3.487km, bay mất 5h44’. 

Theo báo chí Hongkong, “Không lực 1” là chiếc Boeing 748-89L có 4 động cơ Genx, cất cánh lần đầu tháng 11/2014, giao cho Trung Quốc tháng 12 cùng năm, mang số hiệu B-2479. Khi đó Air China nhập cùng lúc 5 chiếc cùng loại. Khi mới về, B-2479 cũng được dùng chở khách trong các tuyến bay như những chiếc khác, thường bay tuyến Bắc Kinh – Hồng Kiều Thượng Hải, nhưng cũng đã từng bay tuyến quốc tế Bắc Kinh – Los Angeles.

Tháng 5/2015, chiếc B-2479 bắt đầu ngừng chở khách với lý do “thay đổi bãi đỗ”, nhưng thực ra được đưa sang Đức để cải tạo khoang VIP, sau đó bàn giao, đưa về nước để lắp đặt thiết bị giữ bí mật.

Các chuyên gia cho rằng, chiếc máy bay đã chuyển từ chức năng vận tải sang thành đa công năng, an toàn hơn nhiều so với máy bay được trưng dụng của Air China làm chuyên cơ; đặc biệt là hệ thống thiết bị an toàn và bảo mật thông tin có thể giúp ông Tập làm việc, điều hành chỉ đạo mọi mặt từ trên không. 

Khó sánh với “Air Force One” Mỹ

Trên thế giới, chiếc máy bay nổi tiếng nhất là chuyên cơ “Không lực 1” (Air Force One) của Tổng thống Mỹ, còn gọi là “Nhà Trắng trên không” và “Lầu Năm góc trên không”.

Đúng ra, “Air Force One” không phải tên gọi máy bay, mà là mật danh vô tuyến điện. Bất cứ máy bay nào, chỉ cần có tổng thống Mỹ ngồi trên đều được gọi là “Air Force One” trong hệ thống kiểm soát hàng không của Mỹ. Ở Trung Quốc không tồn tại khái niệm này, chỉ gọi là “Chuyên cơ của lãnh đạo”, nhưng cánh báo chí và trong dân gian vẫn bắt chước Mỹ, gọi là “Không lực 1” cho oách!

Chiếc máy bay bị phía Mỹ đặt máy nghe trộm
Chiếc máy bay bị phía Mỹ đặt máy nghe trộm

Hồi tháng 1/2017 đã xuất hiện tin đồn Trung Quốc đang bí mật chế tạo chiếc chuyên cơ “Không lực 1” cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiếc chuyên cơ mà ông Tập đang sử dụng không những không thể chỉ huy quân đội đối phó với những sự kiện đột phát, hệ thống thông tin trên máy bay có thể bị hóa giải mà còn không có radar giám sát không vực xung quanh, cũng không có các thiết bị chống lại sự tiến công bằng tên lửa.

Với ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ngày càng mạnh, người lãnh đạo trong thời gian bay đi nước ngoài cần phải thường xuyên kết nối với chính phủ và quân đội trở thành nhu cầu cấp thiết; việc cần phải có chiếc chuyên cơ kiểu “Air Force One” đã trở thành đề tài nóng ở cả trong và ngoài Trung Quốc.

Vụ “nuốt trái đắng” bởi tình báo Mỹ

Thực ra hồi đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã suýt nữa có chiếc “Air Force One” của riêng mình. Hồi đó, báo chí Trung Quốc công khai bày tỏ: Với sức mạnh quốc gia hiện thời, các chuyến thăm viếng nước ngoài của người lãnh đạo ngày càng nhiều, “phía hữu quan cho rằng Trung Quốc cần thiết phải mua một chuyên cơ để người lãnh đạo cao nhất sử dụng khi thăm nước ngoài”.

Năm 2000, TCty XNK khí tài hàng không và Hãng China United Airlines đã ký hiệp định với Hãng Delta Air Lines, Inc tại Seatle mua một chiếc Boeing 767-300 với giá 120 triệu USD. Sau khi cải tạo, lắp đặt khoang VIP đặc biệt, nó sẽ được sử dụng làm phương tiện đi lại cho nguyên thủ quốc gia Trung Quốc.

Tháng 6/2001, chiếc máy bay này được đưa tới sân bay quốc tế San Antonio để cải tạo, lắp đặt lại nội thất theo thỏa thuận trong hợp đồng, chi phí thêm 10 triệu USD nữa; tháng 9 cùng năm, nó được đưa về Bắc Kinh bay thử, dọc đường có quá cảnh Hawaii. Ngay trong chuyến bay đầu tiên, một quan chức an ninh Trung Quốc nghe thấy “âm thanh lạ kỳ quái ở đâu đó”.

Qua kiểm tra của các chuyên gia an ninh, đã tìm thấy có tới 27 thiết bị nghe trộm được lắp đặt rải rác khắp mọi nơi chốn, trong đó có cả trên giường ngủ lẫn phòng vệ sinh.

Vụ việc này xuất hiện trên các tờ “Financial Times” của Anh và “The Washington Post” của Mỹ, nhưng hai nước Trung, Mỹ đều im lặng. Đến tháng 1/2002, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó là ông Tôn Ngọc Tỷ khi bị hỏi đến đã trả lời “Tôi có nghe chuyện đó” và nói thêm:

“Trung Quốc là một quốc gia yêu hòa bình, không trở thành mối đe dọa với bất cứ ai, việc tiến hành nghe trộm đối với Trung Quốc là không cần thiết và là hành động ngu xuẩn”. Sau vụ này, kế hoạch mua chuyên cơ cho lãnh đạo bị đình lại.

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ
Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ

Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Trung Quốc xử lý vụ này một cách “nhẹ nhàng” khác thường là bởi toàn bộ quá trình lắp ráp, cải tạo máy bay đều có sự giám sát của nhân viên Trung Quốc; việc bị cài đặt máy nghe trộm là do sự lơ là nhiệm vụ của phía Trung Quốc, cũng không loại trừ khả năng là hành vi của phe phái chống ông Giang Trạch Dân. Nghe tin máy bay bị đặt máy nghe trộm, Giang Trạch Dân đã rất tức giận, nhưng không rõ có ai bị trừng phạt vì vụ này không.

Chiếc chuyên cơ hụt này được chuyển giao cho Hãng Air China, số hiệu được đổi từ B-4025 thành B-2499. Tháng 3/2012 sau khi hết hạn sử dụng, nó được đưa đi cất giữ tạo sân bay Thủ đô. 2 năm sau, nó được bán cho Hãng Sunday Airlines của Kazakhstan, số hiệu được đổi thành UP-B6703, hiện vẫn đang hoạt động trong đội bay của  Kazakhstan.  

Ngày 5/5/2017, Trung Quốc sản xuất được chiếc C919 – máy bay khách cỡ lớn đầu tiên, đã giải quyết được vấn đề “không sản xuất được máy bay khách cỡ lớn”, nhưng chiếc C919 hai động cơ, thân hẹp có các thông số kém xa so với loại Boeing 747-800 4 động cơ, thân rộng. Vì vậy, nếu như chiếc Liêu Ninh giúp Trung Quốc thực hiện được giấc mơ “có tàu sân bay” thì muốn có chiếc “Không lực 1” cho người lãnh đạo quốc gia, Trung Quốc còn phải đi thêm chặng đường rất dài nữa…/.

Đọc thêm