Chuyện ít biết về danh ca Thanh Tuyền

(PLO) - Ít ai biết, nghệ danh Thanh Tuyền được hàng triệu người biết tới được người thầy của mình - nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chọn đặt. Tên thật của bà là Như Mai, mà thời bấy giờ có rất nhiều ca sĩ tên Mai. Nghệ danh ấy ra đời với ý nghĩa: “Thanh” là cao nguyên xanh, “Tuyền” là suối, mang đậm phong cảnh hữu tình có suối, thác, thông reo ở Đà Lạt- mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của bà.  
Chuyện ít biết về danh ca Thanh Tuyền

“Ông thầy đặt tên tôi là Thanh Tuyền - nghĩa là dòng suối, nước chảy hoài và tôi cũng sẽ hát hoài. Thanh Tuyền thực sự háo hức mong đến lúc gặp lại những khán giả đã yêu thương và chờ đợi mình cùng với Chế Linh để hát cho thật ‘đã’, mong khoảnh khắc được sống trọn vẹn trong trời Thu Hà Nội”-, giọng hát được mệnh danh “diva nhạc sến” xúc động chia sẻ.

Chia sẻ về cô học trò “cưng” Thanh Tuyền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể, năm 1964, ông lên Đà Lạt nghỉ dưỡng và nghe mấy người bạn kể về một cô bé tên Như Mai có giọng hát rất đặc biệt. Hỏi ra thì ông được hay, Như Mai đang là nữ sinh trường Bùi Thị Xuân nhưng hàng tuần vẫn tham gia hát ở Đài Phát thanh Đà Lạt. Sau đó, tình cờ trong lần trường Bùi Thị Xuân tổ chức lễ bế giảng năm học cũ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhận lời đến tham dự. 

Tên thật của danh ca Thanh Tuyền là Như Mai
Tên thật của danh ca Thanh Tuyền là Như Mai

Tại phần biểu diễn các tiết mục văn nghệ, ông nghe thấy người dẫn chương trình giới thiệu về phần trình diễn của nữ sinh Như Mai và sững sờ trước giọng hát lảnh lót, khỏe khoắn, đầy nội lực của tuổi thanh xuân, âm vang rộn rã cả sân trường. Khi ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không hề biết rằng, cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn cùng giọng hát cao chót vót kia từ lâu đã nhen nhóm ước vọng trở thành ca sĩ. Có điều, ông cảm nhận thấy rất rõ, dường như ẩn trong giọng hát ấy là một ước mơ và hy vọng đến cháy bỏng mà cô bé muốn giãi bày.

Sau khi xem xong phần trình diễn này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có tìm gặp và hỏi Như Mai: “Cháu có muốn trở thành ca sĩ không?” và ngay lập tức, ông nhận được cái gật đầu dứt khoát của cô bé. Từ đó, vị nhạc sĩ tài ba quyết định gặp thân sinh của Như Mai để bàn chuyện đưa cô bé về Sài Gòn đào tạo thành ca sĩ chuyên nghiệp. 

Chưa đầy 1 năm kể từ khi lên Sài Gòn, cô bé Như Mai có tên mới - nghệ danh Thanh Tuyền, phủ sóng rộng khắp các kệ băng đĩa nhạc
Chưa đầy 1 năm kể từ khi lên Sài Gòn, cô bé Như Mai có tên mới - nghệ danh Thanh Tuyền, phủ sóng rộng khắp các kệ băng đĩa nhạc

Nhớ lại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bảo, ban đầu bố mẹ của Như Mai cũng lo ngại vì thấy con gái còn nhỏ tuổi, nếu sống xa gia đình e gặp nhiều khó khăn. Song rốt cuộc, trở ngại này cũng được giải quyết ổn thỏa khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhờ vợ chồng người bạn – nhạc sĩ Mạnh Phát và ca sĩ Minh Diệu đứng ra nhận Như Mai làm con nuôi và để cô bé về tá túc trong gia đình của họ. Mọi chi phí sinh hoạt cho cuộc sống của cô bé khi lên Sài Gòn đều do hãng đĩa mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng  một vài người bạn sáng lập đứng ra đài thọ. 

Chưa đầy 1 năm kể từ khi lên Sài Gòn, cô bé Như Mai có tên mới - nghệ danh Thanh Tuyền, phủ sóng rộng khắp các kệ băng đĩa nhạc, xuất hiện ngang hàng với các bậc đàn anh đàn chị trên sóng Đài Phát thanh, các sân khấu lớn nhỏ và được báo giới Sài thành không ngớt lời ca ngợi. Hình của Thanh Tuyền được treo khắp các góc đường ở Sài Gòn. Giọng hát của Thanh Tuyền khi ấy được ví như con chim lạ từ xứ sương mờ, bông hoa rừng còn đẫm ướt hơi sương. Để có được giọng hát tuyệt vời này, Thanh Tuyền kể, bà đã được mẹ nuôi - nữ ca sĩ Minh Diệu truyền cho rất nhiều bí kíp. Thời gian tập luyện gắt gao đó, sáng nào bà cũng phải dậy từ rất sớm và cứ thức dậy, bước xuống giường là phải hát để luyện giọng ngay.

Đến giờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vẫn nhớ như in kỷ niệm thú vị khi lần đầu tiên dẫn cô học trò của mình đi biểu diễn tại Sài Gòn. Địa điểm hát khi ấy là sân khấu tại một phòng trà nằm trên đường Lê Lợi. Trước buổi diễn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông quan sát thấy cô học trò của mình không có đồ trang điểm nên đã đích thân đi mua son và phấn về đưa cho Thanh Tuyền. Tuy nhiên, vị nhạc sĩ này đã rất ngạc nhiên khi nghe Thanh Tuyền rụt rè chia sẻ là chưa dùng son phấn bao giờ nên không biết sử dụng thế nào.

Người thầy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã tự tay trang điểm cho Thanh Tuyền
Người thầy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã tự tay trang điểm cho Thanh Tuyền

Sát giờ biểu diễn tối hôm đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cô học trò đi tìm các nơi làm tóc, trang điểm ở dọc đường Lê Lợi nhưng các cửa hàng đều đã đóng cửa. Không biết làm cách nào, cả hai thầy trò bèn ngồi bệt xuống vỉa hè trên đường Lê Lợi, rồi dưới ánh sáng tù mù vàng vọt của đèn đường, thầy đánh liều bôi phấn, tô son, kẻ lông mày cho trò trước khi chạy như bay đến sân khấu cho kịp giờ biểu diễn. Để rồi khi nghe cô trò nhỏ Thanh Tuyền cất giọng hát trên sân khấu đánh dấu ngày khởi nghiệp của mình, người thầy tài năng lại thấy lòng ngập tràn niềm tự hào và xúc động. 

Lần đầu tiên đi hát ở Sài Gòn, Thanh Tuyền đã có một buổi trang điểm không thể nào quên giữa đường như thế. Còn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đó cũng là lần đầu tiên ông cầm vào đồ trang điểm và “make up” cho người khác. Nhiều chục năm sau, cho đến tận bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng chưa lần nào thử tài trang điểm cho thêm bất cứ ai. 

Cũng chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là người đã tác hợp nên cặp song ca vàng Thanh Tuyền- Chế Linh. Đó là vào năm 1967-1968, khi ấy, Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Vì muốn tạo ra sự mới mẻ, tránh để khán giả cảm thấy nhàm chán với nghệ sĩ hát đơn ca nên vị nhạc sĩ này đã đề nghị để Thanh Tuyền song ca thử với Chế Linh. Nhớ lại, Thanh Tuyền kể, khi ấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cho bà bài hát “Hái trộm hoa rừng” và đề nghị hát chung với một nam ca sĩ mới. 

Đĩa nhạc đầu tiên, trong đó có bài hát này được tung ra thị trường và gây “sốt” một cách không ngờ. Tên tuổi của cặp song ca lan truyền với tốc độ ánh sáng và phủ sóng khắp làng nhạc vàng Việt Nam với hàng loạt ca khúc như: “Tình bơ vơ”, “Phút cuối”, “Con đường xưa em đi”….Hai giọng ca, một sang sảng và cao chót vót, một trầm ấm ngọt ngào mà vang lồng lộng đã hòa quyện vào nhau mà không cần phải dụng đến kỹ thuật hòa âm phối khí cầu kỳ nào. Nhiều nhạc phẩm sau đó đã được soạn riêng cho cặp song ca vàng này. 

Sắp tới đây, Thanh Tuyền và người cùng bà tạo nên cặp song ca nhạc vàng kinh điển- nam danh ca Chế Linh sẽ lần đầu tiên hội ngộ trên sân khấu tại Hà Nội trong liveshow chung “Chế Linh- Thanh Tuyền- Con đường xưa em đi & các cặp song ca vàng hải ngoại”: Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Dương Hồng Loan, Lưu Chí Vỹ, Tống Mỹ Linh….diễn ra vào tối 2/11 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). 

Trong lòng những người yêu nhạc vàng, đặc biệt là yêu mến cặp danh ca này thì Chế Linh là người hát ăn ý nhất với Thanh Tuyền và ngược lại. Khán giả vẫn xem đây là cặp “tình nhân” đẹp nhất trong làng nhạc vàng từ trước đến nay.