“Phú Quang làm cho thơ anh lấp lánh quá”
Lúc sinh thời, nhạc sỹ Phú Quang nhiều lần chia sẻ bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” được ông sáng tác trong một hoàn cảnh rất đặc biệt.
Trước đó, nhà thơ Phan Vũ viết bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, quận Ba Đình rất gần Nhà máy điện Yên Phụ, mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom bão đạn năm 1972.
Thơ viết xong, Phan Vũ cất trong ngăn tủ, thi thoảng mang ra chỉnh sửa, lúc thêm, lúc bớt. Thời điểm đó, bài thơ chỉ được ông đọc cho bạn bè thân thiết nghe chứ không được công chúng biết đến.
Mùa đông năm 1972, Hà Nội tang tóc bởi trận dội bom của không quân Mỹ. Nỗi mất mát đóng hình trong “Em ơi, Hà Nội phố”. Con chữ mộc mạc khắc sâu cảnh phố xá trơ trụi, ký ức đau thương. Hà Nội thêm cô đơn, trống vắng giữa trời đông rét buốt. Sự sống thưa thớt, bám trụ trên nền đất hoang tàn. Tiếng dương cầm như mới dứt, gây thổn thức khôn cùng. Hình ảnh chuyển hóa từ kỷ niệm của nhà thơ Phan Vũ với cô gái tên Trịnh Thị Nhàn - người ông thầm thương. Nhà Nhàn ở phố Chân Cầm. Phan Vũ si mê khúc dương cầm réo rắt và dành sự cảm mến cho cô.
“Em ơi, Hà Nội phố” không chỉ là lời thủ thỉ tự tình mà ẩn sâu nỗi xót xa. Phan Vũ chia sẻ: “Cụm từ “ta còn em” trong từng đoạn là những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về”.
“Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ...”
Vẫn còn đó Hà Nội của những hoài bão, ước mơ và hy vọng. Thế nhưng, nghệ sĩ chẳng thể trốn tránh nỗi đơn côi, phút chạnh lòng. Hình ảnh thiếu nữ ẩn hiện trong “Em ơi, Hà Nội phố”, không rõ bóng hình, không dòng địa chỉ. Họ chợt hiện rồi chợt tan tạo cảm giác mộng mị, đủ khiến kẻ si tình vấn vương, quyến luyến. Độc bước trên con phố dài không dấu chân, kẻ sĩ hoài nhớ dãy nhà cổ tĩch mịch, vẻ trầm mặc của 36 phố phường, ánh hoàng hôn buông trên sóng nước Hồ Tây.
“Em ơi, Hà Nội phố” hòa trộn giữa văn chương và hội họa. Ngôn từ chất đầy những hình khối, màu sắc tựa bức tranh. Những đường cọ chỉ chấm phá đôi nét mờ nhòa, tạo không gian lắng đọng cho người thưởng thức. “Em ơi, Hà Nội phố” đồng điệu cảm xúc của cặp nghệ sĩ Phan Vũ - Phú Quang, khắc họa tình yêu mãnh liệt và chân thành với Hà Nội, với những riêng tư, đau thương và mất mát.
Nhắc đến “cha đẻ” của tác phẩm thơ “Em ơi, Hà Nội phố”, nhạc sỹ Phú Quang dành cho ông một sự kính trọng đặc biệt: “Tôi rất quý ông Phan Vũ. Đó là một người tài năng, có tâm hồn đẹp”.
Nhạc sỹ Phú Quang lúc sinh thời hát tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, nơi xưa kia là căn nhà gia đình ông sống. |
Nhạc sỹ Phú Quang kể lại, đó là những năm 80 của thế kỷ trước. Trong một buổi chiều trà dư tửu hậu, nhạc sỹ Phú Quang, nhạc sỹ Trần Tiến và nhà thơ Phan Vũ gặp nhau và được nhà thơ đọc nghe “Em ơi, Hà Nội phố”. Nhạc sỹ Phú Quang xúc động thốt lên: “Anh viết cho anh. Nhưng nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em. Em sẽ có một bài hát về bài thơ này. Anh hỏi, đã có nốt nào chưa? “Chả có nốt nào! Nhưng em linh cảm là em sẽ có một bài hát. Mà em dám chắc với anh là bài hát sẽ hay. Hai ngày sau đó, bài hát “Em ơi, Hà Nội phố” ra đời. Tôi đánh piano và hát cho anh nghe. Phan Vũ yên lặng nghe, nghe xong bảo tôi rằng, Phú Quang làm cho thơ anh lấp lánh quá”, nhạc sỹ Phú Quang kể lại.
Ca sỹ Lệ Thu (không phải là ca sỹ Lệ Thu lớn tuổi) là người hát “Em ơi, Hà Nội phố” đầu tiên trên sân khấu. Một tuần sau đó, ca khúc này nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Sinh thời, nhạc sỹ Phú Quang chia sẻ, Lệ Thu là người hát hay nhất, xúc động nhất ca khúc này.
Những ám ảnh đau đáu về 12 ngày đêm 1972
Còn nhớ tại sự kiện kỷ niệm 45 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 5 năm trước, nhạc sỹ Phú Quang bày tỏ, nỗi niềm đau đáu nhất, ám ảnh nhất trong cuộc đời ông chính là ký ức về trận bom rải thảm tàn phá khu phố Khâm Thiên nơi gia đình ông sinh sống. Nhạc sỹ từng nhiều lần từng thổ lộ, điều ám ảnh nhất về Hà Nội của ông chính là sự đau đớn, xót xa. Và cũng chính từ những cảm xúc tột cùng bi thương ấy, đã giúp ông có những tác phẩm về Hà Nội mà chỉ cần giai điệu ngân lên, ca từ như chất chứa nỗi lòng của cả một thế hệ người Hà Nội mãnh liệt và da diết.
Tại Hội thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt do Hà Nội tổ chức, nhạc sỹ Phú Quang được mời đến với tư cách là chứng nhân lịch sử trong cuộc chiến đấu oanh hùng 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Nhạc sỹ nhớ lại, đêm đầu tiên khi “pháo đài bay” B-52 dội bom rải thảm tàn phá phố Khâm Thiên, ông và vợ chồng người chị gái cũng xuống hầm trú ẩn cùng mọi người. Ba người ngồi trong ngách ngang của căn hầm, bên ngoài ngách dọc là hơn chục người khác. “Tiếng bom nổ, nghe như gần mà như xa, sau vài chục phút, tất cả trở lên im lặng”, nhạc sỹ Phú Quang kể.
Chị gái ông là người bò ra đầu tiên, nhưng rồi ông thấy chị lại bò trở lại hốt hoảng: “Quang ơi, mọi người xung quanh hình như đã chết hết rồi. Chị sờ ai cũng mềm nhũn, không cử động gì cả”. Vợ chồng người chị gái và nhạc sỹ đến tận 2-3h sáng mới ra được khỏi căn hầm và nhận thấy họ đã rất may mắn. Vì quả bom nổ cách một quãng trước căn hầm. Sức ép đã làm tất cả những người cùng trú ẩn trong hầm chết. Chỉ duy nhất ba người còn sống sót vì ngồi trú trong ngách ngang của căn hầm.
Nhà thơ, họa sỹ Phan Vũ lúc sinh thời. |
Lên đến mặt đất, nhạc sỹ Phú Quang không còn nhận ra khu phố của mình. “Không còn là những lớp lớp nhà san sát nữa. Tầm mắt của tôi đứng từ Khâm Thiên mà nhìn thẳng được ra tận phố Đê La Thành. Tất cả đã bị bom san phẳng, chỉ còn một vùng hoang tàn, đổ nát”. Bao nhiêu người quen, hàng xóm, bạn bè đã bị vùi lấp.
Hình ảnh khiến ông như tạc vào tâm trí là một bà cụ già hàng xóm, ở gia đình ông thợ cắt tóc. Bà cụ tóc đã bạc tay cầm viên gạch, đứng bất động trên đống đổ nát. Khuôn mặt của bà câm lặng như một pho tượng, không một giọt nước mắt nào rơi xuống khi mọi người lần lượt khênh ra từng người thân của bà, từ chồng, con, cháu… “Tất cả là 26 người thân của bà đã chết. Bà không khóc mà tôi đứng đó lại khóc”, nhạc sỹ Phú Quang nghẹn lời khi nhắc lại kỷ niệm buồn.
Trời sáng dần, quang cảnh xung quanh nhạc sỹ Phú Quang là la liệt những phần thân thể người mắc trên dây điện, từ những cánh tay, cái chân… Và người bạn thân nhất của ông cũng đã bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Những ngày sau đó, hôm nào nhạc sỹ Phú Quang cũng tìm bạn, cái chết của người bạn khiến ông ám ảnh cả trong những cơn mơ. Phải 13 ngày sau, ông và chị gái mới tìm được xác bạn bên dưới đống đổ nát mà trước đó là ngôi nhà của gia đình ông, số 49 Khâm Thiên. Hoá ra, sau trận bom, người bạn thân đã chạy đi tìm ông, xem gia đình bạn có bị sao không. Và đến đúng nhà ông thì bị cả bức tường đổ sập xuống.
Sau này, nhạc sỹ Phú Quang kể, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam có vận động các ca sĩ, nhạc sĩ viết giao hưởng về chiến tranh. “Lúc đó tôi viết bản Hồi ức. Khi trình diễn xong, tôi hỏi ông cảm thấy thế nào, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp nói: “Nghe bài của Quang anh khóc luôn”. Tôi nhìn sang 3/4 khán giả Nhà hát Lớn Sài Gòn cũng khóc. Nhạc không lời mà họ khóc như thế, tôi nghĩ do bản nhạc đó có kỷ niệm không quên của bản thân, là những cảm xúc rất thật”, nhạc sỹ Phú Quang chia sẻ.
Căn nhà gia đình nhạc sỹ Phú Quang ở là một trong ba ngôi nhà được giữ lại làm chứng tích chiến tranh. “Nhà tôi khi ấy bây giờ đã thành nơi có tượng đài rêu phong. Mỗi lần đi qua phố, nhìn vào pho tượng ấy, ký ức năm xưa lại tràn về khiến tôi đau đớn và xót xa”. Từ một chàng trai 23 tuổi khi đế quốc Mỹ oanh tạc Hà Nội 12 ngày đêm bằng máy bay ném bom, Phú Quang đã là một nhạc sỹ nổi tiếng, với những ca khúc hay về Hà Nội.
Có lẽ, cũng bởi ông đã trải qua những giờ khắc sinh tử cùng Thủ đô. Và hơn ai hết, ông hiểu rõ nhất sức mạnh của những người dân Hà Nội không bom đạn nào có thể khuất phục, thể hiện qua ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” mà ông phổ nhạc từ thơ Phan Vũ: “Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”. Không chỉ những nhân chứng làm nên lịch sử mà kể cả những người chứng kiến thời khắc ác liệt đó cũng không thể nào quên những ký ức đau buồn và bi tráng.
Nhạc sỹ Phú Quang: Yêu Tổ quốc từ những điều nhỏ bé
“Đôi lúc, con người ta không biết yêu những điều nhỏ bé. Phải yêu thứ gì lớn lao hơn cơ. Tôi nghĩ rằng, không yêu những điều nhỏ bé, sao yêu được những điều lớn lao được? Nếu tôi biết yêu những con đường có bờ tường cũ rêu phong, những con ngõ nhỏ, những chiếc lá rụng, những kỷ niệm, những giọt mưa… thì mới yêu được Tổ quốc, đất nước này. Người ta cứ thích nói những điều to lớn. Nhưng tình yêu bao giờ cũng bắt đầu từ những điều nhỏ bé”.