Chuyện ít biết về một nghề thủ công mang tính... “hàn lâm”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu đã từng ấn tượng trước vẻ sang trọng, cổ kính của những tủ sách bìa da, mạ vàng trong các thư viện, thư phòng cổ điển thì có bao giờ bạn tự hỏi bàn tay nào đã làm nên diện mạo cho những quyển sách và liệu đó có phải là một nghề?
Sự kiện “Tìm hiểu về nghệ thuật đóng sách thủ công” thu hút được rất nhiều bạn trẻ tò mò về ngành nghề tương đối mới lạ này tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: báo DS)
Sự kiện “Tìm hiểu về nghệ thuật đóng sách thủ công” thu hút được rất nhiều bạn trẻ tò mò về ngành nghề tương đối mới lạ này tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: báo DS)

Nghề đòi hỏi người thợ phải làm việc với cả tình yêu, trách nhiệm và sự tỉ mẩn

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin được trích dẫn một câu chuyện ở trang cá nhân của Trần Trung Hiếu - the bookbinder (thợ đóng sách) liên quan đến việc phục chế, đóng lại cuốn sách “Chrestomathie Annamite” (Lối văn nôm An Nam) của tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917.

“Chuyện rằng, “Chrestomathie Annamite” được in kiểu typo cổ điển, đóng bìa mềm, gáy cong, có đóng nấm, khâu tay với chỉ dây gai loại tốt, không có đai hỗ trợ. Các lỗ khâu được cưa thay vì đục. Cuốn sách đến tay mình trong tình trạng khá tệ. Bìa trước và sau đã rời mất, gáy sách không còn, để lộ ra lưng sách với các vết keo cũ. Nếp gấp ở các tay sách đã khô và rạn nứt. Hầu hết các đoạn chỉ đã bị mục và đứt, khiến các tay sách rất lỏng lẻo và rời ra. Toàn bộ cuốn sách bị hư hại nhẹ bởi nước. Có các vết mọt sách đục từ gáy vào trong ruột sách, tuy nhiên không quá nghiêm trọng...

Vì để sửa những hư hại như vậy vượt quá khả năng nên mình quyết định gửi cuốn sách tới Hán Nôm Đường, vốn rất chuyên nghiệp trong chuyện này để các trang giấy được vá lại trước khi khâu. Cuốn sách về với tay mình khoảng 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, mất không lâu để mình nhận ra một vấn đề vì số các trang sách được vá rất là nhiều nên giờ gáy sách bị phồng lên một khoảng thấy rõ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới công đoạn khâu cuốn sách... Mình quyết định chọn loại chỉ 30/3, dày 0,35mm, khâu với 3 đai ruy băng linen. Tờ gác mình không làm theo kiểu khâu cùng với lõi sách như thường lệ (gọi là made-endpapers), mà dùng khớp da thay cho nó. Kỹ thuật này mình tham khảo được từ bác Peter Caine, một thợ đóng sách sống tại Pháp. Bác rất nhiệt tình khi vẽ cả hình minh họa cho mình để dễ hiểu hơn. Bác nói đây là kiểu mà người Pháp hay sử dụng...

Cuốn sách “Chrestomathie Annamite” (Lối văn nôm An Nam) của tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917 trước khi phục chế. (Nguồn ảnh: Spiderum.com)

Cuốn sách “Chrestomathie Annamite” (Lối văn nôm An Nam) của tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917 trước khi phục chế. (Nguồn ảnh: Spiderum.com)

Sau công đoạn này là công đoạn bọc sách. Mình sử dụng tấm da dê Alran màu đỏ vermilion có vân khá mạnh. Giấy thủy ấn mình tự làm với tông màu nóng để tăng sự hòa hợp với da bọc. Khớp da hoạt động một cách hoàn hảo. Từ trước đến nay mình chưa làm được một cuốn sách có bìa mở được tốt như vậy, 180 độ và có khi hơn thế nữa! Các màu khi phối với nhau cũng khiến mình rất ưng ý. Công đoạn cuối cùng là trang trí. Mình mạ nhũ vàng ở gáy với con lăn cổ của Pháp và một dấu trung tâm (center-piece) cổ từ Anh. Trên bìa cũng chạy đường chấm dọc theo mép của các phần bọc khác nhau...”.

Kể lại câu chuyện này của Trần Trung Hiếu để thấy rằng nghề đóng sách thủ công là một nghề khá công phu, đòi hỏi thợ đóng sách thủ công phải làm việc với cả tình yêu với sách và trách nhiệm, sự tỉ mẩn của người yêu nghề. Có lẽ vậy nên trung tuần tháng 1/2024, tại Học viện Thanh thiếu niên, Hà Nội, sự kiện “Tìm hiểu về nghệ thuật đóng sách thủ công” thuộc chương trình “Dọn kho đón Tết Nhã Nam 2024” do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức đã thu hút được rất nhiều bạn trẻ tò mò về ngành nghề tương đối mới lạ này tại Việt Nam.

Đóng sách thủ công là một nghệ thuật lâu đời

Giới thiệu tại sự kiện về lịch sử hình thành, phát triển của nghề đóng sách thủ công và các bước cơ bản để làm ra một cuốn sách theo phương pháp thủ công truyền thống, thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu cho biết: “Đóng sách thủ công không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở Việt Nam, mà bắt nguồn từ các nước châu Âu và Trung Đông. Nghề đóng sách du nhập vào nước ta bởi người Pháp - một trong những đất nước có tiếng tăm nhất về đóng sách, trải qua chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan khác, nghề này ở Việt Nam cũng mai một dần”.

Cuốn sách “Chrestomathie Annamite” sau khi đã được thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu hoàn thiện. (Nguồn ảnh: Spiderum.com)

Cuốn sách “Chrestomathie Annamite” sau khi đã được thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu hoàn thiện. (Nguồn ảnh: Spiderum.com)

Theo Trần Trung Hiếu, cho đến hiện tại trong nước vẫn rất hiếm, thậm chí là không có người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống tại các nước châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, nguồn tài liệu và đồ đạc dụng cụ về ngành nghề này cũng rất hạn chế và rất đắt tiền nên khá kén chọn người theo nghề.

Các công đoạn cơ bản của đóng sách thủ công gồm: đánh giá cuốn sách cần được đóng (từ tình trạng, thông số cho đến cách làm), sau đó là các bước: dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí. Trung bình thường mất thời gian khoảng 1 tuần để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì phải vài tuần, có khi vài tháng mới triển khai xong.

“Theo mình, các bạn muốn theo đuổi nghề thủ công mang tính “hàn lâm” như đóng sách này thì các bạn bắt buộc phải có tính kiên trì, có đầu óc nhạy bén và khả năng học hỏi không ngừng. Các bạn cũng sẽ phải tự lập trong việc tìm kiếm nguồn kiến thức, khám phá, thử nghiệm cũng như tự xây dựng các dụng cụ của mình. May mắn là vốn liếng tiếng Anh của mình khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài. Thiệt thòi nhất là bạn không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để dạy lại cho bạn về nghề” - giải đáp thắc mắc liên quan đến triển vọng nghề, anh Trần Trung Hiếu tâm sự.

Cần biết rằng, đóng sách thủ công là một nghệ thuật đã từ lâu đời. Nghề đóng sách thủ công đã có từ những năm 1450 thời trung cổ. Khi đó, các thủ bản được thực hiện ở trong các thư viện hoàng gia, phục vụ cho tầng lớp quý tộc là chủ yếu. Các giấy đóng sách thủ công trước đó thường làm từ da bê. Các loại giấy này đều phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố là trắng, trong và mỏng. Màu sắc của giấy thời đó tất nhiên là không đa dạng như bây giờ, chủ yếu là màu xanh từ đá quý được xay mịn ra hoặc màu vàng từ vàng cát, màu đỏ từ sâu sống trong rừng. Một trong những cuốn sách được đóng thủ công lâu đời nhất, nổi tiếng nhất là cuốn Thánh kinh đầu tiên của Hà Lan.

Gần đây nhất, Lapo Giannini - người Ý và Michiko Kuwata - người Nhật là hai trong số những nghệ nhân đóng sách thủ công hiếm hoi trên thế giới vẫn quyết định sống với nghề. Họ kết hợp với nhau cùng mở một cửa hàng để phục chế và đóng sách tại Ý. Thay vì sử dụng những loại công nghệ hiện đại thì tất cả các sách được đóng sách, phục chế tại cửa hàng được đóng từ các loại máy móc thủ công như máy ép gỗ từ thế kỷ 19, máy ép kim loại, máy cắt được làm từ năm 1960.

Góp phần giữ gìn các cuốn sách cổ ông cha để lại

Không chỉ đóng sách mới, nghề đóng sách đòi hỏi người thợ phải phục chế được cả sách cũ, các loại sẽ đã hư hỏng, gia cố nhằm công dụng bảo quản. Có rất nhiều cuốn sách có giá trị tồn tại theo thời gian và được coi là kho báu của tri thức. Nghề đóng sách thủ công góp phần là trọn vẹn hơn giá trị của những sách quý báu đó.

Đóng sách thủ công là một nghệ thuật đã từ lâu đời. (Nguồn ảnh: Spiderum.com)

Đóng sách thủ công là một nghệ thuật đã từ lâu đời. (Nguồn ảnh: Spiderum.com)

Vì thế, trong một lần trao đổi với truyền thông, thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu cho biết: “Chính những khó khăn trong nghề đóng sách thủ công lại làm mình cảm thấy hứng thú hơn với nghề. Bản thân mình là một người rất tò mò và cực kỳ thích được tìm hiểu đến tận gốc rễ về một vấn đề mình quan tâm. Ngành đóng sách có vốn kiến thức cực rộng và như một thiên đường cho mình để đắm mình trong các tài liệu. Tiếp theo đó sau khi mình đã phát triển lòng yêu mến với nghề thì mình lại muốn đưa nghề này về với Việt Nam, mình muốn các thế hệ sau mình được tiếp cận với đóng sách thủ công, cũng như được giữ gìn các cuốn sách cổ mà ông cha để lại”.

Cũng theo Trần Trung Hiếu, các cuốn sách đã đóng đều để lại cho anh cảm xúc nhất định. Không có cuốn nào làm giống nhau và qua mỗi lần làm thì đều học, rút ra được những bài học mới mẻ. “Nghe thì có thể hơi nghịch lý nhưng phần thưởng của nghề này, theo mình thấy chính là những khó khăn khi làm việc. Dù có làm bạn khó chịu, căng thẳng như thế nào đi chăng nữa nhưng nó khiến bạn buộc phải trở nên tốt hơn. Các bạn cũng sẽ phải tự lập rất nhiều, trong việc tìm kiếm nguồn kiến thức, khám phá, thử nghiệm cũng như tự xây dựng các dụng cụ của mình”, Hiếu cho biết.

Từ câu chuyện của thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu, có thể thấy nghề đóng sách thủ công vẫn sẽ mãi tồn tại và giữ ược nét đẹp riêng. Bởi đây không chỉ là đóng sách, đây là cả một nghệ thuật, thể hiện tinh thần bảo tồn di sản trí tuệ con người.

Và có lẽ đây cũng là lý do mà ở một phương diện nào đó, Trần Trung Hiếu không còn đơn độc khi ở thành phố Hồ Chí Minh có ông Võ Văn Rạng - người được mệnh danh là “bác sĩ sách ở Sài Gòn” làm nghề phục chế sách cũ hơn 40 năm nay; có chàng trai Trịnh Hán Quang, 24 tuổi, bỏ làm ngành công nghiệp điện tử để theo nghề phục chế sách mục nát, đã sửa được hơn 1.000 tác phẩm xưa với tâm niệm: “Điều thích nhất ở nghề này là cảm giác sung sướng khi nhìn cuốn sách từ lúc hư hỏng trở nên đẹp, chắc chắn hơn. Ngoài ra, đọc thêm nhiều sách hay trong lúc phục chế cũng thú vị”; có anh Nguyễn Đức Khuynh ở Nha Trang mê “chữa bệnh” cho sách cũ...

Đọc thêm