Chị Nguyễn Thị Thuỷ ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa tranh thủ ăn bát mì tôm lót dạ vừa bán rau cho khách. Không chỉ cân rau thu tiền, khách nào đến mua chị cũng dặn với câu: “Mai nghỉ bán rau nhé, chỉ trả cua đồng thôi”.
Công việc chính của chị Thủy là bán rau chứ không phải dân bán cua chuyên nghiệp như mấy bà ngoài chợ. Khách mua cua cũng toàn người quen sống trong con ngõ nhà chị. Khoảng hơn một tuần nay, toàn thấy người đặt mua cua đồng.
Quê chị Thủy ở Phú Thọ, người nhà thường bắt cua đồng về ăn, thi thoảng gom một ít gửi xuống Hà Nội để chị trả hàng khách đặt trước. Số lượng cua cũng không nhiều, khoảng chục cân mỗi lần. Mà một tháng cũng chỉ được đôi lần. Chị cho biết, đó là vào mùa hè, còn mùa đông ít người ăn cua đồng nên ai dặn chị mới nhờ người nhà gửi xuống, không thì thôi.
Giáp Tết, nhiều người chọn mua cua đồng về tích trữ trong tủ lạnh để ăn giải ngấy sau mấy ngày toàn bánh chưng thịt gà |
Thông thường, cua đồng là món ăn giải nhiệt ngày hè nóng bức, ngày đông giá rét ít người mua. Song, những ngày cận Tết Nguyên đán, thay vì nói chuyện chuẩn bị thịt, gà, bánh chưng, giò chả,... nhiều người lại tìm mua cua đồng khiến mặt hàng này bất ngờ lên cơn sốt.
“Tôi chỉ nhận bán cho người dân trong khu nhà mình mà 3 ngày qua, số lượng cua đặt hàng đã lên tới 1,8 tạ. Có nhà mua tới 2-3 cân chứ không phải vài ba lạng như trước”, chị chia sẻ.
Hầu như cứ 10 khách mua rau thì có 7 khách đặt mua cua đồng. Hai hôm nay, chị dừng không dám nhận tiếp vì sợ lượng cua đồng gom mua ở quê gửi xuống không đủ. Ngày Tết, người dân cũng nghỉ chuẩn bị lo Tết nên ít người đi bắt.
“Mai ngồi chia hết đống cua cho khách cũng toát mồ hôi. May là toàn khách trong xóm ngõ, họ tự qua lấy hoặc mình đem vào nhà cho họ cũng không quá bất tiện”, chị Thuỷ nói.
Tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), bà Lương - tiểu thương bán cua đồng - cũng thừa nhận, mấy hôm nay lượng cua bà bán ra chẳng kém gì ngày hè, đã thế khách còn mua nhiều chứ không mua lẻ 3-5 lạng như trước.
Nhờ đó, giữa mùa đông mà lượng cua đồng bà bán ra ngang ngửa mùa hè - thời điểm mặt hàng cua đồng bán chạy nhất năm. Thường thì vào mùa đông, cua đồng bán rất chậm, trung bình chỉ 25-30 kg/ngày. Nhưng khoảng 10 ngày nay, mặt hàng này lại hút khách, có ngày bà bán được gần tạ cua đồng.
Cua đồng những ngày này cũng tăng giá khá mạnh, dao động từ 130.000-180.000 đồng/kg |
“Một số khách ngồi chờ tôi làm cua nói mua về tích trữ trong tủ lạnh, ra Tết làm món lẩu riêu cua hay đơn giản là nấu rồi riêu cua ăn với bún giải ngấy”. Bà Lương cho hay, giá cua đồng tại chợ dao động từ 130.000-180.000 đồng/kg.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Dung, tiểu thương bán cua ở chợ Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) cũng khoe, từ sáng tới giờ chị đã bán được vài chục ký cua đồng. Khách mua ít thì 1-2kg, thậm chí có khách mua tới 5kg liền. Tết năm ngoái, lượng cua chị bán ra cũng lên tới cả tạ. Khách hay nhờ chị rửa sạch rồi xé sẵn cua, chia ra các túi giúp, ít người có thời gian mang cua về làm lấy.
Ngồi ngoài chợ chờ chủ hàng xay cua cho mình, chị Phương Thuý Hạnh ở Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai), chia sẻ: “Bình thường tôi chỉ mua khoảng 4 lạng cua về tự rửa, tự xay. Hôm nay tôi mua 2,5kg nên nhờ bà chủ hàng xay, chia thành các túi nhỏ để tôi sẵn bỏ ngăn đá tủ lạnh cho tiện”.
Thắc mắc sao mua tận 2,5 kg cua, chị Hạnh cho hay, quê chị ở Thái Nguyên, mà chợ quê thì không phải lúc nào cũng có sẵn món cua đồng. Thế nên, hôm nay đi sắm sửa đồ Tết, chị tranh thủ mua cua luôn để hôm tới đem về quê ăn giải ngấy trong những ngày Tết.
"Tết ăn thịt cá mãi cũng chán, mà ở quê chợ phiên đến mùng 3 Tết mới họp trở lại. Lúc đó, muốn ăn bát canh cua mà tìm đỏ mắt cũng không có. Năm nay rút kinh nghiệm, tôi mua sẵn ở đây đem về quê cho tiện", chị Trần Thị Tuyết ở Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) kể.
Không chỉ cua đồng, một số gia đình ở Hà Nội còn đặt hàng quán quen làm sẵn món ăn giải ngấy ngày Tết. Chẳng hạn, có người đặt hàng 5kg chả quạt chín về cất ngăn đá ra Tết ăn bún chả; có người lại đặt làm sẵn mọc với canh măng, qua Tết chỉ cần mua thêm bún là có nồi măng mọc ăn giải ngấy sau mấy ngày Tết toàn bánh chưng, giò chả.