Chuyện lạ về một 'cặp đôi Robinson' ở Indonesia

(PLO) -Mặc dù đang sống ở khu vực hẻo lánh trên một hoang đảo trong suốt 40 năm qua, cặp vợ chồng này đã vượt qua sự khuyết tật hình thể và mù lòa để vui vẻ, hạnh phúc.
 
 Hai vợ chồng Daeng Abu và Daeng Maida trở thành những nhà hoạt động môi trường đầy nhiệt thành
Hai vợ chồng Daeng Abu và Daeng Maida trở thành những nhà hoạt động môi trường đầy nhiệt thành

Sống xuyên suốt 40 năm trên hoang đảo, Daeng Abu không hề cảm thấy buồn rầu, lẻ loi, đơn côi mà trái lại, ông và vợ đã tạo ra một cuộc sống chứa chan tình yêu thương, một cuộc sống rực rỡ đáng ngạc nhiên. 

Hai “trái tim vàng” trên hoang đảo

Pulau Cengkeh - đảo Đinh Hương - là một cồn đất nhỏ bé cát trắng tinh nằm ở ngoài khơi Sulawesi (Indonesia). Đón khách tới thăm, hàm răng rụng tơi tả của Abu ngoác nụ cười thân thiện hết cỡ. Đôi mắt trắng đục của ông dường như biến đâu mất dưới nụ cười hể hả và bàn tay xiết chặt vỗ về mang đến cho chúng tôi cảm giác ấm áp. 

Abu và bà xã - Daeng Maida - đã sống hạnh phúc trên hoang đảo Pulau Cengkeh kể từ năm 1972. Họ không còn nhớ rõ ở tuổi bao nhiêu thì hai người chính thức kết thân làm phu phụ ở hòn đảo Pulau Pala (đảo Nhục Đậu Khấu) nằm gần đó – hai vợ chồng hiện thời tin rằng họ đã có mặt ở đó từ thập niên 1980 – nhưng Abu nghĩ rằng khi đó ông khoảng tuổi 20, còn bà Maida nhớ rằng khi họ gặp nhau là vào mùa khô.

Đám cưới diễn ra rất nhanh gọn nhưng không kém phần trang trọng: chú của cô dâu đã bắn 3 phát súng lên trời, rồi cô dâu đi về nhà chồng. Chú rể Abu dựng một túp lều bằng tre và lá dừa, hai người đã sống trong “túp lều vàng” kể từ ngày hôm đó. 

Đảo cát trắng Pulau Cengkeh ở ngoài khơi duyên hải Sulawesi, Indonesia
Đảo cát trắng Pulau Cengkeh ở ngoài khơi duyên hải Sulawesi, Indonesia 

Thời điểm đó, hai vợ chồng không biết gì nhiều về nhau – đời sống chung đã biến hai người thành những nhà môi trường học bất đắc dĩ - họ dành thời gian để nuôi lũ rùa biển, nói chuyện với các ngư dân về những mối hiểm họa của đánh bắt cá bằng thủy ngân và thuốc nổ rằng sẽ làm tan hoang các rặng san hô của Indonesia.

Nhưng lúc đầu, hai người có những kế hoạch khác nhau về cuộc sống. Khi hai người bước vào đời sống hôn nhân, Abu lặn tự do xuống độ sâu 25 mét để mò ốc và bào ngư, hay đi những chuyến biển dài hàng tuần quanh các hòn đảo xa.

Bà xã Maida sống trong lều, nấu nướng và dệt quần áo. Mùa mưa tới, mùa khô lùi xa, rồi mùa khô lại tới, mùa mưa chưa về. Có thời gian, hai vợ chồng ăn cá, lúc khác lại ăn cơm. 

Bà Maida sinh 6 đứa con, nhưng 5 đứa đã chết yểu trước khi chúng tròn 1 tuổi. Sakká, đứa con duy nhất còn sống sót của hai vợ chồng, đã lớn lên và người cha nhận ra mình đã làm điều gì đó không phải với con.

Abu thành thực tâm sự: “Tôi lặn biển suốt ngày để mò tìm bào ngư. Cơ thể tôi căng phồng, săn chắc như một cục xi măng”. Trong bóng tối đen kịt của màn đêm, Abu tìm đường lái thuyền đến thành phố Makassar nằm cách đảo khoảng 12 tiếng đồng hồ: Nhu yếu phẩm, thuốc men là những thứ ưu tiên cho cả gia đình nhỏ.

Trong lúc nói chuyện, Abu cào cào ngón tay dài, đen đúa của mình xuống cẳng tay, rồi lại đặt nó lên đùi, nhớ lại trải nghiệm làm “lang y” đã mang lại cho ông nhiều cảm xúc, và hết lần này đến lần khác, những lần chèo xuồng lâu đã khiến ông mất cảm giác ở hai tay.

Khi Abu nói với bà xã Maida rằng ông mắc Kusta, tiếng địa phương có nghĩa là “bệnh phong”, bà đã khóc rấm rức. Nếu Abu không thể lặn biển hoặc ít nhất là không thể bắt cá được thì đồng nghĩa là hai vợ chồng sẽ chẳng có gì mà ăn. 

“Cặp đôi Robinson” hạnh phúc

Nhưng trời đã run rủi cho hai vợ chồng một cơ hội sống. Số là vào khoảng năm 1972, người đứng đầu chính quyền huyện đã kêu gọi các tình nguyện viên ra sinh sống và nuôi rùa trên đảo Pulau Cengkeh, cách Pala khoảng 1 giờ chèo xuồng.

Chả ai muốn đi, nhưng Abu cảm thấy hoang đảo đó là một nơi lý tưởng để thoát khỏi sự kỳ thị và rủi ro mắc phải những căn bệnh như bệnh mà ông đang mang. Ấp cho rùa đẻ trứng là công việc mà hai vợ chồng ông có thể làm tốt, đồng thời các khoản tiền trợ cấp của chính phủ sẽ giúp nuôi sống hai vợ chồng khi Abu không thể đánh cá nữa.

Ông dỡ túp lều, chất hết đồ đạc lên xuồng và chèo đến đảo Pulau Cengkeh. Abu nhớ lại cái ngày đó: “Mọi người ứa nước mắt khóc. Hết thảy họ ngạc nhiên hỏi rằng “Tại sao ông bà lại dọn tới đó? Nghe có vẻ như chúng tôi bị khùng”. Đêm hưởng cảm giác cô đơn đầu tiên trên đảo Pulau Cengkeh, khi hoàng hôn chợt tắt, hai vợ chồng cũng khóc theo. 

Năm 1972, Daeng Abu trở thành tình nguyện viên nuôi rùa biển ở đảo Pulau Cengkeh
Năm 1972, Daeng Abu trở thành tình nguyện viên nuôi rùa biển ở đảo Pulau Cengkeh

Nhiều dân đảo Bugin chôn chất người chết trên các hoang đảo vì sợ ma và xác sống. Đã vậy, Pulau Cengkek còn từng là một trong những hoang đảo an táng người chết, vì thế mà cho đến giờ hai vợ chồng Abu nói rằng họ vẫn nhìn thấy cảnh hồn ma và cảm thấy như có ai đó đang vỗ vào người họ. Qủa thật rùng rợn! 

Lúc họ đến, hoang đảo Pulau Cengkeh là một cồn cát khô cằn, hiếm nước ngọt, không có nơi trú ẩn, ánh nắng mặt trời chói chang và bão tố thì hung hãn gớm ghê. Abu trồng hạt giống, rồi phát triển thành những vườn cây với dây leo chằng chịt; rồi nhiều thế hệ rùa con đã rủ nhau đến đây, làm tổ ngay trong lớp cát mềm.

Những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, hai vợ chồng nuôi rùa để bán ở thành phố Makassar, người ta mua rùa con về để nuôi trong các bể cá, hoặc cũng có thể mua để lấy thịt. Nhưng khi Chính phủ Indonesia thay đổi chính sách về động vật biển, thì hai vợ chồng Abu nuôi rùa lớn rồi thả chúng vào biển cả.

17. 000 hòn đảo của Indonesia nằm trải dài hơn 5.000km băng qua đường Xích Đạo nơi đang tồn tại một trong những rặng san hô rộng bao la và đa dạng nhất thế giới với hơn 80% dân số san hô đang bị đe dọa. Loài rùa rất quan trọng đối với hệ sinh thái mong manh này: Chúng ăn tảo và bọt biển và giữ cho san hô luôn khỏe mạnh, nếu san hô cạn kiệt thì dân số rùa cũng sụt giảm theo.

Hình thức đánh cá bằng thủy ngân và thuốc nổ vào thập niên 1960 như là một thứ công nghệ tiết giảm sức lao động của cánh ngư dân, làm tăng năng suất nhưng cũng đồng nghĩa là hàng tuần sau đó, ngư dân sẽ tha hồ vớt xác cá chết nổi la liệt trên mặt nước.

Abu – hiện tại tin rằng ông đã chữa khỏi bệnh phong – là tiếng nói hết sức quan trọng trong một cụm các hòn đảo nhỏ này. Pulau Cengkeh ngày càng ít bị cô lập hơn, và ông đang dạy cách đánh cá mới cho ngư dân địa phương. Abu cũng cung cấp tin về những ngư dân dùng thuốc nổ để sát cá cho phía cảnh sát, úy lạo bạn bè hoặc các thành viên gia đình để tiếp chuyện với người vi phạm. 

Daeng Abu và bà xã dạy dân địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn san hô
Daeng Abu và bà xã dạy dân địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn san hô 

Trong một khu vực có trình độ dân trí thấp và một số đảo đã tiêu diệt sạch sẽ viền san hô quanh đảo, thì những hoạt động ấy được xem là sống còn: Thông điệp của Abu truyền từ đảo này sang đảo khác, và thậm chí lan vào trong đất liền.

Riêng rặng san hô quanh đảo Pulau Cengkeh vẫn trinh nguyên như cái ngày đầu tiên Abu lặn tìm thức ăn quanh đảo cách đây hơn 60 năm. Cuộc sống từng có lúc rất khắc nghiệt với cả hai vợ chồng tại Pulau Cengkeh:

Cách đây vài năm, hai vợ chồng gần như chết khát khi chuyến tàu chở nước ngọt từ đất liền ra bị trễ. Dù vậy, ánh mắt đục mờ của Abu vẫn lấp lóa khát vọng khi nhớ lại rặng san hô. “Nó quá đỗi tuyệt vời và thiên thần. Những rặng san hô đen, xanh, vàng, cam, đỏ… đủ thứ màu sắc tuyệt đẹp!”. 

Chúng tôi dõi mắt nhìn tình yêu của hai vợ chồng, cách họ làm việc ăn ý với nhau, Một thói quen ổn định trong cuộc hôn nhân lâu bền, như cách bà Maida hướng dẫn ông xã Abu xuôi xuống lối mòn dẫn tới ngôi nhà gỗ chắc chắn của họ.

Dompet Dhuafa, tổ chức phi chính phủ của Indonesia, đã dựng nhà cho họ cách đây vài năm nhằm tôn vinh những hoạt động vì môi trường không mệt mỏi của vợ chồng Abu. Nở nụ cười tươi tắn trên cái miệng chỉ còn lại nướu răng, Abu nói: “Tôi muốn thay đổi số phận mà Allah đã mang lại cho tôi. Tôi rất hạnh phúc. Nơi đây thật thanh bình. Mọi thứ, ngay cả bệnh tật, là món quà mà Allah ban cho”.../.