Mới đây, 500 nhà báo kỳ cựu khắp thế giới đã cùng nhau tới dự Hội nghị Báo chí điều tra toàn cầu (GIJC) lần thứ 6 tổ chức tại Geneve, Thuỵ Sĩ. Cũng tại hội nghị này, người ta có dịp gặp lại nhà báo người Mỹ Seymour Hersh, cây bút phóng sự điều tra dày dặn kinh nghiệm, người đã từng phanh phui vụ thảm sát Mỹ Lai tại Việt Nam năm 1968.
Vụ thảm sát Mỹ Lai |
Seymour Hersh sinh ngày 8/4/1937 tại Chicago, Illinois, nhà báo kỳ cựu từng đoạt nhiều giải thưởng lớn về báo chí như giải Polk Award (1969, 1973, 1974, 1981, 2004), giải Pulitzer Prize năm 1970 và giải George Orwell Award năm 2004.
Những ấn phẩm của Seymour có tiếng vang lớn trên diễn đàn đa phương tiện, giúp dư lụân hiểu sâu thêm cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam những năm thập niên 60, 70 ở thế kỷ trước, đặc biệt ông còn phanh phui ra vụ thảm sát dân thường Việt Nam tại thôn Mỹ Lai, Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi ngày 16/3/1968, làm 504 dân thường bị thiệt mạng, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Trước khi bị sát hại, nhiều người còn bị hãm hiếp, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên người. Năm 1969, câu chuyện đã được 36 tờ báo đăng tải, giúp dư lụân hiểu sâu thêm nỗi kinh hoàng của chiến tranh, tội ác của lính Mỹ đối với người dân Việt Nam và cũng những câu chuyện này mà Seymour Hersh đã được trao giải Pulitzer.
Sau Mỹ Lai, Seymour Hersh còn có nhiều bài phóng sự điều tra nổi tiếng khác như vụ đánh bom B-52 của Mỹ tại Campuchia, bí ẩn xung quanh dự án Project Jenifer, KAL 007, vụ tấn công nhà máy dược phẩm ở Sudan, sự dính líu quân sự của Mỹ tại Iraq cho đến các phóng sự điều tra về các hoạt động bất hợp pháp của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhắm vào chính các công dân của minh, âm mưu lật đổ chính phủ Chile của CIA và gần đây năm 2004, ông còn có nhiều bài viết phóng sự điều tra về tình trạng ngược đãi tù nhân của quân đội Mỹ đối tại nhà tù Abu Ghraib.
Hersh sinh ra và lớn lên tại Chicago trong gia đình gốc Do Thái di cư, sau khi tốt nghiệp từ ĐH tổng hợp Chicago, năm 1959 ông bắt đầu nghề làm báo với tư cách là phóng viên điều tra cho tờ City News Beureau, sau đó làm phóng viên cho hãng United Press International (UPI) đóng tại South Dakota.
Năm 1963, ông chuyển sang làm cho hãng AP, thường trú tại Chicago và Washington. Trong khi làm việc tại Washington, Hersh kết thân với nhà văn, nhà báo nổi tiếng IF Stone, người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông sau này, đặc biệt là lĩnh vực điều tra, thường xuyên tham gia những cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, phỏng vấn các sỹ quan cao cấp của Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Sau khi AP từ chối đăng tải những bài phóng sự về vũ khí sinh học và hóa học do chính phủ Mỹ thực hiện, Hersh đã quyết định rời AP, gửi các bài viết của mình cho hãng The New Republic. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968, Seymour Hersh đã phục vụ với tư cách thư ký báo chí cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy.
Sau khi kết thúc chiến dịch tranh cử nói trên, Seymour Hersh đến Việt Nam với tư cách nhà báo tự do. Kết quả một loạt bài phóng sự điều tra “nặng ký” đã được ra đời, trong đó có vụ tàn sát Mỹ Lai kinh hoàng do quân đội Mỹ thực hiện, được hãng Disparch News Service đăng tải, làm cho dư luận Mỹ và thế giới xôn xao, làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng lan rộng, yêu cầu Mỹ phải rút quân vô điều kiện khỏi Việt Nam.
Vụ thảm sát Mỹ Lai chính thức được tung ra dư luận vào ngày 12/11/1969, mô tả cuộc thảm sát đẫm máu, trong đó hàng trăm thường dân không vũ trang người Việt Nam bị giết bởi binh sĩ Mỹ. Độc lập với nguồn tin của chính phủ, Seymour Hersh đã tiến hành cuộc điều tra vụ ngay tại Mỹ Lai và thông qua các cuộc phỏng vấn với nạn nhân sống sót lẫn những người trực tiếp tiến thi hành công việc.
Ngày 20/11, các tạp chí lớn như Time, Life và Newsweek đồng loạt đăng tải trên trang bìa ảnh vụ thảm sát nói trên, đài truyền hình CBS cũng phát sóng cuộc phỏng vấn với Paul Meadlo. Tờ Plain Dealer ở Cleveland thì mạnh dạn hơn khi đăng tải các bức ảnh mô tả những dân thường bị giết hại.
Tháng 11/1969, tướng William R. Peers được chỉ định điều tra vụ Mỹ Lai cùng các hành động che giấu của Lục quân Mỹ. Bản báo cáo cuối cùng mang tên Peers Report được công bố tháng 3/1970 chỉ trích mạnh mẽ việc các sĩ quan cấp cao che giấu vụ việc cũng như những hành động tội ác của các sĩ quan dưới quyền thuộc đại đội Charlie.
Nhà báo Seymour Hersh |
Bên cạnh những bài phóng sự điều tra làm xôn xao thế giới, Seymour Hersh còn nổi tiếng với các bài viết phê bình, trong đó tiêu biểu có cuốn “John F. Kennedy: The Dark Side of Camelot”, nói về cuộc đời cựu tổng thống John F. Kennedy, đặc biệt là về cách sống rất phóng túng, các bí mật đời tư, cái chết bí ẩn của con người này mà đến nay dư luận vẫn chưa tường hết./.
Khắc Nam (Theo NYK/WP)