Ngày 31/7/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 556/NQ-UBTVQH14 về việc sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án giao thông cấp bách, trong đó ngành Đường sắt được bố trí 7.000 tỷ để triển khai 4 dự án nâng cấp cầu, đường và các công trình thiết yếu trên truyến đường sắt Bắc - Nam.
Được biết, trước khi gói đầu tư này được Thường vụ Quốc hội thông qua, VNR là đơn vị trực tiếp lập dự án, với 4 hợp phần: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Thời điểm đó, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, VNR sẽ quản lý, điều hành 2 dự án liên quan đến tăng cường kết cấu đường, gia cố hầm, mở mới ga đoạn Vinh - Nha Trang... Ban Quản lý các dự án đường sắt (Bộ GTVT) sẽ điều hành 2 dự án còn lại.
Tuy nhiên, sau đó thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP về việc ra đời và đi vào hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR phải “chuyển nhà” từ Bộ GTVT về trực thuộc Ủy ban này. Các phần việc liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nói trên của “Tổng Đường sắt” được chuyển giao cho Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT).
Trao đổi với PLVN trước khi diễn ra việc chuyển đổi cơ quan chủ quản, Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh nói: “Tổng công ty hay các Ban của Bộ GTVT điều hành dự án đều như nhau. Điều quan trọng là cuối cùng gói 7.000 tỷ sẽ được “rót” vào đường sắt để ngành có cơ hội thay đổi, phát triển”. Được biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt trước kia dự kiến giao VNR đang được Ban quản lý dự án 85 khẩn trương tiến hành.
Dẫu vậy, trên thực tế, vẫn có một số ý kiến bày tỏ sự quan ngại việc triển khai các dự án trong lĩnh vực đường sắt mà VNR không phải là một chủ thể trực tiếp có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn dự án?
“Việc tiến hành các dự án này chắc chắn sẽ có một số công việc, chủ đầu tư sẽ phải thuê các đơn vị có chức năng của VNR thực hiện. Rồi các tác nghiệp liên quan đến an toàn, quy trình điều độ chạy tàu phục vụ thi công trên công trường cũng là trách nhiệm của VNR… Tất cả những công việc đó nếu VNR triển khai đồng bộ với vài trò là chủ đầu tư thì dự án cải tạo, nâng cấp chắc chắn sẽ diễn ra nhanh chóng…”, một lãnh đạo của VNR cho hay.
|
Trong một lần thị sát, làm việc với VNR, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành này cần từng bước tăng tốc đoàn tàu khách lên 90km/h. |
Theo nguồn tin của PLVN, liên quan vấn đề này, tại một cuộc họp mới đây về giao nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt theo tình thần của Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án giao VNR thực hiện các dự án đường sắt quan trọng theo Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Thủ tướng để xem xét, trình cấp có thẩm quyền.
Bốn dự án nói trên sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cấp toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam lên cùng một cấp tải trọng là 4,2 tấn/m. Năng lực thông qua của tuyến này sẽ từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm; đồng thời có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80 - 90km/h, tàu hàng 50 - 60km/h.