Chuyện những gia đình ăn tết "ba miền"

Những gia đình hội tụ các thành viên Nam - Bắc, hoặc hội tụ cả ba miền, sự khác biệt tạo mang đến những cảm nhận thú vị ngày xuân.

Những gia đình hội tụ các thành viên Nam - Bắc, hoặc hội tụ cả ba miền, sự khác biệt tạo mang đến những cảm nhận thú vị ngày xuân.

Tết "lắm chuyện" vì khác thói quen

Trong năm, không có những ngày nào mà TP HCM, mảnh đất ấm áp phương Nam lại vắng vẻ, yên bình như như ngày đầu năm mới Âm lịch. Khi ấy, những người coi Sài Gòn là quê hương thứ hai, nơi trú ngụ, làm ăn sinh sống đã trở về quê để đón Tết. Ngay cả những người quê Sài Gòn cũng ít khi ăn Tết Sài Gòn. Người miền Nam có thói quen ăn Tết rất lạ: Tìm niềm vui xuân trong thú ngoạn cảnh bốn phương. Đi du lịch mừng xuân chính là cái thú của họ mỗi khi Tết đến.

Bánh chưng ngày Tết
Ngược lại, người miền Bắc, cả năm đi đâu thì đi, ngày Tết lại không thể vắng nhà. Mâm cơm đầm ấm, quây quần ba ngày Tết chính là hình ảnh quen của người miền ngoài. Ngày xuân không thể đi xa, cũng là để bàn thờ không lúc nào vắng khói hương, và để cùng nhau kéo đi thăm thú bà con, hàng xóm. Sài Gòn có rất nhiều gia đình tập hợp cả nhân tố Bắc - Nam, đôi khi có cả Bắc – Nam - Trung. Ngày Tết, sự tập hợp nhiều tục ăn Tết trong một gia đình đôi khi gây ra những bất đồng nho nhỏ.

Anh Trần Văn Thông, nhân viên bán hàng tại Metro kể lại chuyện đón Tết “kì khôi” của gia đình mình: Mẹ anh gốc Huế, ba người Sài Gòn, vợ anh lại là người Hà Tây. Tết đến, gia đình anh năm nào cũng ăn Tết kiểu “ba miền hội tụ”. Vừa có giò heo non hầm cay, tôm chua kiểu Huế, vừa có bánh tét, kiệu ngâm chua kiểu miền Nam, lại vừa có bánh chưng, thịt đông, dưa hành kiểu Bắc. Anh Thông nhớ lại, năm đầu tiên vợ anh về làm dâu trong nhà, ngày Tết không để ý, đi mua thức ăn Tết toàn mua những món ăn quen thuộc ở quê nhà.

Kết quả là cha mẹ anh hầu ăn Tết bằng thức ăn ở... quán. Năm thứ hai, rút kinh nghiệm, vợ anh đi với mẹ mua toàn món Huế, Nam, cuối cùng ngày Tết cô ăn một cách... miễn cưỡng. Đến bây giờ thì cứ mua mỗi vùng một ít là chắc ăn nhất. “Nhà có ba quê, mà ai cũng “truyền thống đầy mình”, nên ăn Tết đủ vị, cũng vui lắm” - anh Thông chia sẻ.

Còn gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Thanh Vui (ở quận Phú Nhuận) thì “lắm chuyện” vì... khác thói quen. Anh Phan Nguyễn Quang, chồng chị là cán bộ ngành dầu khí, chuyển công tác vào Nam, sau đó lấy vợ và định cư luôn. Cái Tết đầu tiên của hai vợ chồng trẻ được đánh dầu bằng một trận... cãi nhau. Như những gia đình trẻ ở Sài Gòn, ngày xuân, chị Vui nghĩ ngay đến chuyện hai vợ chồng sẽ tham gia một tour du lịch Campuchia, cùng với hai cặp vợ chồng người bạn như hẹn trước.

Anh Quang, chàng trai gốc Hà Nội sinh trưởng trong một gia đình trọng lễ nghĩa thì vô cùng ngạc nhiên vì ngày Tết vợ không nghĩ đến chuyện viếng thăm gia đình, bà con ở Long An, cách nhà anh chị hơn 30km. Chị bảo, nhà chị thoáng lắm. Gia đình đông đúc, năm nào chị thích về thì về, còn không thì báo trước để đi du lịch, có sao đâu. Năm đầu cưới nhau, một chuyến đi xa sẽ làm tình cảm thêm thắm thiết, có thời gian bên nhau. Còn anh thì bảo, rể mới mà Tết đầu không về thăm nhà vợ, quà cáp ngày Tết thì chẳng ra sao. Chuyện tranh cãi kéo dài đến tận 29 Tết chưa ngã ngũ...

Nhiều gia đình khác, như nhà anh Cao Huy Phong ở Thủ Đức. Anh Phong người gốc Sài Gòn, chị Tuyết Lan, vợ anh lại là con gái Hà Nội. Anh Phong làm kĩ sư xây dựng, quanh năm suốt tháng phải rong ruổi, nên ngày Tết cũng chỉ muốn chế bớt các phong tục truyền thống, vợ chồng con cái ở nhà... đóng cửa nằm ngủ cho khỏe.

Chị Tuyết Lan, quen nếp truyền thống quê nhà, ngày Tết là phải đi du xuân, lễ chùa, thăm thú bà con, dù là... bà con bên chồng. Hồi mới lấy nhau, ngày mùng 1, anh nằm cả ngày trên giường, chị năn nỉ mấy cũng không ra khỏi nhà. Mùng 2, đỡ hơn, anh chịu... mở cửa tiếp khách, mà tiếp chủ yếu là... các chiến hữu, nhậu một trận linh đình. Ngày mùng 3, anh lại... đóng cửa nghỉ mệt. Sau Tết, chị giận anh cả tuần, không thèm nói chuyện.

Vui hơn nếu biết dung hòa

Những lục đục nho nhỏ liên quan đến sự khác biệt giữa vùng miền đôi khi làm ngày Tết bớt vui, nhưng nếu những người trong gia đình biết cách dung hòa, họ sẽ có những cái Tết phong phú, đa sắc, vui hơn cả những gia đình chỉ có “yếu tố một miền”. Như trường hợp của anh Trần Văn Thông đã nói trên. Anh Thông hồ hởi: “Ngày Tết, gia đình “ba miền” của tui vui ghê gớm. Không chỉ tập hợp món ăn ba miền, nhiều năm trong nhà còn có cả hai, ba loại hoa, cây cảnh chưng Tết: Mai, đào, quất. Đó là khi gia đình đã mua sẵn mai chưng, đến cận Tết, tự dưng bà con ngoài Trung, thông gia ngoài Bắc còn gửi thêm cành đào, cây quất làm quà”.

Chuyện của chị Thanh Vui, sau cùng cũng giải quyết ổn thỏa, “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, chị nghiệm ra điều đó khi anh quá kiên quyết đòi về quê vợ ăn Tết. Nhưng rồi, từ đó mà chị nhận ra, hóa ra vợ chồng ăn Tết ở quê vui gấp nhiều lần đi du lịch xa. Trai Bắc chu đáo, anh mua từ chai rượu cho cha vợ, xấp lụa cho mẹ vợ và quà bánh cho các em vợ. Có anh về, tự nhiên cả nhà quay quần, gắn bó, ăn Tết rộn ràng hẳn. Rồi hai vợ chồng đi thăm hết họ hàng trên dưới, ai cũng khen chị Vui lấy được chồng hiền lành, lại khéo cư xử.

Vợ chồng chị Tuyết Lan cũng có “happy ending” khi mà chị đã khéo léo buộc anh ăn Tết năng động hơn bằng... đứa con gái. Có con gái suốt ngày đòi, ba ơi đi thăm ông bà nội, ba ơi chở mẹ với con đi ăn KFC, ba ơi chở mẹ với con đi Đầm Sen, anh cũng hết đường từ chối vợ con.

Mùa xuân Sài Gòn thưa vắng, bình yên, nhưng với những gia đình nhỏ, đôi khi rất vui, rất lạ, không giống một nơi nào khác trên đời, vì có Tết cả ba miền.

Ngọc Mai

Đọc thêm