Chuyện nước Pháp siết nạn “lạm phát” trao huân chương

(PLVN) - Nếu tính theo tổng số huân chương Bắc Đẩu Bội tinh được trao tặng trong thời gian một vị tổng thống tại nhiệm, thì tổng thống François Mitterand trao tặng nhiều huân chương nhất: 48.326 huân chương trong 14 năm ông ở điện Elysée. Việc trao tặng “tràn lan” đã làm giảm giá trị tấm huân chương danh tiếng nhất của nước Pháp. Một số người thậm chí chỉ trích là tiêu chuẩn xét duyệt không tính nhiều đến công lao của các ứng viên, đằng sau việc trao tặng huân chương là sự ngấm ngầm giúp đỡ nhau vì động cơ vụ lợi.
Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh được trao tặng cho đại tá Fred Moore, người hùng trong Đệ nhị Thế chiến, ngày 22/9/2017.
Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh được trao tặng cho đại tá Fred Moore, người hùng trong Đệ nhị Thế chiến, ngày 22/9/2017.

Ngày 01/01/2019, nhân dịp năm mới, có 402 người được tổng thống Pháp Emmanuel Macron tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, trong đó có 23 cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp nhờ thành tích vô địch World Cup 2018. 

600 hồ sơ, chỉ xét 101

Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, trong suốt hơn hai thế kỷ tồn tại kể từ khi được hoàng đế Napoléon Bonaparte lập ra vào năm 1802, vẫn là phần thưởng cấp nhà nước cao quý nhất của Pháp. 

Cho tới nay, có tổng cộng hơn 93.000 người được trao tặng huân chương này. Tuy nhiên, kể từ khi ông Emmanuel Macron đắc cử tổng thống hồi tháng 5/2017, số người được trao tặng huân chương đã giảm mạnh. Một trong những mục tiêu của vị tổng thống trẻ tuổi là khôi phục lại giá trị và danh tiếng của tấm huân chương, cải cách để danh hiệu Bắc Đẩu Bội tinh thích nghi với thời hiện đại. 

Ngay đợt trao thưởng đầu tiên dịp Quốc khánh Pháp 14/07/2017, tổng thống Macron đã khiến không ít người bất ngờ: Trên tổng số 600 hồ sơ được đệ trình lên chủ nhân điện Elysée, ông chỉ trao tặng 101 huân chương. So với bốn tổng thống tiền nhiệm - François Mitterand, Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và François Hollande, thì ông Macron tỏ ra “không hào phóng lắm”. 

Hồi tháng 11/2017, chỉ vài tháng sau khi nắm quyền, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc họp nội các, đã yêu cầu siết chặt việc tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, chú trọng xét duyệt dựa theo công trạng của những người được để cử.

Dân biểu tỉnh Pas-de-Calais, Pierre-Henri Dumont, thuộc đảng Những người Cộng hòa nhấn mạnh: “Tôi nghĩ mục đích thực sự của việc trao tặng huân chương là khen thưởng những người đã cống hiến cuộc sống, dành thời gian chăm lo cho người khác”. 

Phát ngôn viên chính phủ Pháp, khi đó là ông Christophe Castaner, thông báo ngày 2/11/2017: “Số huân chương được tặng thưởng sẽ giảm mạnh. Đối với dân sự, số huân chương sẽ giảm 50%. Đối với giới quân sự, tỉ lệ giảm là 10%. Và số người nước ngoài được trao huân chương sẽ giảm 25%”.  

Theo số liệu chính thức được báo chí Pháp công bố, tính trung bình, các tổng thống François Mitterand, Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và François Hollande trao hơn 3.400 huân chương Bắc Đẩu Bội tinh mỗi năm. Đây là một con số không nhỏ, nhưng vẫn chưa nhiều bằng con số 4.600 huân chương/năm dưới thời tổng thống Valéry Giscard d’Estaing.

Nhưng nếu tính theo tổng số huân chương Bắc Đẩu Bội tinh được trao tặng trong thời gian một vị tổng thống tại nhiệm, thì tổng thống François Mitterand trao tặng nhiều huân chương nhất: 48.326 huân chương trong 14 năm ông ở điện Elysée. 

Việc trao tặng “tràn lan” đã làm giảm giá trị tấm huân chương danh tiếng nhất của nước Pháp. Một số người thậm chí chỉ trích là tiêu chuẩn xét duyệt không tính nhiều đến công lao của các ứng viên, đằng sau việc trao tặng huân chương là sự ngấm ngầm giúp đỡ nhau vì động cơ vụ lợi.

Dân biểu Régis Juanico, của đảng Xã hội ở tỉnh Loire, phát biểu: “Chúng ta đã thấy điều đó xảy ra trong lĩnh vực văn hóa, và một số lĩnh vực khác. Quả thực, đôi khi người ta tặng huân chương cho bạn bè, chứ không phải quá trình hoạt động của công dân để trao huân chương cho những người đặc biệt xứng đáng”.

Thậm chí một số người được tặng Bắc Đẩu Bội tinh cũng tự thấy không xứng đáng. Năm 2009, bà Françoise Fressoz, cây bút xã luận của báo Le Monde đã từ chối huân chương. Trả lời phỏng vấn, nhà báo Fressoz giải thích lý do: “Nên nhớ là Bắc Đẩu Bội Tinh có nghĩa là phải lập công trạng xuất sắc cho dân tộc, tôi thì không thuộc nhóm người đó. Hơn nữa, đối với tôi, nhà báo là một đối trọng và ý nghĩ nhận huân chương làm tôi thấy vô cùng phiền phức”. 

Thay đổi theo thời thế

Xét về ngành nghề, theo truyền thống, những người được tặng Bắc Đẩu Bội tinh thường là các cựu bộ trưởng, viện sĩ Viện hàn lâm, cựu đại sứ, quân nhân… Tuy nhiên, chủ nhân điện Elysée muốn đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của những người được tặng thưởng.

Vị tổng thống trẻ đặc biệt hướng sự chú ý tới lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn công nghệ số. Ông Macron vốn có tham vọng đưa nước Pháp thành quốc gia hàng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo. 

Trong lần tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho 402 người vào ngày 1/1/2019, có gần 100 người là lãnh đạo các hãng lớn (CAC 40) và chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có công tạo nhiều việc làm cho người lao động và có nhiều sáng chế về công nghệ, y khoa.

Ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ lần này cũng được vinh danh vì là những ngành phát triển chiến lược cho lợi ích quốc gia. 

Thực ra, Emmanuel Macron không phải là vị tổng thống đầu tiên chủ trương cải cách quy định trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh. Nhìn lại lịch sử, vào năm 1962, tướng Charles de Gaule đã ban hành quy định, theo đó tất cả các vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic đều được tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh. Quy định này đến nay vẫn còn hiệu lực. 

Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing muốn vinh danh nhiều phụ nữ hơn, ông Nicolas Sarkozy cổ vũ sự bình đẳng. Còn tổng thống François Hollande khích lệ tình liên đới và sự đa dạng. Nhưng trước ông Macron, không có tổng thống Pháp nào chủ trương giảm số người được tặng huân chương. Ngoài ra, tổng thống Macron cũng muốn trao quyền cho người dân đề cử những người mà họ thấy xứng đáng được nhận huân chương.

Đa phần người được nhận huân chương Bắc Đẩu Bội tinh là công dân Pháp. Nhưng điều đó không có nghĩa là người nước ngoài không được vinh danh. Ngay từ khi ra đời năm 1802, Bắc Đẩu Bội tinh đã được dành tặng cho người ngoại quốc, nhất là những tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật, chẳng hạn thi hào Goethe của Đức, nhà vật lý người Ý Volta - người chế tạo ra pin điện, danh hài Charlie Chaplin. 

Ngoài ra, huân chương Bắc Đẩu Bội tinh còn nhằm phục vụ lợi ích ngoại giao của Pháp. Theo quy định, tổng thống Pháp là người duy nhất có quyền lựa chọn và quyết định trao Bắc Đẩu Bội tinh cho một nguyên thủ quốc gia, cố vấn tổng thống hay bộ trưởng, quan chức ngoại giao nước ngoài. Trong những trường hợp này, Bắc Đẩu Bội tinh được xem là “huân chương ngoại giao” của Pháp. 

Bà Béatrice Wattel, tác giả cuốn sách “Bắc Đẩu Bội tinh: Từ năm 1802 cho đến nay”, giải thích: “Đó thực sự là một điều cần thiết về mặt ngoại giao. Chính những bước đầu tiên, những chiến lược chính trị khiến chúng ta sẵn lòng trao huân chương cho những người có liên quan”. 

Vì ẩn sau việc trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh có những lý do chính trị, ngoại giao, nên không phải nguyên thủ nào nhận huân chương cũng được công luận đánh giá là xứng đáng với phần thưởng Nhà nước cao quý nhất của Pháp.  

Ngược dòng lịch sử, Pháp cũng từng nhiều lần “vinh danh nhầm người”. Cho tới nay, có hai lần Pháp tước huân chương đã trao tặng cho các nguyên thủ nước ngoài: tổng thống Panama Manuel Norriega, và gần đây là tổng thống Syria Bachar Al Assad.

Thực ra, cũng phải nói là khi tổng thống Pháp chưa kịp tiến hành thủ tục tước huân chương của Bachar Al Assad, thì chính tổng thống Syria hồi tháng 4/2018 đã chủ động “đi trước một bước”, trả lại cho Paris với lý do “Pháp là chế độ nô lệ của Mỹ và hậu thuẫn khủng bố, nên đeo huân chương của Pháp không còn là một vinh dự”. 

Dẫu sao đi chăng nữa, nhìn từ nước ngoài, Bắc Đẩu Bội tinh vẫn là tấm huân chương trong mơ của nhiều người, như một đại sứ Pháp ở nước ngoài chia sẻ: “Tôi dành nhiều thời gian để trao huân chương. Đối với nhiều người, huân chương Bắc Đẩu Bội tinh rất danh giá. Đó là một công cụ gây ảnh hưởng”.

Đọc thêm