Trước lần cứu chị Lý, anh T. (44 tuổi) - chủ Nhà nghỉ Phương Đông từng cứu sống một trường hợp tương tự, tham gia bắt cướp, trả lại cả trăm triệu đánh rơi cho người đi đường. Tâm sự với PLVN, anh T. cho biết anh làm những việc đó đơn giản là để không hổ thẹn với lương tâm của mình...
Như tin đã đưa, trưa 1/9/2011, tại Nhà nghỉ Phương Đông (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội) xảy ra một vụ tự tử gây xôn xao dư luận mà nạn nhân là chị Dương Thị Lý (30 tuổi, ở thôn Bắc Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông). Theo đó, chị Lý đã thuê phòng trong nhà nghỉ này rồi dùng dao lam tự rạch cổ mình. Người phụ nữ này sau đó còn lao mình từ tầng 6 xuống đất nhưng may mắn thoát chết nhờ được anh T. - chủ nhà nghỉ đứng dưới đỡ lấy.
Người tốt muốn giấu mặt
Theo thông tin ban đầu mà phóng viên PLVN thu thập được, nhiều khả năng chị Lý đã hành động dại dột do sức ép từ những khoản tiền nợ khổng lồ. Bình luận về vụ tự tử hy hữu này, một mặt dư luận nặng lời trách cứ chị Lý đã cạn nghĩ mà làm liều, mặt khác người dân địa phương ai nấy đều bày tỏ sự khâm phục tinh thần quả cảm cứu người của anh T.
Hôm qua - 6/9, khi anh T. đã xuất viện về điều dưỡng tại Nhà nghỉ của mình, chúng tôi đã tìm gặp người đàn ông tốt bụng này. Thì ra, ngoài việc kinh doanh nhà nghỉ thì anh T. còn là một viên chức. Tuy vậy, ông chủ nhà nghỉ kiên quyết yêu cầu phóng viên không được nêu tên họ của mình. Phải thuyết phục mãi, chúng tôi mới được anh T. cho chụp ảnh với điều kiện “nhớ làm nhòe mặt anh nhé!”.
Về việc cứu sống chị Lý, anh T. khiêm tốn tâm sự: “Việc không đáng có nên chẳng có gì đáng vinh danh tôi cả, tôi cũng chỉ làm việc đáng làm thôi”. Nói là vậy, song anh T. vẫn nhớ như in khoảnh khắc kinh hoàng vẫn ám ảnh, khiến anh mất ăn mất ngủ mấy hôm nay.
Giây phút sinh tử
Anh hồi tưởng: “Tôi đang ngồi uống nước ở tầng 1 thì thấy kính rơi xuống sân. Tôi chạy ra ngó lên, đập vào mắt tôi là cảnh chị Lý đang mấp mé định nhảy lầu. Tôi hét to: “Em ơi vào đi! Chết đấy!” nhưng chị này không có ý định lùi lại”. Tôi lại hét vọng lên: “Em ơi! Anh xin em đấy, đừng nhảy! Hãy nghĩ tới tính mạng và gia đình mình chứ!”. Nhưng lời cảnh báo của tôi đã vô tác dụng, chị Lý chỉ ngần ngừ khoảng 1 phút thì trẫm mình lao thẳng xuống đất”.
Anh T. kể thêm: “Giây phút đó, tôi định chạy đi lấy đệm để đỡ chị này nhưng e không kịp nên đã quyết định dù thế nào cũng dùng thân mình cứu chị ta. Tôi chỉ quan niệm cứu vãn được phần nào thì tốt phần ấy dù biết chắc bản thân mình cũng sẽ gặp nguy hiểm”.
“Tôi ước chừng vị trí để hứng sẵn, xuống tấn thấp người và căng hết sức vào cánh tay phải, sẵn sàng đỡ chị này từ trên cao. Rất may, tay tôi đáp vào trúng vai, còn ngực tôi hứng trọn phần đầu của chị ta. Sau đó, cả hai ngã nhào xuống đất. Tôi nằm bất động mất một lúc vì đau lưng và tức ngực. Giây lát sau, tôi gượng dậy đưa chị ta vào viện, lo viện phí, thuốc thang để cấp cứu. Đến khi biết tính mạng của người bị nạn tạm qua cơn nguy kịch, tôi mới thở phào”, anh T. căng thẳng thuật lại “giây phút sinh tử” ấy.
Nhưng cứu được người gặp nạn qua cơn hiểm nghèo thì cũng là lúc anh T. kịp nhận ra toàn thân mình đau nhức dữ dội và rất khó thở. Kiểm tra sức khỏe, bác sỹ cho biết anh T. bị tổn thương tim và phổi, sụn cột sống phải nằm viện điều trị.
“Tôi không thể thấy chết mà không cứu”
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng nếu được quay ngược lại quá khứ, anh T. có cứu chị Lý như thế không, anh T. cười nói: “Hành động dại dột của chị Lý kia trước thì thiệt thân, sau lại ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn của tôi. Có người bảo tôi: “Tôi mà như anh thì chẳng đời nào làm cái chuyện ấy. Nó thích nhảy thì cho nó chết”. Nhưng tôi không phải là người vô lương tâm, thấy chết mà không cứu nên dù thế nào tôi cũng sẽ cố gắng cứu chị ấy”.
Cũng theo anh T., nếu không biết cách đỡ thì chẳng những không cứu được người ta mà mình còn gặp đại nạn. Khoảng 20 năm trước, hồi còn ở nước ngoài, anh T. từng cứu sống một trường hợp tương tự nhảy từ tầng 3 xuống đất.
“Vậy nếu đó không phải ở nhà nghỉ của anh, không ảnh hưởng đến việc làm ăn của anh thì anh có sẵn sàng làm việc trượng nghĩa đó không?”, phóng viên hỏi anh T.
Như bị chọc vào tự ái, lúc này anh T. mới dốc bầu tâm sự để chứng minh cho sự vô tư của mình. Theo lời anh, vào một hôm trời mưa cách đây đã 2 năm, trên đường về nhà, anh nhặt được một bọc nilong đen đựng nhiều tiền của một cặp vợ chồng đi phía trước.
“Tôi phóng xe bạt bạt mạng đuổi theo họ để trả lại của rơi. Khi xe tôi áp sát, họ còn giật bắn người, táp vội xe vào vỉa đường vì tưởng tôi là cướp giật. Cầm bọc tiền trên tay tôi dõng dạc: “Ông bà đánh rơi bọc này, tôi đuổi theo để trả”. Bấy giờ họ mới cuống quít tìm lục rồi rối rít cảm ơn. Họ bảo trong bọc đó có hơn 100 triệu đồng họ đem từ huyện Lương Sơn, Hòa Bình lên lo cho con đi du học. Đôi vợ chồng ấy xin số điện thoại, địa chỉ của tôi để đến cảm ơn nhưng tôi từ chối khéo bằng câu nói bông đùa: “Tôi làm gì có nhà, việc không có gì!” Rồi phóng xe vụt đi trước...”, anh T. kể.
“Dịp khác, tôi cũng đang trên đường về nhà thì thấy ở đoạn đường tối có hai thanh niên rồ ga phóng xe máy, giật lấy túi xách của người đi đường. Thấy vậy, tôi âm thầm phóng xe bám theo. Nhân lúc hai tên cướp không để ý, tôi táp xe chặn đầu làm chúng ngã xấp xuống đường. Lần đó, tôi lấy lại được tài sản gồm hơn 1 triệu đồng tiền mặt và một số tư trang khác trả lại cho người bị hại”, anh T. kể tiếp.
“Vậy sau mỗi lần làm việc trượng nghĩa ấy, anh có thấy mình xứng đáng được cộng đồng khen ngợi và động viên không?” - phóng viên hỏi.
Anh T. cười nói một cách hào sảng: “Tôi làm những việc đó không vì muốn được kể công. Hôm trước, cũng có người nhà chị Lý đến nói lời cảm ơn. Tôi không đòi hỏi gì to tát, chỉ mong chị ấy lành lặn là vui rồi”.
Cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi bỗng bị gián đoạn vì đến giờ anh T. phải đi điều trị di chứng ở cột sống. Anh cho biết, chuyện tim phổi đã không còn đáng lo nhưng tới đây, ngày ngày anh vẫn phải vào viện để “xử lý nốt cái cột sống”.
Lê Tiến Phong