Chuyến thăm đặc biệt của Tổng thống Obama

(PLO) - Ông Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima và Nagasaki. Tuy không nói ra lời xin lỗi chính thức của Mỹ nhân chuyến đi Nhật Bản rất có thể là cuối cùng của mình nhưng ông Obama với việc tới thăm Hiroshima và Nagasaki đã chứng tỏ có nhận thức mới về trách nhiệm đạo lý và pháp lý đối với tội ác của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki.
Chuyến thăm đặc biệt của Tổng thống Obama

Trong thời gian cầm quyền gần bảy năm rưỡi đến nay, tổng thống Mỹ Barack Obama đã một vài lần tới thăm Nhật Bản. Những người tiền nhiệm của ông Obama ở Mỹ cũng thăm đồng minh chiến lược truyền thống này của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều lần khi còn đương nhiệm.

Nhưng chuyến đi châu Á lần thứ 10 này của chủ Nhà Trắng - trong đó có tới thăm Nhật Bản - lại đặc biệt hơn cả, không phải vì sự tham dự của ông Obama ở hội nghị cấp cao nhóm G7 tổ chức ở Nhật Bản vì Nhật Bản hiện là chủ tịch G7 mà vì ông Obama tới thăm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Đầu tháng 8/1945, khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc ở châu Âu và quân đội phát xít Nhật Bản ở châu Á bị Hồng quân Liên Xô đánh bại, Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki - hành động không có ý nghĩa gì nữa về quân sự,  nhưng lại rất vô nhân đạo. Hàng trăm nghìn người Nhật Bản ở Hiroshima và Nagasaki bị bom nguyên tử của Mỹ sát hại, hàng trăm ngàn người khác bị thương tật và ảnh hưởng phóng xạ di truyền đến cả nhiều thế hệ sau và hai thành phố bị tàn phá.

Phía Mỹ chưa từng nói ra lời xin lỗi chính thức về hành vi tội ác này.

Ông Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima và Nagasaki. Tuy không nói ra lời xin lỗi chính thức của Mỹ nhân chuyến đi Nhật Bản rất có thể là cuối cùng của mình nhưng ông Obama với việc tới thăm Hiroshima và Nagasaki đã chứng tỏ có nhận thức mới về trách nhiệm đạo lý và pháp lý đối với tội ác của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki.

Theo luật pháp quốc gia cũng như quốc tế, đã phạm luật thì sẽ phải bị pháp luật trừng trị. Kẻ phạm luật có thể trì hoãn bị xét xử nhưng rồi không thể chối bỏ trách nhiệm. Trong trường hợp Mỹ gây tội ác ở Hiroshima và Nagasaki cũng như vậy.

Hồi đầu thế kỷ 20, Đế chế Osman đã thảm sát người Armenia vô tội. Cho tới tận ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ trong tư cách là quốc gia kế thừa Đế chế Osman về luật pháp quốc tế luôn chối bỏ trách nhiệm nhưng thế giới không quên và sự hiểu biết phổ biến chung trên thế giới ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm về đạo lý và pháp lý quốc tế về tội diệt chủng cách đây cả thế kỷ.

Luật pháp không buông tha, dư luận quốc tế không quên những tội ác của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki cũng như ở Việt Nam trong thời Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Phía Mỹ cho tới nay vẫn chưa chịu nói lời xin lỗi chính thức Nhật Bản bởi vẫn hành xử theo cái lệ chung của kẻ ỷ mạnh hành động phạm tội trong nhận thức được rất rõ về tội phạm, tức là không phải không biết luật mà hiểu rất rõ luật và dùng hành vi phạm luật để phục vụ cho mưu đồ chính trị, biết rõ là phạm pháp nhưng vẫn hành động phạm pháp.

Một khi đã để cho cái lệ này chi phối và quyết định hành động thì thủ phạm đã ý thức được rất rõ và đầy đủ mọi tác động, hậu quả và hệ luỵ của hành vi phạm tội từ trước khi thực hiện hành vi ấy và đã chuẩn bị cũng từ trước khi thực hiện hành vi tội ác những lập luận để nguỵ biện cho động cơ và mục đích của hành động cũng như để chối bỏ trách nhiệm về đạo lý và pháp lý. 

Cho nên, vấn đề đối với Mỹ từ đó đến nay không phải là nhận thức về đã hay không phạm trọng tội mà không dám công nhận là đã phạm tội, có nghĩa là vấn đề chính trị nhiều hơn là vấn đề pháp lý.

Nhận thức vốn là quá trình nên nhận thức về pháp lý và về chính trị là hai quá trình khác nhau, về pháp lý không thể vô hạn trong khi về chính trị có thể vô hạn. Chỉ có điều kể cả khi chưa đi đến được đến cùng quá trình nhận thức về chính trị thì vẫn không có nghĩa là lệ thắng luật mà trái lại lệ vẫn luôn bị ám ảnh bởi luật cho tới tận thời điểm luật đánh bại lệ...