“Cuộc đấu” quyết liệt giữa tỷ phú Trump và cựu ngoại trưởng Hillary

(PLO) - Chỉ 6 tháng trước, hầu hết các nhà quan sát chính trị cho rằng ông Trump chỉ là ngôi sao nhất thời, nhưng giờ thì ông đã giành chiến thắng trong cuộc đua giành sự đề cử của đảng Cộng hòa.
Tỷ phú D.Trump đang giành nhiều lợi thế (ảnh trái) còn Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thì khốn khổ với vụ việc email cá nhân (ảnh phải).
Tỷ phú D.Trump đang giành nhiều lợi thế (ảnh trái) còn Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thì khốn khổ với vụ việc email cá nhân (ảnh phải).

Ngày 26/5, nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump đã có đủ số phiếu cần thiết để giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, trở thành ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. 

Một số chuyên gia dự đoán, ông Trump sẽ là ứng cử viên đầy sức cạnh tranh trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đầy gay cấn với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. 

Lợi thế đang tăng

Lần đầu tiên ông Trump dẫn trước bà Clinton theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri của trang mạng “Real Clear Politics”, dù sau đó bà Clinton đã vượt lên 1%; tuy nhiên, với cách biệt này, hai ứng cử viên sẽ cạnh tranh rất quyết liệt.

Học giả Darrell West (Viện Nghiên cứu Brookings) bình luận: “Ông Trump đã có được lợi thế sau khi hội đủ số phiếu đại biểu cần thiết để giành sự đề cử của đảng Cộng hòa. Các lãnh đạo đảng đang ủng hộ ông và ông đã giành được kết quả đáng kể trong việc đoàn kết đảng Cộng hòa. Điều này giúp ông rất lớn trong chiến dịch tranh cử mùa Thu chống lại bà Hillary Clinton. Đến nay, đảng Cộng hòa của ông Trump đã đoàn kết hơn phía đảng của bà Clinton”.

Dan Mahaffee - chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội - phát biểu rằng nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa và các cử tri đang bắt đầu hợp nhất ủng hộ ông Trump bất chấp những quan ngại về các chính sách cụ thể.

Sau khi các ứng cử viên đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thống đốc bang Ohio John Kasich từ bỏ cuộc đua giành sự đề cử của đảng Cộng hòa hồi đầu tháng 5/2016, nhiều thành viên cấp cao trong đảng Cộng hòa trước đây từng phản đối ông Trump đã bắt đầu quay sang ủng hộ ông. “Những thay đổi trong tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã cho thấy điều này. Các thành viên cấp cao trong đảng đã bắt đầu thân thiện với ông hơn và tìm hiểu suy nghĩ của ông về các chính sách cụ thể”.

Không còn phải lo ngại chuyện đề cử của đảng Cộng hòa, ông Trump giờ có thể tập trung vào chiến lược đối phó với bà Clinton. Vị doanh nhân đầy khoa trương này đã bắt đầu dựng lên câu chuyện về đối thủ chính trị của ông, gọi bà là “Hillary dối trá”, nhằm khắc họa hình ảnh bà là một người không trung thực và không đáng tin cậy.

Bất lợi cho Hillary

Trong khi đó, báo cáo điều tra của Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố cho thấy, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và các cố vấn đã phớt lờ khuyến cáo rõ ràng từ đơn vị chức năng trong Bộ Ngoại giao rằng hệ thống bảo mật thư điện tử của bà không đạt các tiêu chuẩn liên bang và có thể là điểm yếu cho các tin tặc tấn công.

Các trợ lý của bà đã từng hai lần phủ nhận các lo ngại này, thậm chí còn nói với nhân viên kỹ thuật rằng “không nên nhắc đến vấn đề này nữa”. Cơ quan thanh tra cho rằng, bà Clinton đã vi phạm các quy định của liên bang về lưu trữ dữ liệu khi chưa hề xin phép thực hiện những trao đổi về công việc trên các máy chủ và thư điện tử cá nhân.

Theo kết quả cuộc điều tra được công bố ngày 24/5, năm 2011, bà Clinton đã từng phải ngừng sử dụng hòm thư điện tử cá nhân tại một số thời điểm nhất định do lo ngại bị tin tặc tấn công, mặc dù bà liên tục khẳng định máy chủ mà bà sử dụng chưa từng bị đột nhập. Bà Clinton và một số trợ lý cấp cao, gồm Cheryl Mills, Huma Abedin, Cố vấn Chính sách Jake Sullivan và cả Cố vấn Chiến lược Philippe Reines, đều từ chối trả lời chất vất của Tổng thanh tra.

Bà Hillary khẳng định các tin tặc chưa bao giờ xâm nhập được vào máy chủ. Trong khi đó, báo cáo điều tra vừa qua cho biết một trợ lý của bà Clinton đã phải tắt hệ thống mạng vào ngày 9/1/2011, bởi ông cho rằng “có ai đó đang định đột nhập”. Sau đó, ông này còn nói: “Chúng tôi lại bị tấn công, do đó tôi phải tắt (máy chủ) trong một vài phút”. Ngày hôm sau, một quan chức cấp cao đã khuyên hai trợ lý hàng đầu của bà Clinton không nên gửi “bất kỳ thông tin nhạy cảm nào” qua email cho lãnh đạo của họ và nói rằng bà có thể “nói rõ hơn khi gặp trực tiếp”.

Đối thủ của bà Clinton trong cuộc cạnh tranh giành vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã nhanh chóng lấy kết quả của cuộc điều tra làm bằng chứng để chỉ trích bà Clinton, cho rằng bà thiếu trung thực trong việc sử dụng email cá nhân, rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ không đáng tin và không xứng đáng làm tổng thống. Theo quy định, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ phải sử dụng những máy tính dành cho họ khi thực hiện công việc hàng ngày (mà không được sử dụng những máy tính khác), để tránh gây rủi ro về an ninh. 

“Đá cản” trên đường đua

Năm 2010, bộ phận quản lý thông tin của Bộ Ngoại giao đã hai lần bày tỏ quan ngại về việc sử dụng máy chủ và hòm thư điện tử cá nhân của bà Clinton không đúng quy định theo Đạo luật Lưu trữ Liên bang. Trả lời chất vấn của cơ quan thanh tra Bộ Ngoại giao, Giám đốc bộ phận này cho biết các chuyên viên pháp lý đã thẩm tra hệ thống email cá nhân của bà Clinton, “và vấn đề này không được đề cập đến nữa”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người ta chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc cơ quan pháp lý đã xem xét và cho phép bà tiếp tục làm việc này. Các thanh tra cho rằng các yêu cầu tương tự, nếu có, chắc chắn sẽ bị bác bỏ do nguy cơ về an ninh.

Báo cáo điều tra còn đề cập tới việc sử dụng máy chủ và hòm thư điện tử của 5 cựu Ngoại trưởng Mỹ, chỉ ra rằng tất cả những nhân vật này đều “chậm chạp trong việc thực hiện các yêu cầu để đảm bảo an ninh mạng khi sử dụng các thiết bị liên lạc điện tử, đặc biệt trong những trường hợp liên quan đến nhà lãnh đạo cấp cao nhất”.

Ngày 25/5, Brian Fallon - người phát ngôn trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton - tuyên bố việc sử dụng máy chủ cá nhân và hòm thư điện tử của bà Clinton hoàn toàn hợp pháp. Ông nói: “Các tài liệu và thông tin liên quan đến việc sử dụng email của bà Clinton cho thấy bà cũng làm như các bộ trưởng và quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao”.

Báo cáo điều tra cho biết cựu Ngoại trưởng Colin Powell cũng chỉ dùng mỗi tài khoản email cá nhân để làm việc. Tuy nhiên, theo kết luận điều tra, trường hợp của bà Clinton là nghiêm trọng hơn những người tiền nhiệm. Báo cáo điều tra kết luận: “Trong nhiệm kỳ của Ngoại trưởng Clinton, đơn vị chức năng của Bộ đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và chi tiết hơn. Hoạt động trên mạng của bà Clinton lẽ ra phải theo những chỉ dẫn toàn diện hơn này”.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố hơn 52.000 trang tài liệu ghi lại nội dung các thư điện tử công vụ của bà Clinton, trong đó có cả một số email từng là tuyệt mật. Bà Clinton đã giữ lại hàng nghìn email khác, và nói rằng đó là những email cá nhân. Những người chỉ trích đặt ra câu hỏi rằng máy chủ mà bà sử dụng có phải đã trở thành “một mục tiêu hấp dẫn” cho các tin tặc hay không, đặc biệt là những kẻ cộng tác hoặc làm việc cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã điều tra xem liệu việc sử dụng máy chủ và email cá nhân của bà Clinton có làm lộ các bí mật của chính quyền hay không. Cơ quan này gần đây đã chất vấn các trợ lý hàng đầu của bà Clinton, bao gồm cựu Cố vấn hàng đầu Cheryl Mills và Phó Cố vấn Huma Abedin. Nhiều khả năng bà Clinton cũng sẽ bị chất vấn về vấn đề này. 

Tận dụng lợi thế

Ngày 26/5, không bỏ qua cơ hội, ông Trump phát biểu tại một buổi mít tinh rằng “nếu “Hillary Clinton dối trá” lên nắm quyền, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, và rằng bà Clinton sẽ chôn vùi các doanh nghiệp dưới các luật lệ... Ông Trump ám chỉ rằng điều đó sẽ càng làm trì trệ nền kinh tế vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc suy thoái năm 2008.

Sau khi chắc chắn giành được sự đề cử của đảng, ông Trump có khả năng tiếp tục các cuộc công kích chống lại bà Clinton và lợi dụng vụ việc này cũng như các bê bối khác để chống lại cựu Đệ nhất phu nhân. Chuyên gia West nói: “Việc trở thành ứng cử viên của đảng cho phép ông Trump hướng tới chiến dịch mùa thu và tập trung toàn bộ sức mạnh để đánh bại bà Hillary Clinton”. Chiến thắng này tạo ra nhiều động lực cho ông Trump và sẽ khiến ông tiết chế một số thông điệp về chính sách của ông, chuyên gia này nói thêm.

Tỷ phú Trump  cũng tuyên bố nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ ủng hộ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Canada và Mỹ trước đó đã bị Tổng thống Barack Obama bác bỏ cũng như đảo ngược các chính sách môi trường của chính phủ hiện tại.

Phát biểu với báo giới sau khi tuyên bố giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để chắc chắn được chọn làm ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử vào Nhà Trắng, ông trùm bất động sản cho rằng dự án đường ống dẫn dầu từ Canada tới Vịnh Mexico “cần được thông qua”. Ông cam kết ủng hộ Keystone XL song cho rằng vì dự án này đòi hỏi chính phủ Mỹ phải sung công đất tư nhân nên Washington cần được chia một phần lợi nhuận từ hoạt động của đường ống dẫn dầu.

Ông Trump cũng tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc đua vào tháng 11 tới, ông sẽ “đảo ngược” các chính sách năng lượng và khí hậu của chính quyền Tổng thống Obama mà ông cho là đang “phá hủy cơ hội việc làm của người Mỹ”. Bên cạnh đó là hủy bỏ cam kết của Washington trong thỏa thuận biến đổi khí hậu ký kết tại Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015 để ngăn tiền thuế của người Mỹ sử dụng cho các chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc. Theo ứng cử viên này, nước Mỹ nên độc lập về năng lượng và để thúc đẩy điều này, ông sẽ hỗ trợ ngành công khiệp khai thác dầu mỏ...

Đọc thêm