Chuyện thu ngân sách ngàn tỷ ở một quận của Thủ đô

(PLO) - Khi mới thành lập, Cầu Giấy là một quận đan xen giữa đô thị và nông thôn. Nhưng 20 năm sau, Cầu Giấy đã lột xác, vụt cao như… Thánh Gióng, về đích nộp ngân sách thuộc nhóm dẫn đầu của thành phố và cao gấp nhiều lần so với nhiều địa phương trong cả nước. 
Ảnh minh họa

Những thành tựu kinh tế có được hôm nay chính là hiệu quả từ những hướng đi và sự phát triển bền vững mà lãnh đạo quận này đã kiên định trong nhiều năm qua. 

Số thu tăng 180 lần 

Một nguyên lãnh đạo quận Cầu Giấy tâm sự, xuất phát điểm về kinh tế của quận thấp hơn so với các quận nội thành cũ, ngoài ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, trình độ dân trí, đội ngũ cán bộ không đồng đều nên tập thể lãnh đạo quận đã gặp không ít khó khăn trong quản lý, điều hành để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của quận. 

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND TP.Hà Nội và sự chung sức, đồng lòng của những người con Cầu Giấy, quận đã vươn lên ngoạn mục để đạt được những con số cao hơn cả kỳ vọng mà UBND TP.Hà Nội từng giao. 

Trao đổi với PLVN, bà Bùi Thanh Vân - Trưởng phòng Kinh tế quận Cầu Giấy cho hay, năm 1997, khi mới thành lập, giá trị sản xuất công nghiệp của quận chỉ đạt 29,1 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8,45 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa luân chuyển và dịch vụ đạt 120,53 tỷ đồng, thì 20 năm sau - 2017, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước đạt 7.982,487 tỷ đồng và không còn thành phần kinh tế nông nghiệp.

Đáng nói, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng phát triển không ngừng với tổng giá trị luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 206.137,270 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận tăng từ 35 tỷ đồng năm 1998 lên 1.100 tỷ đồng vào  năm 2007 và lên hơn 6.850 tỷ đồng năm 2017, tăng gần 180 lần so với năm đầu tiên thành lập quận. 

Trong hành trình vươn lên, đặc biệt phải kể đến giai đoạn 2011 - 2016, quận Cầu Giấy được ghi nhận với nhiều thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật. Cụ thể, giai đoạn này quận định hướng phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - thương mại, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị ngành kinh tế dịch vụ. Sự chuyển dịch đúng hướng đã đem lại sự tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Trong đó, thương mại - dịch vụ với tốc độ tăng bình quân 17,6%/năm, chiếm trên 61% cơ cấu kinh tế của quận với các loại hình dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, tư vấn, giáo dục, y tế, bưu chính, viễn thông, điện tử, tin học. Công nghiệp - xây dựng được ghi nhận như một lĩnh vực trọng điểm trong phát triển kinh tế của quận khi đóng góp trên 38%.

Ngoài ra, Khu công nghệ thông tin cũng được coi như một điểm sáng góp nhiều vào thành tựu kinh tế - xã hội của quận bởi nhưng ưu thế lớn như: tập trung thu hút được nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của thế giới. Đây là khu công nghiệp tập trung đầu tiên của Hà Nội do cấp quận đầu tư, quản lý. Mỗi năm, khu này đóng góp cho ngân sách từ 4.000- 5.000 tỷ đồng, thu hút khoảng 10.000 lao động... 

Cam kết phát triển kinh tế bền vững

Hai mươi năm qua, hoạt động các ngành kinh tế của quận này đã phát triển nhanh và khá toàn diện, góp phần tạo được sự chuyển dịch quan trọng về cơ cấu kinh tế, từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp, và đến nay vẫn đang đúng với định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. 

Theo đó, hướng phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2020 được Đảng bộ, HĐND, UBND quận thống nhất quán triệt phát triển theo hướng cơ cấu dịch vụ - thương mại và công nghiệp - xây dựng, trong đó chú trọng các nhóm sản phẩm chất lượng cao, hướng tới sự phát triển bền vững và cam kết không vì phát triển kinh tế mà phá vỡ môi trường, cảnh quan đô thị. 

Đây cũng là nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao cho quận. Theo đó, Chủ tịch thành phố cho rằng, bước sang giai đoạn phát triển mới quận Cầu Giấy cần xây dựng thành trọng điểm phát triển đô thị xanh - sạch - đẹp, là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ - hành chính của Thủ đô; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy khẳng định, để hoàn thành toàn diện 11/11 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, trong đó, 9/11 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch là kết quả của mọi nỗ lực, trong đó có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở. Một số lĩnh vực như thu ngân sách, giải phóng mặt bằng, giảm nghèo được Hà Nội và các sở, ngành đánh giá rất cao. 

“Trên cơ sở đó, quận đã đặt ra chỉ tiêu trong năm 2018 với các khâu đột phá như tập trung xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, trọng tâm là giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt, phấn đấu đạt con số tổng thu ngân sách trên địa bàn quận hơn 8 ngàn tỷ đồng”, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết.

Rõ ràng, yêu cầu của TP. Hà Nội đối với địa phương này là rất lớn, nhưng nếu ai quan sát cả quá trình phát triển của quận này, đặc biệt là trong khoảng 3 năm gần đây thì thấy Cầu Giấy luôn vượt mức thu ngân sách mà thành phố giao, vì thế càng có cơ sở để tin tưởng rằng với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân, chắc chắn quận Cầu Giấy sẽ lại “cán đích” thành công những chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2018. 

Đọc thêm