Chuyển tiền bằng xác thực sinh trắc học từ 1/7/2024: Giảm thiểu các vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngày 1/7/2024, tất cả các giao dịch chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng đều phải thực hiện bằng sinh trắc học. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu số lượng khách hàng bị mất tiền trong tài khoản trong trường hợp bị lừa đảo.
Các giao dịch trên 10 triệu phải thực hiện bằng khuôn mặt hoặc vân tay. (Ảnh minh họa: PV)
Các giao dịch trên 10 triệu phải thực hiện bằng khuôn mặt hoặc vân tay. (Ảnh minh họa: PV)

Xác thực sinh trắc học là cần thiết

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến thời hạn có hiệu lực của Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (QĐ 2345). Theo Quyết định này, kể từ ngày 1/7/2024, khách hàng muốn chuyển khoản online trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc trị giá trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học. Với các giao dịch thanh toán, hạn mức đặt ra là trên 100 triệu đồng/lần thanh toán.

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Căn cước 2023, sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác như khuôn mặt, vân tay, mống mắt… Do đó, từ ngày 1/7/2024, tất cả các giao dịch chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày đều phải tiến hành xác thực bằng khuôn mặt hoặc vân tay.

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện lượng giao dịch trong ngày có giá trị dưới 10 triệu đồng (không cần xác thực sinh trắc học) chiếm khoảng 70%. Số giao dịch trong ngày trên 10 triệu đồng chiếm khoảng 11,3% số lượng giao dịch và khoảng 11,64% số tài khoản. Số tài khoản có tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 1%. Như vậy, có thể thấy, số lượng khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền theo QĐ 2345 không quá lớn.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng và ngành ngân hàng, tài chính luôn là “đích ngắm” của các đối tượng lừa đảo nên việc sử dụng sinh trắc học với các giao dịch là cần thiết.

Ông Tần cho biết thêm, hiện các ngân hàng cũng đã và đang thực hiện thông báo đến khách hàng thay đổi này, đồng thời gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng. Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào 1/7/2024, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD).

Nhiều ngân hàng đã thực hiện thu thập sinh trắc học

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện các ngân hàng đều đã tiến hành các động thái để thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao dịch này. Ví dụ, VPBank đã thông báo tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của tất cả các khách hàng hiện hữu. Theo đó, trong tháng 6 ngân hàng này yêu cầu khách hàng cập nhật CCCD gắn chip và cung cấp dữ liệu sinh trắc học. Toàn bộ việc cập nhật và thu thập thông tin đều được thực hiện thông qua 1 tính năng tích hợp trên app của VPBank và sẽ chỉ mất chưa đến 30 giây để thực hiện.

TPBank cũng đã thực hiện nội bộ việc sinh trắc học trong các giao dịch chuyển tiền và thanh toán ngay từ tháng 3/2024 nhằm bảo đảm việc vận hành và xác thực chính xác, ổn định. Đến tháng 5/2024, ngân hàng này đã chính thức thông báo việc cập nhật dữ liệu đến khách hàng. Theo đại diện TPBank, ngoài mục tiêu bảo mật trong thanh toán và chuyển khoản, việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học còn giúp tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày QĐ 2345 có hiệu lực.

Trong khi đó, ngoài việc thông báo đến khách hàng thực hiện sinh trắc học để có thể giao dịch an toàn, PVcomBank còn thông báo, với các tài khoản mở mới tại ngân hàng này qua hình thức trực tuyến, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng sẽ được đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng và chính xác mới tiếp tục tiến hành các bước hoàn thiện số tài khoản cho khách hàng.

Ngoài ra, hầu như tất cả các ngân hàng cũng thông báo, ngoài kênh đăng ký sinh trắc học qua app, khách hàng có thể đến các quầy giao dịch để thực hiện xác thực khuôn mặt và vân tay. Với các trường hợp bắt buộc phải dùng sinh trắc học để giao dịch nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký dữ liệu sinh trắc học trước thời điểm ngày 1/7/2024, các khách hàng vẫn có thể thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch của các ngân hàng trên toàn quốc.

Đáng chú ý, rất nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng phương thức sinh trắc học cho giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi khách hàng thực hiện giao dịch trên thiết bị khác (khác với thiết bị khách hàng vẫn đang giao dịch hàng ngày). Một số ngân hàng cũng áp dụng với các giao dịch khác như “đăng nhập lần đầu sau khi được cấp lại mật khẩu”. Tất cả đều hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn giao dịch, bảo đảm tài khoản cho khách hàng.

Hiện rất nhiều khách hàng vẫn đang sử dụng khuôn mặt và vân tay để thực hiện các giao dịch liên quan đến chuyển khoản hoặc thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, lựa chọn mà khách hàng đang sử dụng chỉ đơn giản là thay cho mật khẩu của thiết bị thông minh mà khách hàng đang sử dụng. Cách này cơ bản chỉ giúp xác thực chủ nhân của thiết bị chứ không xác thực chủ tài khoản. Do đó, sử dụng sinh trắc học sẽ có xác thực được chủ tài khoản, độ an toàn cao hơn.

Đọc thêm