Với việc giao cho đại diện công đoàn nắm giữ 1 cổ phần, giao cho một đoàn thể cơ sở khác nắm giữ 1 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), còn lại nhà nước - mà đại diện là các bộ, ngành, UBND tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 99,99999999% vốn, nghiễm nhiên các DNNN sẽ chuyển sang hình thức công ty cổ phần (CTCP) chỉ trong vòng 1 tháng – VAFI nêu sáng kiến.
|
Ảnh minh họa. |
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất với Bộ Tài chính giải pháp chuyển nhanh toàn bộ DNNN thuộc đối tượng chưa cổ phần hóa trong trung hạn thành CTCP theo cách trên. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, đây không phải là hình thức cổ phần hóa mà chỉ đơn thuần là dùng biện pháp kỹ thuật để chuyển nhanh toàn bộ DNNN một thành viên thành CTCP với 3 cổ đông , tuy nhiên sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với NSNN và công tác quản trị DN.
Đặc biệt, khi triển khai thực hiện giải pháp này, không cần phải thành lập Ban cổ phần hóa tại DN, không cần phải kiểm kê định giá DN, không cần phải IPO… mà chỉ đơn thuần bằng 1 quyết định chuyển đổi với các dữ liệu theo sổ sách kế toán.
Đơn giản là vậy song theo VAFI, ý nghĩa của giải pháp này là vô cùng to lớn. Bởi theo cơ chế hiện hành, toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế của DNNN được để lại DN, DNNN không có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức cho nhà nước như tại các CTCP có cổ phần nhà nước. Nếu thực hiện theo sáng kiến của VAFI thì sẽ điều tiết lợi nhuận sau thuế để đóng góp cho NSNN.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy toàn bộ cổ tức được chia tại CTCP có vốn nhà nước phải nộp cho NSNN. Chẳng hạn như Thái Lan, hiện Chính phủ chỉ nắm giữ 51% cổ phần tại vài chục DN lớn nhưng hàng năm tiền cổ tức chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN.
Theo ước tính của VAFI, nếu thực hiện giải pháp này từ năm 2013, tổng số tiền cổ tức thu được khoảng 4 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN, và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 15% tổng thu NSNN nếu các cơ quan nhà nước đòi hỏi chặt chẽ với khối DNNN.
“Từ trước tới nay, chúng ta chưa đòi hỏi nhiều ở giới lãnh đạo DNNN, hay nói cách khác là quá dễ dãi với người quản lý DNNN , cho nên rất nhiều DNNN coi nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận, miễn sao chỉ có lãi là tồn tại mà không cần lãi nhiều. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vung tay đầu tư, sử dụng hết phần cổ tức của các công ty con, lợi nhuận của tập đoàn, thậm chí vay nợ lớn để đầu tư dàn trải, rồi lại tiếp tục thành lập DNNN mới…”- ông Hải phân tích.
Theo vị này, với việc thực hiện giải pháp này buộc khối DNNN phải có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức hàng năm theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng hoặc theo mức cổ tức bình quân trong ngành, từ đó đào thải những nhà quản lý yếu kém, buộc giới quản lý DNNN phải chú trọng tuyển dụng và trân trọng người tài; đồng thời NSNN sẽ có nguồn thu thêm trên 30 tỷ USD, đủ sức cải thiện hệ thống giao thông trong 10 năm nữa...
“Thật là không công bằng khi nhiều DNNN được hưởng cơ chế độc quyền kinh doanh, được quản lý kinh doanh nguồn tài nguyên lớn của đất nước như Mobifone, Vinaphone, Viettell, PetroVN, TKV…. lại không phải đóng cổ tức cho nhà nước trong khi rất nhiều DN cổ phần hóa ở vị thế kinh doanh kém hơn nhiều , thu nhập người lao động thấp hơn nhiều thì vẫn tích cực nộp tiền cổ tức cho nhà nước ..”- Tổng thư ký VAFI bình luận.
T.Lan