Ngày 20/02/2017, trên tuyến xe buýt 17 từ sân bay Nội Bài về bến xe Long Biên tôi được chứng kiến một sự kiện chắc cũng không phải là hy hữu. Trên xe có khoảng mười hành khách. Anh phụ xe có một người bạn gái đi cùng ngồi trên hàng ghế đôi của xe buýt. Nhìn cô bạn gái của anh phụ xe khá xinh và có cách ăn mặc bắt mắt.
Anh phụ xe đang bán vé cho khách. Khi xe đã chạy, quay lại chỗ bạn gái thì thấy một hành khách trung niên ăn mặc dân sự, khoảng 45 tuổi, mặt mũi đỏ gay, mùi rượu nồng nặc ngồi vào chiếc ghế bên cạnh bạn gái của anh ta.
Anh phụ xe tìm một ghế trống khác ngồi. Người hành khách ngồi gần bạn gái của phụ xe bắt đầu có hành động xàm sỡ. Vì xe còn chỗ trống, người bạn gái của anh phụ xe tìm một ghế trống khác để lánh nạn.
Người hành khách kia lại di chuyển theo và tiếp tục có hành vi quấy rối tình dục. Bạn gái của anh phụ xe lên tiếng đề nghị hành khách này ngồi xa mình ra . Anh phụ xe thấy vậy cũng lên tiếng đề nghị hành khách kia chuyển ghế, chấm dứt hành vi quấy rối tình dục đối với bạn gái của mình.
Tay hành khách mặt đỏ bừng, xông lên đấm luôn một quả vào mặt anh phụ xe và lớn giọng “Tao muốn ngồi đâu thì ngồi. Đây là quyền của tao”. Người phụ xe bị đánh bất ngờ lùi lại và di chuyển lên phía lái xe. Vị hành khách khiếm nhã tiếp tục đuổi theo anh phụ xe, và rít lên đầy thù hận “tao giết mày”.
Lúc này, một số hành khách bắt đầu can thiệp tách hai người ra. Vị hành khách bất nhã còn tiếp tục đánh cả những người đến can ngăn, kể cả tôi, một một hành khách già đi cùng xe. Không hành hung được anh phụ xe nữa, tay hành khách khốn kiếp đó tiếp tục lải nhải “Tao giết mày”. Hắn còn xưng danh tiếp “Tao là công an đây. Tao làm việc tại số 7 Thiền Quang đây. Chỉ cần một cú gọi là mày sẽ đi đời” (sau khi về nhà tôi có tra mạng thì biết được số 7 Thiền Quang là trụ sở của cơ quan cảnh sát điều tra hình sự của Hà Nội).
Chứng kiến câu chuyện xảy ra trên xe buýt, tôi – một hành khách già nua, người từng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước trong những giai đoạn mà đất nước còn chiến tranh, còn lạc hậu nhưng đầy yêu thương cảm thấy nhói lòng. Nếu như ngày trước, để trẻ con ngủ người ta thường mang “chú công an” ra dọa trẻ và mặc dù không biết “công an” là gì nhưng trẻ con vẫn sợ mà nhắm mắt lại rồi từ từ chìm vào giấc ngủ. Ngày nay, người ta lại mang “công an” ra để dọa người lớn ngay nơi công cộng. Phải chăng, ngày nay công an đáng sợ hơn ngày xưa hay sao?
Tôi suy nghĩ mãi trong lòng, nếu người khách say rượu, khiếm nhã trên là kẻ mạo danh công an, phải chăng hắn ta cũng cảm thấy cái “đáng sợ” của công an là có thật. Còn nếu là công an thật, phải chăng đã đến lúc cần phải lấy lại hình ảnh những người vì dân phục vụ chứ không phải là những người khoác áo công quyền, lợi dụng chức vụ mà Nhà nước giao phó để dọa nạt người dân.