Hai văn bản quy định về ghi tên trên sổ đỏ và các loại giấy tờ đi máy bay hồi cuối 2017 từng khiến dư luận “đứng ngồi không yên”. Trước dư luận và báo chí phản ánh, đơn vị chức năng Bộ Tư pháp đã nhanh chóng kiểm tra theo thẩm quyền.
Câu chuyện đầu tiên là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định khi cấp sổ đỏ, phải thể hiện thông tin họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những người trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Dư luận “sôi sục” vì quy định trên bị nhận định là sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính phức tạp.
Chưa kịp lắng xuống thì lại đến Thông tư 45/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về giấy tờ hành khách có thể xuất trình khi làm thủ tục đi máy bay nội địa. So với quy định cũ, Thông tư này “quên” đưa vào những loại giấy tờ như: Thẻ Đảng viên, thẻ Nhà báo, Giấy phép lái xe, Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.
Vào cuộc kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra) nhận định, quy định ghi tên thành viên hộ gia đình của Thông tư 33 là cần thiết, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất; giúp hạn chế khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định về sổ đỏ với hộ gia đình, Cục đã có ý kiến xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, trong đó cũng cần quan tâm việc truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội.
Đối với Thông tư 45, Cục Kiểm tra nhấn mạnh, việc loại bỏ một số giấy tờ (Thẻ Đảng viên, thẻ Nhà báo, Giấy phép lái xe…) nhưng lại chấp nhận những giấy tờ khác là chưa thống nhất về tiêu chí xác định các loại giấy tờ được chấp nhận, dẫn đến không công bằng và chưa hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng “phân trần”, quá trình soạn thảo Thông tư 45, Bộ này không có chủ trương sửa đổi quy định trên. Việc có thay đổi là do sai sót trong quá trình soạn thảo, ký ban hành Thông tư.
Cục Kiểm tra sau đó đề nghị Bộ GTVT ban hành Thông tư ngưng hiệu lực quy định này. Điều đó có nghĩa là sẽ tiếp tục áp dụng quy định cũ cho đến khi có quy định mới.
Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình trong số các văn bản bị phát hiện trái pháp luật năm 2017. Nhìn lại năm qua, thống kê của Bộ Tư pháp cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền hơn 27 nghìn văn bản, bước đầu phát hiện 1.005 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Đối với Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 4.462 văn bản, bước đầu phát hiện 134 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành. Việc xử lý các văn bản trái pháp luật đã được đôn đốc, thực hiện quyết liệt kịp thời hơn, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba chia sẻ: Việc phát hiện ra nhiều văn bản “có vấn đề” là kết quả, là niềm vui của đơn vị. Song đồng thời cũng là trăn trở của những người làm công tác pháp luật, làm sao để trong công tác xây dựng, ban hành văn bản sẽ không còn những văn bản sai, phải “tuýt còi”, phải xử lý.