Truy vết và ra mắt thần tốc
Trong 20 phút, hàng trăm triệu bản ghi dữ liệu được so sánh, đối chiếu để tìm ra các trường hợp tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm. Danh sách này sau đó được chuyển ngược về CDC (Trung tâm phòng chống dịch bệnh) Hải Dương để đội ngũ y tế địa phương tiến hành liên lạc, xác minh lại lịch sử tiếp xúc trước khi ra quyết định cách ly người tiếp xúc gần hoặc phong tỏa một khu vực.
Đó là quy trình truy vết cơ bản khi có một ca dương tính mới. Ở một số điểm nóng của dịch bệnh, như Đà Nẵng, Quảng Nam hồi tháng 8, chỉ 30 phút sau khi có kết quả truy vết, tổ Covid địa phương đã có thể tiếp cận đến tận nhà các trường hợp tiếp xúc gần để xác minh.
Anh Trần Việt Hải, Trưởng dự án Bluezone bật mí, BKAV triển khai chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần. Trước ngày ra mắt Bluezone (18/4) khoảng hơn 2 tuần, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có họp mặt các công ty công nghệ Việt Nam để bàn bạc về việc tiến hành nghiên cứu triển khai truy vết tiếp xúc bằng công nghệ bluetooh.
Thời điểm đó chỉ có 2 nước có công nghệ này, áp dụng để tiến hành truy vết tiếp xúc, khoanh vùng dập dịch. Và chính thức ngày 18/4 là ngày ra mắt ứng dụng và chúng tôi đặt tên là Bluezone.
Thực ra, từ tháng 1/2020 khi bắt đầu có dịch, BKAV đã lập các đội nghiên cứu dữ liệu và các giải pháp chống dịch Covid-19 rồi. Đội ngũ thực sự mang tinh thần thần tốc, làm sao hoàn thiện ứng dụng càng sớm càng tốt để bảo vệ cộng đồng.
Bluezone ban đầu có slogan “bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng”, phải thần tốc ra sản phẩm để mọi người đều có thể cài đặt. Với tư duy đó, đội ngũ làm việc gần như 24/24h trong suốt một tuần. Trước đó, các ứng dụng có nhiều lượt tải nhất ở Việt Nam đều của Mỹ, như Facebook, Instagram… Câu chuyện một ứng dụng Việt có thể vươn tầm sánh ngang họ như Bluezone, được xếp hạng vào top các ứng dụng của năm về lượng cài đặt và sử dụng thể hiện sức mạnh Việt Nam.
Việt Nam đang có hơn 28 triệu người cài ứng dụng Bluezone. Khi có bất kỳ ca dương tính với Covid-19 mới nào, dữ liệu được nhập ngay vào hệ thống. Đầu tiên ứng dụng xác định F0 này đã cài Bluezone chưa, điện thoại có mở Bluetooth không. Nếu ứng dụng đang hoạt động, hệ thống sẽ gửi thông báo yêu cầu truy vết và tiến hành lấy lịch sử tiếp xúc.
CDC địa phương sẽ dựa trên những thông tin này để liên lạc hoặc tìm đến tận nơi, xác minh lại lịch sử tiếp xúc trước khi chính thức kết luận danh sách F1, F2 hoặc F3. Chỉ khoảng 15 đến 20 phút là ứng dụng có thể lọc từ hàng chục triệu người dùng ra danh sách tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 đến 21 ngày. So với phương thức khai báo truyền thống, dù bệnh nhân trung thực cũng không thể nhớ hết những người mình đã gặp. Công nghệ khắc phục được hoàn toàn nhược điểm này.
Thực tế, khi điều tra truyền thống, nhiều người bị tâm lý hoặc cố tình che giấu thông tin, khai báo không đầy đủ. Thậm chí với khoảng 20% người dương tính từ chối hợp tác hoặc khai báo không trung thực, dữ liệu truy vết có thể phản biện lại lịch sử tiếp xúc, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho việc tìm kiếm người có nguy cơ lây nhiễm, khoanh vùng, dập dịch.
Tuy nhiên, công nghệ cũng có những hạn chế nhất định. Đầu tiên là ứng dụng chỉ phát huy tác dụng khi số đông cùng cài đặt. Kỹ sư của Bluezone lấy ví dụ trường hợp gần nhất, ca dương tính đầu tiên ở Hải Dương, Bluezone có hơn 26 triệu lượt tải về nhưng chỉ có khoảng 8 triệu thiết bị đang bật Bluetooth, hiệu quả truy vết cũng không triệt để.
Theo Võ Duy Khánh, kỹ sư phát triển Bluezone: “Một điều khá đặc biệt ở Việt Nam là các đợt dịch thường cách nhau 4 - 5 tháng, nhiều người chủ quan cho rằng đã hết dịch nên gỡ ứng dụng hoặc không bật Bluetooth. Khi dịch bùng phát, việc truy vết bằng ứng dụng không đạt hiệu quả tối đa”…
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ một cách triệt để, bằng nhiều mô hình khác nhau là một trong những lý do giúp Việt Nam có thể khoanh vùng, tìm kiếm người có nguy cơ lây nhiễm, phát đi cảnh báo và kiểm soát được các làn sóng Covid-19 trong suốt một năm qua.
Và “công bằng Vaccine”
Một năm đại dịch hoành hành, những công nghệ truy vết như Bluezone đã chứng minh được hiệu quả và được hơn 60 quốc gia trên thế giới áp dụng vào việc chống dịch. Những tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple cũng hợp tác để triển khai công nghệ tương tự, giúp thế giới chống chọi dịch bệnh trong khi chờ vaccine.
Hiện tại công nghệ truy vết của Việt Nam đang dùng mô hình tập trung dữ liệu, chỉ cơ quan chức năng mới có quyền truy cập, trích xuất thông tin để phục vụ chống dịch. Tất cả lịch sử truy cập này được lưu để hậu kiểm và vẫn đảm bảo tối đa quyền riêng tư của người dùng.
Theo kỹ sư Bluezone Trần Việt Hải, khi những liều vaccine bắt đầu được tiêm rộng rãi, công nghệ truy vết sẽ giúp những người chưa có điều kiện tiếp cận vaccine nhận được cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh để chủ động điều trị y tế. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn phân phối vaccine trên diện rộng trong tương lai. Ứng dụng Bluezone sẽ liên tục cập nhật thông tin, thông báo đến người dùng nếu phát hiện có một ca dương tính hoặc nghi nhiễm Covid-19 ở gần.
Không chỉ ngày đêm nghiên cứu, các chuyên gia bluezone luôn có mặt tại những điểm nóng về Covid-19 như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương. Anh Trần Việt Hải, người trực tiếp có mặt tại Đà Nẵng khi dịch bệnh bùng phát vẫn nhớ như in những ngày hè tháng 8, khắp phương tiện truyền thông đại chúng đều phát đi thông điệp, kêu gọi mọi người cài đặt ứng dụng truy vết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi người dân có smartphone đều phải cài Bluezone. Cũng trong tháng 8 đó, Bluezone đã cán mốc 20 triệu người dùng trong vòng ba tuần. Hiệu quả truy vết được chứng minh, ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam dần được kiểm soát và khống chế. Đi qua các vụ dịch, Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những quốc gia “thần kỳ” trong cuộc chiến với Covid-19.
Với anh Hải, phải sống trong tâm dịch, đến những vùng bị phong toả, chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đấy mới thấy dịch bệnh đúng là chiến tranh. Nếu buộc phải sống trong thời chiến, việc đầu tiên mỗi người cần làm là phải tự bảo vệ mình. Dịch bệnh như chiến tranh, công nghệ như vũ khí giúp chống chọi dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng.
Thực tế, Bluezone có được số lượng người dùng rất lớn và hiệu quả trong truy vết Covid-19 không phải do công nghệ mà do triển khai tốt, nhanh và nhận được sự cộng hưởng sức mạnh của cộng đồng: từ Chính phủ, các công ty viễn thông - công nghệ thông tin trong cùng ngành, sự hưởng ứng của người dân và cả các phương tiện truyền thông… đều chung tay.
“Khi mở mã nguồn, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến, không chỉ về vấn đề công nghệ mà còn là những vấn đề về tâm lý người dùng khi sử dụng sản phẩm như: Dùng Bluezone có ảnh hưởng đến tính riêng tư không, có bị tấn công hay không… Đây là những câu hỏi mà nhà phát triển không dễ để trả lời và cách đơn giản nhất là mở mã nguồn cho cộng đồng soi xét, đánh giá”, anh Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, lý giải về kết quả khó tin của ứng dụng truy vết Covid-19, Trưởng dự án Bluezone nhận xét: “Đó là nhờ có sức mạnh toàn dân chứ không phải của riêng đội ngũ BKAV”…
Báo Mỹ ca ngợi thành công của Việt Nam trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19
Trang tin Business Insider có trụ sở tại Mỹ đã ca ngợi những thành tựu ứng phó đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Trang tin viết, với dân số 97 triệu người, đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận chưa đến 2.500 ca Covid-19, 35 ca tử vong. Business Insider dẫn bảng đánh giá ngày 28/1 của Viện nghiên cứu Lowy (Australia) cho thấy, Việt Nam xếp thứ hai sau New Zealand về hiệu quả chống dịch, trong số 98 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các chuyên gia y tế cộng đồng chia sẻ với trang tin Insider rằng, những quốc gia ngăn chặn thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đều tuân thủ theo một công thức rất rõ ràng: Thông điệp tuyên truyền nhất quán, vận động người dân đeo khẩu trang và triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm truy vết nguồn lây. Và Việt Nam đã trở thành ví dụ điển hình cho sự hiệu quả đó.