Chuyện về chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập

(PLO) - 40 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhiều người vẫn chưa phai hình ảnh chiếc xe tăng của quân giải phóng dũng mãnh húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.
Đó là hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 của Đại hội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng 203 - Đơn vị chủ lực trong mũi tiến công thuộc Quân đoàn II…
Tôi lúc đó thuộc Ban Tuyên huấn của Bộ Tư lệnh Công binh và anh Trần Đốc - họa sĩ được cử đi theo Chiến dịch Hồ Chí Minh để ghi chép lại những hình ảnh lịch sử của đơn vị và các đơn vị hợp thành trong mũi chủ lực. 
Nhờ đó, suốt dọc đường hành quân theo các quân binh chủng, tôi và họa sĩ Trần  Đốc được tận mắt chứng kiến, ghi lại những hình ảnh của quân và dân ta chiến đấu, phục vụ chiến đấu cùng với hình ảnh quân địch chống trả, tháo chạy và kết thúc bằng giờ phút lịch sử diễn ra tại Dinh Độc Lập.
"Bên trong sân Dinh Độc Lập, Sài Gòn sáng 30/4/1975” - Ký họa của Trần Mạnh Tuấn tại thời khắc lịch sử
"Bên trong sân Dinh Độc Lập, Sài Gòn sáng 30/4/1975” - Ký họa của
Trần Mạnh Tuấn tại thời khắc lịch sử
Cụ thể, để tập trung sức mạnh, đánh tập trung, đánh lớn, Lữ đoàn tăng 203 được sáp nhập với Quân khu Trị Thiên. Ngày 17/5/1974, Bộ Quốc phòng thành lập Quân đoàn 2, trong đó có Lữ 203 tăng cường. Ngoài ra, còn có các Sư đoàn bộ binh 304, 324, 325, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn công binh 219, Trung đoàn thông tin 463. Mũi chủ lực là Lữ 203 gồm 2 Tiểu đoàn tăng T54 và T59. Đồng chí Nguyễn Tất Tài là Lữ trưởng, đồng chí Bùi Tùng là Chính ủy. 
Tháng 1/1975, đánh trận đầu tại Phước Long. Tháng 3/1975 tấn công Buôn Ma Thuột giải phóng Tây Nguyên, quân ngụy chạy tháo ra ven biển bị Lữ 203 chặn đánh, cắt đứt tuyến đường số 1, sau đó giải phóng Huế - Trị Thiên. 
Đêm 19/3, một đại đội xe tăng phối hợp với bộ binh đánh chiếm giải phóng quận Mai Lĩnh. Lúc này địch rút chạy ra Thuận An - Tư Hiền. Ngay lập tức Đại đội 4 xe tăng triển khai chặn đánh tiêu diệt toàn bộ xe tăng thiết giáp của địch. Lữ 203 tiến thẳng Đà Nẵng đánh căn cứ Non Nước. Hơn 3.000 lính ngụy đã đầu hàng khi thấy quân ta tiến như vũ bão. Hơn 100 xe tăng của Lữ 203 thẳng tiến Đà Nẵng. 
Đồng chí Hoàng Đan - Phó Quân đoàn trực tiếp ngồi trên xe tăng chỉ huy với mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút giải phóng miền Nam”. Lữ 203 tới Phan Rang, trên xe anh em thay nhau ăn nghỉ, liên tục hành quân vừa đi vừa chiến đấu. 
Ngày 16/4 giải phóng thị xã. Tướng Vĩnh Nghi cùng 2 chuẩn tướng ra hàng. Ngày 18/4 đánh Phan Thiết, tạo thế bao vây Sài Gòn, lúc này pháo lửa các đơn vị của ta trút như vũ bão xuống Long Thành - Vũng Tàu. Đại đội 5, Lữ 203 nhiều đồng chí hy sinh. 
Ngày 29/4, ta đánh thọc sâu Nước Trong. 5 giờ sáng 30/4, xe tăng ta vượt xa lộ Long Bình tiến thẳng thành phố Sài Gòn. Trên đường đi gặp nhiều tốp lính ngụy ngoan cố chống trả, nhiều phuy xăng chặn đường bốc cháy, nhiều xe tăng, thiết giáp ngụy vãi đạn chống cự, nhưng quân ta dũng cảm húc đổ chướng ngại, vượt qua khói lửa dữ dội, vừa đi vừa chiến đấu. Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ đã hy sinh ngay trên tháp pháo. Xe 843 bắn cháy 2 xe tăng địch, xe 390 bắn cháy 2 xe M113 ngay trên cầu Thị Nghè… 
Các anh chỉ biết hỏi đường người dân và “cứ tăng tốc chạy thẳng… ngoặt phải… tới Dinh. Dẫn đầu là chiếc tăng T54 số hiệu 843 do anh Lữ Văn Hỏa lái cùng với xe 390 do anh Nguyễn Văn Tập lái  tới Dinh Độc Lập đầu tiên và cánh cổng lớn của Dinh bị húc đổ. Nội các chế độ ngụy quyền đầu hàng vô điều kiện, lúc đó là 11h30 sáng 30/4/1975.
Sau này anh Tập kể lại: “Chiến công là chiến công chung của quân đội và dân tộc ta, mình vinh dự được lái xe đó. Lúc ấy thực sự chả biết sống chết ra sao, anh em bảo nhau: “Tiến” và tôi đạp ga húc mạnh làm cánh cổng lớn ấy từ từ đổ sập xuống. Bên cổng trái, xe anh Hỏa mang số 843 cũng húc vào cổng phụ, anh Thận - Đại đội trưởng nhảy xuống khỏi xe, tay cầm theo lá cờ đỏ sao vàng chạy thẳng vào trong Dinh cùng xe 390 của tôi”. 
Những người anh hùng có mặt trong thời khắc đó, trở về đời thường như bao người con đất Việt sau cuộc chiến.  Anh Nguyễn Văn Tập về làm Đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã Hoàng Diệu… Còn Lữ Văn Hỏa – người lái chiếc T54 số hiệu 843 trở về làm cán bộ Công ty Ăn uống TP.Phủ Lý, đã nghỉ hưu; vợ anh, chị Chu Minh Nguyệt là giáo viên Trường THCS Trần Phú cùng 2 con gái hiện đã có gia đình, cuộc sống ổn định. 
Tuy tóc đã bạc trắng, sức khỏe có yếu đi song anh luôn vui vẻ, ngày ngày bên  mảnh vườn nhà quây quần cùng con cháu. Anh nói: “Vinh dự có mặt trong giây phút lịch sử đó, nhưng tôi rất tiếc là giờ phút cuối cùng - phút vinh quang ấy vẫn phải chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh”.

Đọc thêm