Kế hoạch tuyệt mật giải phóng Huế

(PLO) - Ở tuổi 89, đại tá Huỳnh An (ngụ TP. Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn Phú Xuân) vẫn rất minh mẫn khi kể lại kế hoạch tuyệt mật giải phóng Huế - những ký ức hào hùng một thời hoa lửa.  
Kế hoạch tuyệt mật giải phóng Huế
Kế hoạch đặc biệt
Nói về hai cuộc hành quân tiến vào giải phóng TP. Huế và kéo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam trên Kỳ đài Huế (8h ngày 1/1/1968 và 6h30 ngày 26/3/1957) của trung đoàn Phú Xuân; năm tháng trôi qua, bao nhiêu điều đã cũ trong ký ức, nhưng những kỷ niệm về hai cuộc hành quân này vẫn vẹn nguyên trong trái tim vị đại tá.  
Đại tá An kể, cuộc hành quân năm 1968 để lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm nhất. Ngày đó, ông là Trung đoàn trưởng trung đoàn Phú Xuân, đóng quân tại một cánh rừng phía Tây huyện Hương Trà. Để chuẩn bị cho chiến dịch, điều mọi người lo lắng nhất là làm sao để hàng ngàn chiến sĩ của ta, từ rừng sâu băng qua các ngôi làng ở đồng bằng, tiến về Cố đô mà không bị lộ. 
Nhiều cuộc họp liên tục diễn ra, cuối cùng một kế hoạch tác chiến được hình thành. “Lúc đó, tôi chỉ lo lắng, hành quân trong đêm qua nhà dân, nếu chó sủa, hành tung của mọi người lộ mất. Không thể để mạng sống của các chiến sĩ bị uy hiếp, tôi ra lệnh phải tìm cách để tất cả chó trong các ngôi làng Trung đoàn hành quân qua, không thể cất tiếng sủa”, vị đại tá nhớ lại.
Trước cuộc hành quân một tuần, các chiến sĩ hậu cần mua hàng ngàn trứng vịt. Anh em huy động tất cả chảo to, chảo nhỏ, luộc chín, khoét 1 lổ trên quả trứng rồi nhét bả chó vào bên trong.
Sau đó phối hợp với đặc công địa phương, đồng loạt thuốc chó trong một đêm. Sáng hôm sau, người dân ngỡ ngàng khi thấy chó của nhiều ngôi làng đang khỏe mạnh bỗng lăn ra chết hàng loạt, không một con sống sót.
Quân địch thấy chuyện lạ, cũng hoang mang không kém. Tuy nhiên kế hoạch được thực hiện một cách kín kẽ nên địch không thể lần ra.  
Chiều 30 tháng Chạp năm 1968, trung đoàn Phú Xuân bắt đầu hành quân, đến 5h chiều đã có mặt ở cửa rừng. Trời bắt đầu nhá nhem, cả đội hình hơn 1.000 người như con rắn khổng lồ lặng lẽ trườn qua các cánh đồng, làng mạc, hướng về thành phố để tiếp cận mục tiêu. 
Hành quân đến bến Lợi, trung đoàn phải vượt sông để qua bên kia thành phố. “Tôi ra lệnh, ai biết lội thì lội. Ai không biết lội thì ở lại. Mọi động tác phải được thực hiện thật nhẹ nhàng, thận trọng. Phải im lặng tuyệt đối để trung đoàn vượt sông an toàn, tránh bị lộ”, đại tá An nhớ lại. 
Đêm đông rét cắt da cắt thịt. Các chiến sĩ nhanh chóng gói buộc trang phục, vũ khí gọn gàng để vượt sông. 
“Sông không rộng, nước chảy không nhiều, nhưng khi ra đến giữa sông, vì trời lạnh, hai chiến sĩ bị chuột rút. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, cả hai chiến sĩ để mình chìm dần xuống đáy sông, không một tiếng quẫy đạp, không một tiếng kêu”, giọng vị chỉ huy chợt khản đặc, đôi mắt xa xăm đượm buồn.
Do không thuộc địa hình, trận chiến lại diễn ra ban đêm nên mới có chuyện dở khóc dở cười vì đánh nhầm mục tiêu. Đại tá Nguyễn An nhớ lại, lúc đó đại đội 4 nhận lệnh đánh chiếm Đại Nội và cột cờ Phu Văn Lâu. 
Không may trên đường tấn công, chiến sĩ dẫn đường hy sinh, quân ta bắt được một tên lính thuộc đại đội quân cụ của địch, buộc tên này dẫn đường đến Đại Nội. 
“Do tên lính không nghe rõ giọng miền Bắc, nên khi quân ta ra lệnh dẫn đường đến Đại Nội, tên lính lại dẫn về Đại đội của hắn. Trong quá trình giao tranh, một tên lính bị bắt cho biết, “các ông đánh nhầm mục tiêu rồi, đây không phải là Đại Nội”. Toàn đại đội mới ngã ngửa, lần mò tiếp đường đến mục tiêu”, đại tá An kể.
Đại tá Huỳnh An
 Đại tá Huỳnh An
Trận chiến thảm khốc 18 chọi 1000
Đại tá Nguyễn An cho biết, trung đoàn của ông đã hai lần hoàn thành nhiệm vụ giải phóng TP. Huế. Năm 1968, quân ta chiếm giữ thành phố được 25 ngày đêm, sau đó quân địch tái chiếm. Suốt những ngày đêm chiến đấu, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh. 
Nhưng có lẽ sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ Nguyễn Văn Phúng (quê Hải Phòng) khiến ông khắc ghi mãi.
Sau khi quân ta chiếm được thành phố, địch phản công. Mỹ huy động mọi phương tiện và vũ khí hiện đại nhất tiến hành phản công, tái chiếm lại thành phố. 
Hàng ngàn quân địch đổ bộ qua cửa Đông Ba. Tiểu đoàn 2 do đồng chí Phúng làm tiểu đoàn trưởng chỉ còn lại 18 chiến sĩ. Trước lực lượng hùng hậu của quân địch, đồng chí Phúng vẫn quyết tâm bằng mọi cách chặn đứng cuộc hành quân của địch nhằm kéo dài thời gian để quân ta rút lui. 
Anh dõng dạc hô to: “Ai Đảng viên, theo tôi. Ai là quần chúng, cũng theo tôi”. Sau đó vị tiểu đoàn trưởng ôm súng lao thẳng về phía quân thù nã đạn, 18 chiến sĩ của tiểu đoàn cũng đồng loạt xung phong, tiến lên đánh chặn, giữ chân hơn một ngàn tên địch suốt hai giờ liền.
“Tiểu đoàn trưởng Phúng và 18 chiến sĩ hôm ấy đều hy sinh. Họ chính là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, vị đại tá bồi hồi nhớ lại.
Trong cuộc hành quân tiến về giải phóng Huế lần hai vào năm 1975, trước khí thế tấn công như chẻ tre của quân ta, quân địch đã hoàn toàn rệu rã, cuống cuồng tháo chạy.
“Lúc chúng tôi hành quân qua sân bay Tây Lộc, có một bà mẹ và hai cô con gái chạy ra, mang theo rất nhiều thuốc lá, dúi vào tay chúng tôi. Để chúng tôi mang thuốc lên rừng hút cho đỡ thèm. Họ sợ chúng không ở lại được. Tôi nói, “mạ yên tâm, lần này chúng con nhất định sẽ ở lại thành phố”. Và chúng tôi đã làm được”, ông An xúc động. 
6h30 ngày 26/3/1975, cờ Mặt trận giải phóng đã bay phất phới trên Kỳ Đài – Ngọ Môn, báo hiệu Huế hoàn toàn giải phóng, mở đầu cho Đại thắng Mùa Xuân năm 75. 
“Chính đại đội 3 của tiểu đoàn 1, thuộc trung đoàn 6 Phú Xuân, đã cắm cờ trên Kỳ đài. Đây cũng chính là đại đội đã cắm cờ vào 8h sáng ngày 1/1/1968. Cả hai lần tiến về giải phóng thành phố, tôi đều chọn đại đội này thực hiện nhiệm vụ cắm cờ.
Đây là đại đội thiện chiến nhất. Đánh giao thông, đánh phục kích đều rất tốt, đánh chủ công rất khôn khéo và ít thương vong. Cả hai lần, đại đội 3 đều xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ”, nụ cười nở trên môi ông.
Trời đã quá trưa, nhìn khoảng nắng vàng rực trước sân, đôi mắt vị đại tá bất giác đượm buồn. Hẳn ông đang nghĩ đến những đồng chí, đồng đội của mình đã nằm xuống. Họ đã hoà tan trong nắng, trong gió, trong đất mẹ, để ánh nắng hôm nay thêm rực rỡ, để dòng sông Hương kia mãi mãi in một màu xanh yên bình.

Đọc thêm