Ngành quảng cáo từ xưa đến nay
Theo Hiệp hội Quảng cáo Thế giới, quảng cáo xuất hiện từ lúc có nền báo chí phát triển vào khoảng thế kỷ 17, trở thành một công cụ quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đối với nền kinh tế quảng cáo góp phần thúc đẩy sản xuất tiêu dùng. Quảng cáo in ấn chỉ thật sự bắt đầu phát triển khi máy in được phát minh. Sử dụng công nghệ mới này, mọi người có thể quảng cáo bất cứ thứ gì và cho phép mọi người phổ biến và truyền bá đi thông điệp của họ.
Đến thế kỷ 19, khi quảng cáo in ấn đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới, các doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến cách thu hút sự chú ý của nhiều người hơn, và đó là lý do ra đời của bảng quảng cáo. Tấm biển quảng cáo đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1835 tại New York của một rạp xiếc. Theo thời gian, từ tấm biển quảng cáo ngoài trời được làm từ giấy in ấn giờ đây đã trở nên to hơn, kết hợp nhiều công nghệ, hiệu ứng thiết kế độc đáo hơn hay thậm chí là những tấm biển “động”. Đó là khi công nghệ biển 3D, biển quảng cáo tạo ra mùi hương, biển quảng cáo bốc khói, biển quảng cáo nhấp nháy, màn hình led chiếu TVC chuyển động,… ra đời.
Tiếp đó là những cú mốc lịch sử của ngành quảng cáo khi dần xuất hiện quảng cáo âm thanh, quảng cáo truyền hình và rồi là sự ra đời của quảng cáo kỹ thuật số - quảng cáo gắn bó mật thiết với kỷ nguyên Internet. Vào năm 1990, World Wide Web xuất hiện đã dẫn tới cuộc cách mạng rộng lớn nhất trong ngành quảng cáo thời bấy giờ. Các dạng quảng cáo trên Internet bắt đầu hình thành như: quảng cáo email, quảng cáo pop-up, banner quảng cáo tương tác, tiếp thị qua email,… Và rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi một lần nữa vào cuối những năm 2000 với sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội và tiếp thị di động. Cứ thế quảng cáo thông qua hình ảnh hoặc truyền tải bằng các thông điệp ngày càng được lan rộng, phát triển mạnh mẽ và được thừa nhận như một ngành nghề chính thống, đóng vai trò là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế.
Cho đến nay, ở thế kỷ 21, quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD, có mặt ở khắp nơi và dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ TV, báo đài, Internet, đường xá, xe cộ, các toà nhà,… cho đến từng ngóc ngách của cuộc sống con người đều có sự xuất hiện của quảng cáo.
Theo báo cáo mới nhất của Dentsu trong “Dự báo Chi tiêu Quảng cáo Toàn cầu”, chi tiêu quảng cáo toàn cầu sẽ tăng 33 tỷ USD trong năm 2024 và đạt mốc 752,8 tỷ USD. So với năm 2023 thì tốc độ tăng trưởng của năm 2024 là 4,6%, cao hơn so với năm 2023 (tốc độ tăng trưởng là 2,7% so với năm 2022).
Trong đó, quảng cáo kỹ thuật số dự kiến tiếp tục dẫn đầu khi liên tục tăng trưởng mạnh, dự báo đạt được 442,6 tỷ USD, chiếm 58,8% tổng chi tiêu quảng cáo trên toàn cầu. Dù đã có dấu hiệu phát triển chậm lại từ năm 2023 nhưng nhìn chung, kỹ thuật số vẫn là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu quảng cáo toàn cầu, mà còn dự kiến sẽ thu hút thêm khoản đầu tư khổng lồ, với tổng cộng thêm 27,1 tỷ USD được chi tiêu vào năm tới.
Văn hóa truyền thống len lỏi vào trong các chiến dịch quảng cáo Tết tại Việt Nam. (Ảnh: rgb.vn) |
Bên cạnh đó, quảng cáo kênh truyền hình sau hai năm liên tiếp giảm chi tiêu, dự báo mức tăng trưởng sẽ khôi phục 2,9%, chiếm 23,0% tổng chi tiêu quảng cáo vào năm 2024. Nổi bật hơn, truyền hình kết nối dự kiến sẽ trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng lên tới 30,8%, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của năm 2023, nhờ sự ra mắt và cải tiến dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng video lớn. Các kênh truyền thông khác cũng dự kiến sẽ chiếm một phần đáng kể trong tổng chi tiêu quảng cáo, với 18,2% vào năm 2024. Mỗi kênh đều sẽ có sự tăng trưởng: rạp chiếu phim tăng 6,4%, quảng cáo ngoài trời tăng 4,4%, và quảng cáo âm thanh tăng 1,1%. Chỉ riêng ngành quảng cáo in ấn lại đối mặt với sự thu hẹp, giảm 3,3%.
Có thể thấy, cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế, quảng cáo đang phải đối mặt với nhiều thách thức giả dụ như lạm phát giá truyền thông. Tuy nhiên, song hành cùng thách thức ấy cũng chính là cơ hội, giữa cơn bão thị trường cạnh tranh gay gắt và khốc liệt, dù là một cá nhân kinh doanh, một doanh nghiệp nhỏ, công ty, liên doanh, tập đoàn,.. đều tìm đến quảng cáo để phủ rộng thương hiệu và giúp các sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với khách hàng tiềm năng. Chính điều đó đã giúp ngành quảng cáo tiếp tục thu lợi nhuận khủng và trụ vững trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Quảng cáo và nhiều hơn thế
Nếu đặt ra một câu hỏi khi nhìn vào quảng cáo người xem sẽ thấy điều gì, có lẽ câu trả lời sẽ là hình ảnh ấn tượng, một câu slogan độc đáo, nội dung gây ấn tượng hay là những người nổi tiếng,… Câu trả lời là người xem có thể thấy tất cả những thứ đó và nhiều hơn thế. Nhìn vào quảng cáo tại các quốc gia có thể thấy được thị hiếu người xem, giá trị quan, văn hoá và cả nền kinh tế của quốc gia đó.
Nhắc đến nền thể thao nước Mỹ, chắc chắn phải nhắc đến bộ môn bóng bầu dục với sự kiện thể thao với quy mô đình đám nhất nước Mỹ - Super Bowl (Siêu cúp bóng bầu dục). Là bữa tiệc lớn nhất và đầy tốn kém của nước Mỹ, giải đấu này chiếm 30 trong số 32 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trong lịch sử xứ cờ hoa và có 100 triệu người theo dõi trên NBC. Đây chính là nơi khiến các doanh nghiệp và nhãn hàng mong muốn được quảng cáo.
Đương nhiên, để có suất trong chương trình này, cái giá phải trả vô cùng khó tin: 7 triệu USD cho 30 giây lên sóng - tương đương hơn 165 tỷ đồng. Với số tiền khổng lồ như vậy có lẽ chỉ có những ông lớn hiện tại trong nền kinh tế nước Mỹ mới dám chịu chi để bước vào cuộc chơi nói trên. Vào đầu năm 2022 khi Super Bowl diễn ra vẫn còn có sự xuất hiện của các công ty tiền điện tử, tiền số trên quảng cáo thì vào năm 2023 khi tiền số xuống đà lao dốc mạnh đã hoàn toàn vắng bóng. Năm đó, quảng cáo Super Bowl trở lại với những cái tên người thật việc thật như nhãn hàng nước giải khát, đồ uống có cồn, hãng phim, nền tảng trực tuyến, nhà sản xuất ô tô,… đều là những ngành đang lên ngôi trong nền kinh tế.
Tương tự, tùy từng điều kiện về thể chế kinh tế và đặc điểm nền kinh tế thị trường mà chi tiêu cho ngành quảng cáo sẽ khác nhau ở các quốc gia. Phân tích của Dentsu cho thấy vào năm 2024, chi tiêu quảng cáo dự kiến sẽ đại diện cho trung bình 0,75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia được theo dõi. Con số này phù hợp với chỉ số chi tiêu quảng cáo/GDP hằng năm trung bình được quan sát trong 20 năm qua (0,70%). Trong đó, một số thị trường có chi tiêu quảng cáo chiếm tỷ lệ cao hơn so với GDP quốc gia và so với mức trung bình, cụ thể, ở Nhật Bản, chi tiêu quảng cáo chiếm 1,26% GDP; ở Vương quốc Anh là 1,23%; và ở Mỹ là 1,13%.
Bảng quảng cáo ngoài trời - bước tiến vô cùng to lớn của ngành công nghiệp quảng cáo. (Ảnh: uniquevietnam.vn) |
Bên cạnh kinh tế, văn hoá của mỗi quốc gia cũng có tác động không nhỏ vào các chiến dịch quảng cáo. Thực tế cho thấy, các chiến dịch quảng cáo áp dụng đồng nhất ở cả trong nước và nước ngoài hầu hết đều không hiệu quả, thậm chí đem lại những kết quả đi ngược lại với mong đợi. Trong khi đó, những quảng cáo cho từng khu vực, mang đậm nét văn hoá của mỗi quốc gia lại được đón nhận nhiệt tình.
Như tại Việt Nam, văn hoá truyền thống len lỏi vào trong các chiến dịch quảng cáo Tết và để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả nước nhà. Hình ảnh bàn thờ, mâm cơm Tất niên, lì xì đỏ, cành đào, cây mai,… đều là những hình ảnh năm nào cũng có nhưng vẫn mang lại hiệu quả to lớn. Bởi đó là những đại diện tiêu biểu, quan trọng và thiêng liêng cho văn hoá Tết của người Việt.
Nhật Bản, một đất nước có nhiều nét văn hoá đặc sắc và tinh thần dân tộc cao, tất nhiên trong quảng cáo của họ không thể thiếu những yếu tố trên. Phong cảnh, chữ viết, trang phục dân tộc, mối quan hệ bề trên bề dưới, lễ hội truyền thống,… là những điều dễ thấy trong quảng cáo tại quốc gia này. Có thể thấy, không chỉ tại Việt Nam hay Nhật Bản, hầu hết ngành quảng cáo tại mỗi quốc gia đều lấy văn hoá truyền thống làm cốt lõi trong các chiến dịch nhằm tối ưu hoá sức mạnh của quảng cáo và lan toả mạnh mẽ đến người dân.