Phượt thủ già nhất thế giới
Nhắc đến đi “phượt”, chúng ta thường gán ngay hoạt động này là đặc trưng của những người trẻ tuổi và một số người trung niên có tính cách phiêu lưu, thích khám phá đó đây. Nhận định này có thể đúng với phần lớn trường hợp nhưng không phải đối với ngoại lệ. Vị trí “phượt thủ” già nhất thế giới vẫn miệt mài đi du lịch gọi tên một cựu chiến binh thế chiến thứ II.
Đến từ “xứ sở chuột túi”, Keith Wright bắt đầu chuyến du lịch của riêng mình sau khi vợ ông qua đời vào năm 2002, khi ấy ông đã 85 tuổi. Đầu tiên là chuyến đi 4 ngày trên xe buýt đến Gallipoli (Thổ Nhĩ Kỳ) để tham gia Ngày ANZAC (25/4) - Ngày đánh dấu kỉ niệm của hành động quân sự lớn đầu tiên của quân lực Úc và New Zealand trong suốt Thế chiến I. Kể từ sau đó, ông đã sử dụng đồng tiền hưu trí của mình để đi du lịch ra nước ngoài hàng năm.
Cũng như những “phượt thủ” khác, luôn chỉ có ví tiền “eo hẹp”, Keith Wright tiết kiệm từng xu từng hào trong các chuyến đi của mình, như chọn ở tại những nhà trọ rẻ tiền và khách sạn 2 sao, ưu tiên đi bộ và phương tiện công cộng (nếu có thể) thay vì những phương tiện đắt tiền hơn…
Sau 10 năm du hành, có lẽ ông đã “thực sự nghỉ hưu” ở độ tuổi 95 sau khi đã để lại “dấu chân” lên khoảng 23 quốc gia và 109 thành phố. Dù vậy, vẫn có nhiều người tin rằng Keith Wright chỉ “nghỉ hưu” đối với những chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà thôi.
Wright đến Victoria (một tiểu bang của Úc) hàng năm để xem Giải đua ngựa Melbourn Cup nhưng địa điểm yêu thích nhất của ông trên thế giới là thành phố San Sebastian của Tây Ban Nha. Ông yêu mến thành phố biển này bởi lối sống thoải mái, không xô bồ vội vã với một bãi biển tuyệt đẹp và an toàn cho các hoạt động vui chơi, lướt sóng.
Thời điểm cuối cùng của cuộc hành trình vòng quanh thế giới năm 2012, Keith Wright đã chia sẻ với tạp chí TNT như thế này: “Mọi người nên đi du lịch và hãy làm điều đó một cách độc lập như điều tôi đang làm. Tôi tin mình có thể tự xử lý các tình huống khó trong chuyến đi của mình tốt hơn nhiều người trẻ tuổi mà tôi đã gặp tại các nhà trọ”. Vị “phượt thủ” đến từ Úc còn khẳng định chỉ dừng đi du lịch cho đến khi “quá già”.
Ông Keith Wright |
“Người đeo ba lô già nhất thế giới”
Ít ai biết rằng, trước khi biết đến Keith Wright, người du khách được nhận định là “người đeo ba lô già nhất thế giới” tên là John Waite, cũng đến từ Melbourne của “xứ sở chuột túi”. Ông vẫn đi du lịch ở độ tuổi 89.
Trong bài viết “The world’s oldest backpacker”, của nhà báo tự do người Úc Michael Turtle đã viết rằng: “Có một điều gì đó khác biệt từ John Waite ngay lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông ấy. Chúng tôi ở một nhà nghỉ dành cho giới trẻ, ở khu vực chung có rất nhiều khách du lịch ba lô, họ trò chuyện, uống rượu, chơi guitar và làm bất cứ những điều mà du khách vẫn thường làm vào một buổi chiều rảnh rỗi để giết thời gian. John đang tham gia cùng mọi người nhưng ông không giống với bất cứ ai ở đó: Không phải khí chất bốc đồng thường thấy ở những du khách trẻ tuổi, cũng không phải sự bất an, lạc lõng như ở một số du khách khác”.
Tất nhiên, đằng sau là một câu chuyện có thể khiến bất cứ “phượt thủ” nào phải “ngả mũ cúi chào”. Vợ của John Waite qua đời vào năm 1982, cũng là thời điểm ông quyết định “đóng gói toàn bộ tài sản của mình” cho một chuyến hành trình cuối đời.
Ấy vậy, 30 năm sau đó, ông vẫn tiếp tục du lịch và được coi là một “cư dân đường phố thực thụ”. Ông du lịch trên chiếc xe máy giá rẻ, sống trong những nhà trọ rẻ tiền cùng những người du khách trẻ tuổi, ông từng ở một phòng kí túc xá ở Trung Quốc với khoảng 40 người khác, chiếc ba lô của ông thường chỉ nặng khoảng 5kg với một vài bộ quần áo cơ bản…
Dù cách biệt đến hàng chục thế hệ, John vẫn có cách hoà nhập và nói chuyện với những người khác. John Waite kể lại: “Tôi nhớ có lần bước vào một nhà nghỉ ở Dubai, người phụ nữ tại quầy lễ tân đã nhắc tôi đây là nhà trọ dành cho người trẻ và họ rất ồn ào. Tôi đã trả lời rằng tốt lắm, nếu tôi không thể ngủ được thì cô có lẽ sẽ tìm thấy tôi đang ồn ào cùng với các bạn trẻ ấy chứ”.
Là người Úc gốc Anh, John Waite cũng là một cựu chiến binh nhưng ông không thích nói chuyện về chiến tranh, ông thích nói chuyện với mọi người về nhiều vấn đề khác nhau. Ông luôn có một nguồn cảm xúc to lớn về việc “đi và đi”, khiến người khác cũng cảm thấy phấn khích theo, tuyển tập những câu chuyện phiêu lưu của ông cũng có thể gây ấn tượng với bất kì du khách nào: lúc 75 tuổi, ông đã đi trekking với các nhà sư trên núi tuyết ở Pakistan, cộng tác với cơ quan Liên Hợp quốc ở Sudan, đã sống ở Ấn Độ, được gặp Đức Đạt La Lạt Ma và Mẹ Tê-rê-sa….
Trong suốt 30 năm hành trình, John Waite đã gặp nhiều loại nguy hiểm, đi qua những vùng có xung đột vũ trang, nhưng điều đó không làm ông chùn bước. John Waite chia sẻ ông không tìm đến những rắc rối nhưng muốn chứng kiến và trải nghiệm thế giới này vào những năm cuối đời. Theo ông, đó mới là “sự tự do - bạn có thể đi đến bất kỳ nơi nào, bất cứ khi nào bạn muốn”. Những quốc gia yêu thích của ông là Mỹ, Đan Mạch, Na Uy và Đức.
Năm 2012, đã có một số tờ báo, blog ghi nhận sự gặp gỡ với John Waite nhưng đến nay hầu như không tìm thêm được thông tin về những cuộc hội ngộ, những chuyến đi khác của ông. Có lẽ ông đã thực sự “dừng bước” hoặc có lẽ ông vẫn là một du khách “thầm lặng” ở đâu đó trên thế giới này.
Khi tuổi già chầm chậm lao tới nhưng… đó không phải là tất cả
Hầu hết trong mọi xã hội, người cao tuổi đều được ưu tiên, ví như được ưu tiên trên các phương tiện công cộng, được ưu tiên khi xếp hàng làm thủ tục xuất nhập cảnh, được ưu tiên các phòng nghỉ ở tầng thấp tiện cho việc di chuyển… Nói đến đây, tôi lại nhớ đến một du khách cao niên khác – đó là một câu chuyện du lịch cũng không kém phần độc đáo. Du lịch bằng phương tiện giao thông công cộng có thể là một hình thức khá phổ biến với giới trẻ để tiết kiệm chi phí.
Nhưng Saburo Shochi chính là một ngoại lệ, ông đã đưa du lịch bằng phương tiện công cộng lên một tầm cao mới. Saburo – một giảng viên tại Đại học Fukuoka đã giữ kỷ lục thế giới Guinness cho người già nhất đi vòng quanh thế giới chỉ bằng phương tiện giao thông công cộng. Ở độ tuổi 109, ông đã đi du lịch trên các phương tiện công cộng với tổng chặng đường lên tới 35.232 dặm, qua 6 quốc gia khác nhau. Khi đọc các câu chuyện về Saburo Shochi, có lẽ khó có ai có thể lấy lý do tuổi tác để nguỵ biện cho việc không thể đi du lịch.
Cụ ông Saburo Shochi vòng quanh thế giới bằng phương tiện công cộng. |
Đa phần những người có độ tuổi lớn từ trên 50 đều ngại đi du lịch nước ngoài vì trở ngại ngôn ngữ hay sức khỏe không đủ để di chuyển nhiều theo các đoàn tour ghép. Du lịch luôn là hành trình thú vị và bổ ích đối với tất cả mọi người. Người cao tuổi cũng vậy, đó là cách tốt nhất nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, và giúp họ thêm yêu cuộc sống hơn. Với những cải tiến trong ngành du lịch và sự dễ dàng của bảo hiểm du lịch cho khách du lịch lớn tuổi, thế giới dường như “bé lại” và dễ tiếp cận hơn.
Các sân bay, công ty du lịch và khu nghỉ dưỡng đều đang có những cải thiện để phù hợp hơn với du khách cao tuổi hoặc những người có khả năng di chuyển hạn chế. Hình thức du lịch chậm dành cho người cao tuổi nở rộ trong những năm gần đây như một giải pháp hoàn hảo để du khách cao niên thăm thú đó đây và khám phá cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ của các vùng miền.
Sự phát triển của dòng sản phẩm du lịch chậm dành cho người cao tuổi cùng những ưu đãi, dịch vụ phù hợp với nghề nghiệp, độ tuổi, điều kiện kinh tế… của du khách đang là hướng đi hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời, với ý nghĩa nhân văn cao cả, du lịch dành cho người cao tuổi luôn hướng đến mục tiêu phục vụ cả về thể chất lẫn tinh thần để sống vui, sống khỏe và sống có ích cho gia đình và xã hội.
Chùm tour dành cho người cao tuổi ở Việt Nam
Ở Việt Nam, sau Covid-19, có rất nhiều lựa chọn về điểm đến dành cho du khách cao tuổi, trong đó phải kể đến như xu hướng về với biển Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng hay khám phá các vùng cao nguyên Bà Nà, Đà Lạt, Tây Bắc... Nhiều tour trong dòng sản phẩm này cũng được các công ty du lịch đầu tư kết hợp tham quan với chữa bệnh, phục hồi và nâng cao sức khỏe như tắm suối nước nóng ở Kim Bôi, tắm bùn ở Nha Trang, suối khoáng nóng, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, Côn Đảo, Đà Nẵng… Ngoài ra, các điểm đến văn hóa tâm linh cũng được người cao tuổi chọn nhiều là Bắc Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên - Huế…
Một số công ty lữ hành lớn đã tổ chức những chùm tour người cao tuổi từ rất sớm, bao gồm những hành trình du lịch trong nước được thiết kế dành riêng cho khách hàng người cao tuổi khám phá danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận, mặc dù nhu cầu đi du lịch của người cao tuổi đang tăng nhanh, không chỉ với riêng loại hình du lịch nghỉ dưỡng; nhưng có rất ít các công ty lâu năm phát hành tour du lịch có thể đáp ứng hết các nhu cầu thiết yếu cho người cao tuổi.
Một đặc trưng của tour người cao tuổi là tốc độ du lịch chậm; do vậy, có thể không hợp ghép tour với người trẻ tuổi hoặc những chương trình tour quá nhiều hoạt động. Phần lớn khách hàng cao tuổi cho biết, việc chọn lựa công ty uy tín được cân nhắc rất kỹ bởi gia đình và con cái trong nhà. Mặc dù quỹ thời gian của người cao tuổi khá nhiều để đu lịch nhưng họ cũng không muốn lãng phí quãng thời gian đó để trải nghiệm những điều đẹp đẽ của cuộc sống, của đất nước cũng để lưu lại những kỷ niệm, niềm vui sau gần một cuộc đời của học tập, công việc, nuôi dạy con cái…