Chuyện về những tay đạo chích… “điên rồ”

(PLVN) - Cuối tháng 3/2020, một bức tranh của Van Gogh tại bảo tàng Singer Laren, trung tâm thị trấn Laren, Hà Lan, bị đánh cắp khi nơi này đóng cửa do Covid-19 bùng phát. Cảnh sát vẫn đang truy tìm dấu vết của kẻ trộm. Khó khăn là mọi người đều ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, nên không có nhiều nhân chứng…

Đạo chích tranh dễ như… lấy kẹo

Vincent Willem Van Gogh (1853 -1890) là một họa sĩ người Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng (Post-Impressionism). Nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và tất nhiên, đắt nhất trên thế giới. Ông có ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật hiện đại …

Van Gogh trở thành họa sĩ vào năm 27 tuổi. Trước đó, ông từng làm việc cho một công ty bán tranh, sau đó là giáo viên và nhà truyền giáo tại một vùng mỏ. Thời gian đầu đến với nghệ thuật, ông thường xuyên sử dụng các gam màu tối. Sau một thời gian tiếp xúc với trường phái ấn tượng và tân ấn tượng , ông bắt đầu thay đổi phong cách vẽ của mình.

Kể từ đó, Van Gogh thích kết hợp những gam màu tươi sáng của hai trường phái này để sáng tác nên các bức tranh mang đậm phong cách độc đáo của riêng mình. Chỉ trong 10 năm cuối đời, họa sĩ này đã sáng tác hơn 2.000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc phác thảo.

Sinh thời, Van Gogh không được coi là một người thành công. Ông bị người đời cho là một kẻ điên và thất bại. Chỉ sau khi tự tử, ông mới thật sự nổi tiếng. Công chúng nhớ đến Van Gogh với hình ảnh một nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh. Lâm vào khủng hoảng sau khi tình bạn với họa sĩ Paul Gauguin tan vỡ cộng với việc phải chịu đựng hàng loạt cơn suy nhược thần kinh khác, ông đã tự kết liễu đời mình bằng một khẩu súng lục trên một cánh đồng hoa hướng dương…

Trở lại bức tranh bị đánh cắp mới đây nhất, theo cảnh sát và truyền thông Hà Lan, vụ trộm xảy ra vào khoảng 3h15 sáng ngày 30/3 và kẻ trộm đã phá cửa kính phía trước của bảo tàng để xâm nhập. Bức tranh Lentetuin được danh họa Van Gogh vẽ năm 1884, nằm trong số bộ tranh ông sáng tác trong thời gian ở nhà cha mình. Bức tranh được định giá 1 - 6 triệu euro. Ngoài bức tranh này, bảo tàng Singer Laren cũng đang trưng bày hơn 3.000 tác phẩm nghệ thuật khác, trước khi phải đóng cửa mới đây vì dịch Covid-19.

Dư luận ngay lập tức đổ dồn về Durham. Nhưng siêu đạo chích một thời chỉ nhún vai nói: “Tôi giải nghệ rồi!”. Trước đó, Durham đã trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu phát sóng trên truyền hình Hà Lan. 18 năm trước, vào một đêm tháng 12/2002, Octave Durham, hiện nay đã 47 tuổi, cùng đồng phạm Henk Bieslijn trèo lên mái nhà của bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam bằng một chiếc thang.

Durham - tên trộm tranh Van Goc chỉ mất 4 phút 30 giây đã… giải nghệ.
Durham - tên trộm tranh Van Goc chỉ mất 4 phút 30 giây đã… giải nghệ. 

Sau khi đập vỡ cửa sổ bằng búa tạ, họ lấy đi hai kiệt tác View of the Sea at Scheveningen (Cảnh biển ở Scheveningen) và Congregation Leaving the Reformed Church in Nuenen (Đoàn truyền giáo rời nhà thờ ở Nuenen). Đó là những bức tranh nhỏ nhất và gần tầm với của hai tên trộm nhất. Một bảo vệ đã phát hiện ra Durham nhưng không được phép sử dụng vũ lực để ngăn chặn, nên hai tên trộm tẩu thoát thành công. Tuy vậy, Durham làm rơi chiếc mũ, bên trong có dính 10 sợi tóc của mình. Đây là bằng chứng tố cáo hắn, sau khi cảnh sát mang đi xét nghiệm ADN.

Trong bộ phim tài liệu phát sóng ở Hà Lan năm 2018, Durham đã miêu tả cuộc đột kích lấy tranh của mình 16 năm về trước chỉ mất khoảng 3 phút 40 giây. Lý do Durham chọn bảo tàng Van Gogh vì tin rằng phi vụ có thể thành công trót lọt. “Khi tôi “chôm” xong hai bức tranh, cảnh sát có mặt ở đó, tôi bỏ trốn rất nhanh trên một chiếc xe hơi. Tôi còn dám tháo mặt nạ trượt tuyết ra, hạ cửa sổ xe hơi xuống và nhìn thẳng vào mặt họ. Tôi có thể nghe rõ điều họ bàn tán nhưng họ không hề biết đó là tôi”. “Có người sinh ra để làm giáo viên, có người trở thành cầu thủ bóng đá. Tôi được sinh ra để làm đạo chích”, Durham nói.

Khi lấy trộm tranh thành công, Durham bán cho một nhân vật khét tiếng không kém mình trong thế giới ngầm, Cor van Hout, kẻ bị kết án năm 1983 trong vụ án bắt cóc ông trùm bia nổi tiếng Alfred Heineken. Nhưng ông trùm mafia này đã bị giết vào ngày định giao dịch với Durham. Sau đó, tên trộm bán hai bức tranh cho một trùm mafia khác, Raffaele Imperiale với giá gần 400.000 USD vào tháng 3/2003. Trong khi đó, các bức tranh phong cảnh của danh họa này thường có giá 10 - 70 triệu USD… 

Và hai tên trộm chơi sạch túi trong khoảng 6 tuần bằng cách mua xe máy, xe hơi Mercedes E320, quần áo, nữ trang cho bạn gái, du lịch tới New York... Durham trốn sang Tây Ban Nha, rồi bị cảnh sát nước này bắt giữ tại Marbella, một thị trấn nghỉ dưỡng ở miền nam, vào tháng 12-2003. 

Durham ra tù năm 2006, nhưng vẫn còn nợ 350.000 euro tiền phạt, và nay đã trả được 60.000 euro. Năm 2015, Durham gặp nhà làm phim tài liệu Vincent Verweij thông qua một người bạn. Durham trình bày với Verweij rằng, muốn giúp tìm lại hai bức tranh để không còn nợ nần gì với viện bảo tàng và hoàn lương vĩnh viễn. Đến lúc này, Durham vẫn cứ cho rằng mình vô tội.

Không lâu sau đó, Raffaele Imperiale chủ động viết thư gửi các công tố viên ở Naples, Italy về việc mình sở hữu hai bức tranh quý đến từ bảo tàng Van Gogh. Cảnh sát sau đó tìm thấy chúng trong nhà của mẹ Imperiale, được bọc vải cẩn thận. 

Với Durham, người đàn ông từng là nỗi ám ảnh của nhiều bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới này cho biết, vụ đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật giá trị “dễ như cướp kẹo của trẻ con”. 

Hai tác phẩm trên Van Gogh vẽ từ năm 1882 đến 1885, được thu hồi vào năm 2016 và đưa tới xưởng của bảo tàng để phục chế trong hai năm. 17 năm sau khi bị lấy trộm khỏi bảo tàng, hai kiệt tác của họa sĩ Van Gogh đã được trưng bày công khai trở lại vào năm 2019. 

Trước vụ trộm của Durham, bảo tàng từng bị đánh cắp 20 bức tranh vào năm 1991. Một trong số đó là tác phẩm đầu tiên của Van Gogh - The Potato Eaters. Đây cũng là vụ trộm các tác phẩm nghệ thuật lớn nhất ở Hà Lan từ thế chiến thứ hai…

“Chôm” nàng Mona Lisa vì… “yêu nước”

Nhiều thế kỷ qua đi, những bí mật trong bức họa Mona Lisa của thiên tài người Ý Leonardo da Vinci vẫn vô cùng hấp dẫn với giới học giả và những người yêu tranh trên toàn thế giới. Để công bố những bí ẩn chứa trong tuyệt phẩm hơn 500 năm của Mona Lisa, Trung tâm nghệ thuật Expressions Whirinaki ở New Zealand đã công bố nhiều “bí mật”.

Theo đó, vị hoàng đế lừng lẫy một thời của nước Pháp - Napoleon Bonaparte (1769 -1821) cũng không nằm ngoài danh sách hàng triệu con tim xao xuyến vì nét đẹp thanh tao đầy bí ẩn của “Mona Lisa”.

Chuyện kể rằng, 3 năm sau Cách mạng Pháp, Napoleon có được bức hình nàng Mona Lisa. Ông cẩn thận treo trong phòng ngủ của mình và say sưa ngắm nàng hàng giờ liền trước khi ngủ. Cũng bởi thế, về sau, vị hoàng đế đã có tình cảm với một thiếu phụ người Ý xinh đẹp, tên là Teresa Guadagni, người có nhiều nét giống Mona Lisa.

Kiệt tác nàng Mona Lisa bị chôm vì… “ yêu nước”.
Kiệt tác nàng Mona Lisa bị chôm vì… “ yêu nước”. 

Năm 1815, khi bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp), công chúng mới có dịp chiêm ngưỡng nàng rộng rãi. Cũng từ đó mà ban quản lý của bảo tàng phải mở riêng một hộp thư cho Mona Lisa để “tiếp nhận” những tình cảm của những người yêu nàng.

Trong cuốn sách “Vanished Smile” xuất bản năm 2009 của R. A. Scotti, có đoạn: “Ở Louvre, có hơn 1 triệu tác phẩm nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới, chỉ riêng “Mona Lisa” có riêng hòm thư riêng”.

Không chỉ dừng ở những dòng thư, một sự kiện đau lòng đã xảy ra vào năm 1852, khi một nghệ sĩ tên là Luc Maspero, đã tự vẫn và để lại mẩu giấy tuyệt mệnh: “Bao nhiêu năm qua đã là quá đủ để tôi bị nụ cười của nàng ấy ám ảnh…

Đến nay, sau hơn 200 năm bảo quản và trưng bày tuyệt phẩm Mona Lisa, mỗi năm Bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng thế giới Louvre (Pháp) thu hút hàng triệu du khách thế giới yêu quý nàng ghé thăm. Hơn 500 năm qua đi, tình yêu và sức hút mê đắm nàng  Mona Lisa dường như chưa bao giờ giảm nhiệt…

Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) với tên gọi “Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo”.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 1911, bức tranh nổi tiếng này bị một thợ sơn người Ý đánh cắp. Sự kiện gây chấn động mạnh trong giới nghệ thuật bấy giờ và phải mất hai năm sau người ta mới tìm lại được tác phẩm này.

Hôm đó là thứ Hai, Bảo tàng Louvre đóng cửa như thường lệ. Vào lúc 7 giờ sáng, Vincenzo Peruggia, 30 tuổi, đột nhập vào bảo tàng qua một cửa nhỏ bên phía sông Seine. Trước đó, Peruggia đã tham gia vào việc lắp đặt các tấm kính bảo vệ vây quanh bức tranh nên không còn lạ gì nơi này. Chỉ mất vài giây, anh ta hạ được bức tranh xuống, tháo tranh ra khỏi khung rồi quấn vào trong chiếc áo khoác của thợ sơn và bình thản đi ra ngoài…

Tuy vậy, đối tượng nghi vấn lại được xem là một nhà thơ và một họa sỹ danh tiếng. Do bị nghi ngờ bởi từng kêu gọi “đốt cháy Louvre”, nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire (tác giả bài thơ nổi tiếng L’Adieu, nhà thơ Bùi Giáng dịch lời Việt có tựa Mùa thu chết và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên) bị bắt giam. Danh họa Pablo Picasso là bạn của Apollinaire cũng bị đưa tới thẩm vấn. Cả hai về sau đều được chứng minh là không liên quan đến vụ trộm…

Và Peruggia đã ung dung giấu nàng Mona Lisa trong căn hộ ở Quận 10 Paris trong suốt hai năm. Sau đó, anh ta viết thư chào bán bức tranh cho các cửa hàng bán đồ cổ người Ý, viện lẽ bức tranh này là của người Ý, do vậy, nó phải quay trở lại nước Ý.

Tháng 12/1913, một người bán đồ cổ của Ý đi cùng viên giám đốc một viện bảo tàng ở Ý tới gặp Peruggia và xác định đây là bức tranh thật, đã bị đánh cắp. Nhờ đó, “nàng Mona Lisa” được thu hồi một cách nhẹ nhàng.

Khi Peruggia bị bắt giữ, trước tòa, Peruggia nói rằng đã lấy trộm bức tranh vì lòng yêu nước. Các chuyên gia tâm thần nhận định đó là một công nhân, suy nghĩ đơn giản, nông cạn. Do vậy, kẻ ăn cắp nàng Mona Lisa chỉ bị xử một năm và 15 ngày tù. Sau đó, mức án được giảm xuống còn 7 tháng…

Đọc thêm