Nhưng, có một câu chuyện khác, nghiêm túc và không nhỏ một chút nào về cái vỉa hè Hà Nội nhiều năm gây bức xúc cho người dân Thủ đô và du khách, là cách người ta đối xử với cái vỉa hè – cũng là một phần bộ mặt của thành phố.
Gây bức xúc nhất là việc lát lại vỉa hè, cứ thỉnh thoảng lại bị xới tung lên, lát lại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân. Nguyên liệu để lát vỉa hè cũng gây tranh cãi, khi là gạch “con sâu” nhỏ bé truyền thống, lúc là gạch không nung kích cỡ to, rồi thay thế bằng đá tự nhiên đắt tiền.
Mới đây, “chuyện vỉa hè” lại gây bức xúc với loại đá lát được giới thiệu 70 năm tuổi thọ nhưng mới qua 1, 2 năm đã vỡ toác, lại lát lại. Nhưng chẳng một ai chịu trách nhiệm về chất lượng vỉa hè, người ta tìm mọi cách biện minh và đổ lỗi cho khách quan.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vỉa hè “dành cho người đi bộ” bao nhiêu năm nay cũng là vấn đề không thể giải quyết được. Người ta tự tiện sử dụng vỉa hè cho việc riêng của mình, từ chiếm dụng để bán hàng đến căng dây làm chỗ gửi xe thu phí, từ việc biến thành chỗ đổ nước bẩn đến nơi tập kết nguyên vật liệu xây dựng, từ quán nước trà đá đến kê bàn bán bia hơi... Vỉa hè dường như trở thành một thứ tài nguyên để khai thác triệt để, từ lát lại vỉa hè đến chiếm dụng công năng của nó.
Cùng với đó, trên vỉa hè Thủ đô lại xuất hiện cảnh đau lòng, nhức mắt, đó là những hàng cây xanh bị “đeo gông, thít cổ”. Báo chí phản ảnh, người dân phàn nàn, mãi rồi cái việc tưởng chừng như rất đơn giản, phải làm cũng mới được lẻ tẻ “tháo vòng kim cô” ở một số nơi, khiến người dân Thủ đô “phấn khởi” (title của một bài báo). Những người thuộc Công ty Cây xanh đến “tháo gông” cây cho biết họ trồng và chăm sóc cây nhưng “đeo gông” cho cây lại là chính quyền sở tại cho nên mới có cơ sự này.
Hóa ra, chuyện vỉa hè nhưng không chỉ là “chuyện vỉa hè”…