Chuyện 'xưa nay hiếm'

(PLO) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có công văn phê bình UBND TP Hà Nội vi phạm trong việc xử lý đất đai ở Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (Ảnh từ internet)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (Ảnh từ internet)

Việc Chính phủ “dám” phê bình chính quyền một địa phương là chuyện “xưa nay hiếm”. Có thể từ đây, mọi việc sẽ khác trước, quản lý hành chính mà toàn ngợi khen, động viên, không phê bình, kỷ luật, cách chức một ai cả thì dứt khoát đó không phải là một nền hành chính tốt. Cần xóa bỏ cái não trạng “dĩ hòa vi quý” trước sai phạm của cấp dưới và siết chặt kỷ luật hành chính, bước đi đầu tiên của một chính phủ kiến tạo.

Sự kiến tạo của một chính phủ không chỉ ở tư duy, hành động hoặc chủ trương, chính sách mà phải bắt đầu từ việc “kiến tạo” lại đội ngũ cán bộ, từ việc sử dụng hiền tài đến loại bỏ những người mắc sai phạm hoặc thoái hóa. Một dẫn chứng gần đây nhất qua phát biểu của ông Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho thấy một phần thực trạng của đội ngũ cán bộ hiện nay. Cơ quan ông có hơn 700 người, trong đó chiếm tới 40% là những người “làng nhàng” và đặc biệt đó lại là “con ông nọ, cháu bà kia” được gửi gắm từ các cán bộ Trung ương trở xuống. Bộ phận lãnh đạo chiếm một tỷ lệ lớn ở cơ quan. Bất lực – đó là trạng thái tâm lý trước việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy của vị thủ trưởng này!

Rất nhiều cán bộ “làng nhàng” theo kiểu đó trong đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta mà không thể nào loại bỏ họ được nếu còn giữ cái não trạng “dĩ hòa vi quý”, ngại đụng chạm và duy tình trong quản lý hành chính, quản lý con người. Đây chính là hệ quả của một quá trình dài trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ mà đến nay trước yêu cầu “kiến tạo” phải giải quyết cái hệ lụy này.

Thanh lọc đội ngũ một cách cương quyết, thống nhất từ trên xuống dưới, công khai và minh bạch những trường hợp “làng nhàng”, “con ông, cháu cha”, “gửi gắm”... và bố trí cho họ một công việc khác, vừa tầm và phù hợp với “tài năng và đức độ” của họ để họ “cống hiến”, có lẽ là việc nên làm hiện nay để thoát khỏi tình trạng dân phải nuôi một bộ máy cồng kềnh mà kém hiệu quả.

Đọc thêm