Tiền Giang: Gần 2000 công nhân kiến nghị đến Thủ tướng xem xét dự án nhà ở miễn phí

(PLO) - Văn phòng chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiếp nhận đơn của 1.766 công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang kiến nghị về việc UBND Tiền Giang chậm giải quyết đề nghị của Công ty TNHH sản xuất chế biến nông thủy sản Xuất khẩu Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) xin thuê hoặc mua 2 hecta đất để xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân và người lao động  
Các văn bản của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội chuyển đơn đến UBND tỉnh Tiền Giang để giải quyết.
Các văn bản của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội chuyển đơn đến UBND tỉnh Tiền Giang để giải quyết.

Làm việc tốt cũng khó

Ngày 29/10/2013,  Công ty Thuận Phong có văn bản xin mua lại 2 hecta đất gần bên Khu công nghiệp Mỹ Tho để xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang không chấp thuận đề nghị của Công ty Thuận Phong. Văn bản không nói rõ lý do vì sao tỉnh không chấp thuận.

Ngày 07/11/2016, ông Phạm Văn Tứ, Giám đốc Công ty Thuận Phong tiếp tục ký văn bản gửi Tỉnh ủy Tiền Giang “xin thuê đất xây nhà ở cho công nhân”. Ông Tứ cho biết, ông đã gặp ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy để trình bày việc xin thuê đất vì mục đích xây nhà ở miễn phí, đáp ứng nhu cầu hết sức cấp bách cho hàng ngàn công nhân. 

Ngày 20/11/2016, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Công ty Thuận Phong lập hồ sơ thiết kế khu nhà ở công nhân để UBND tỉnh xem xét.  Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu dân cư Trung An”; trong đó có hơn  3hecta được quy hoạch để xây nhà ở xã hội. 

Căn cứ quyết định này, UBND tỉnh ra  công văn số 5641/UBND-ĐTXD chỉ đạo UBND thành phố Mỹ Tho phối hợp với Sở xây dựng hướng dẫn Công ty Thuận Phong các thủ tục đầu tư khu nhà ở cho công nhân.

Ngày 12/02/2017, Công ty Thuận Phong đã gửi hồ sơ dự án, bản vẽ thiết kế khu nhà ở công nhân theo hướng dẫn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang và các ngành chức năng. 

Tuy nhiên, Ngày 28/4/2017, UBND thành phố Mỹ Tho chủ trì cuộc họp với Công ty Thuận Phong và cho biết, trước đó UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 459/QĐ-UBND“phê duyệt điều chỉnh cục bộ”. Theo đó, hơn 3 hecta xây nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã cắt 2 hecta giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do chỉ còn 1,1 hecta dành cho nhà ở xã hội nên tỉnh đề nghị Công ty Thuận Phong nhận 1,1 hecta để làm dự án.

Nhận thấy với 1,1 hecta không đủ diện tích thực hiện dự án đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hơn 1.700 công nhân, trong khi đó, ngoài diện tích đất dành cho Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn còn quỹ đất trống hơn 14 hecta đang bỏ hoang, nên Công ty Thuận Phong nhiều lần kiến nghị xin mua với giá từ 5 tỷ đến 10 tỷ/hecta hoặc hỗ trợ kinh phí cho UBND tỉnh chỉ mong muốn thiết tha có đủ 2 hecta đất để thực hiện dự án vì công nhân. 

Ngày 28/6/2017 UBND tỉnh ra Thông báo số 173/TB-UBND kết luận của ông Phạm Anh Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh với nội dung quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội chỉ còn 1,1 hecta  và đề nghị Công ty Thuận Phong lập hồ sơ xây dựng nhà ở công nhân trên phần đất 1,1 hecta nêu trên.  

Ngày 11/7/2017 UBND tỉnh ra văn bản số 3126/UBND-ĐTXD yêu cầu Công ty Thuận Phong sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc đầu tư nhà ở công nhân trên phần đất 1,1 hecta gửi UBND tỉnh chậm nhất ngày 17/7/2017.

Trước yêu cầu này, ngày 17/7/2017 Công ty Thuận Phong tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Thuận Phong thực hiện dự án với diện tích 02 hecta theo hồ sơ, bản vẽ mà tỉnh đã hướng dẫn ban đầu.

Thế nhưng, ngày 21/7/2017 UBND tỉnh ra văn bản số 3364/UBND-ĐTXD cho rằng, đã hết hạn yêu cầu mà UBND tỉnh không nhận được văn bản phản hồi của Công ty Thuận Phong nên UBND tỉnh Tiền Giang đã từ chối giải quyết hồ sơ của Công ty Thuận Phong.

Bao giờ được giải quyết

Cũng trong ngày 21/7/2017, Văn phòng chính phủ có văn bản hỏa tốc, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Thuận Phong theo thẩm quyền. Văn bản này như cứu cánh đối với Công ty Thuận Phong trước quyết định đóng cửa hồ sơ của UBND tỉnh Tiền Giang.

Trong tháng 8/2017, Công ty Thuận Phong đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tỉnh giải quyết các nội dung trong các đề nghị của Công ty đã được trình bày trước đó. Thế nhưng, UBND tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục im lặng.

Tiếp đó, ngày 25/8/2017, Văn phòng chính phủ có Công văn số 9066/VPCP-V.I, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang và xem xét, giải quyết kiến nghị của ông Phạm Văn Tứ liên quan đến việc giao đất xây nhà ở cho công nhân theo thẩm quyền và  quy định của pháp luật.

Các văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Các văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Mặc dù có chỉ đạo của hai Phó thủ tướng nhưng UBND tỉnh vẫn tiếp tục không giải quyết kiến nghị của Công ty Thuận Phong.

Ngày 06/12/2017, Công ty Thuận Phong có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị về UBND tỉnh thực hiện chưa đúng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề nghị UBND tỉnh làm rõ lý do không đồng ý giao 2 hecta đất để Công ty thực hiện dự án nhà ở miễn phí cho công nhân. Nếu tỉnh không đồng ý thì Công ty Thuận Phong sẽ tiếp tục kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ. Song, UBND tỉnh Tiền Giang không giải quyết gì về đề nghị của Công ty Thuận Phong nêu trên.

Được biết, ngày 20/11/2017 UBND tỉnh có văn bản số 2837/UBND-ĐTXD gửi Văn phòng chính phủ nêu rõ, tỉnh Tiền Giang có chủ trương “điều chỉnh quy hoạch 3 hecta đất nhà ở thương mại tại Khu dân cư Trung An, sang đất thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, diện tích 3,11 hecta đã quy hoạch xây dựng chung cư - nhà ở xã hội sẽ được giữ nguyên để giải quyết cho các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội, nâng tổng diện tích đất phục vụ xây dựng nhà ở xã hội lên 6,1 hecta”.

Như vậy, lý do mà UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng quỹ đất chỉ còn 1,1 hecta nên không giải quyết đề nghị của Công ty Thuận Phong là không đúng thực tế.

Nhu cầu về nhà ở của gần 2000 công nhân là rất rõ ràng và doanh nghiệp cũng sẵn sàng đầu tư để công nhân an cư mới lạc nghiệp. Trong lúc xây dựng nhà ở xã hội cần có sự đầu tư lớn từ doanh nghiệp và có chủ trương đúng từ Chính phủ, thế nhưng UBND tỉnh Tiền Giang lại không thể giải quyết quyền lợi cho người lao động, khiến cho dự án nhà ở xã hội này đến nay vẫn “dẫm chân tại chỗ”, doanh nghiệp bức xúc, còn công nhân thì kiến nghị, kêu cứu.

Vì quyền lợi cho hàng ngàn công nhân sẽ được sử dụng nhà ở miễn phí, người lao động mong muốn Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Tiền Giang có những giải pháp để giải quyết yêu cầu thực tiễn cấp bách này, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty Thuận Phong có đủ diện tích đất để thực hiện dự án theo đúng Chỉ thị 03/TTg  ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, người lao động.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm