Sẽ sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Điện VIII
Tăng trưởng điện hàng năm đều được yêu cầu ở mức trên dưới 10%, đủ để đáp ứng phát triển kinh tế. Cùng với đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Các thị trường lớn trên thế giới cũng đã đưa ra các yêu cầu cụ thể với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Một trong những hành động mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện để xanh hóa nền kinh tế là chuyển dịch năng lượng, trong đó ưu tiên sử dụng những loại hình nguồn điện ít phát thải.
Trong đó, điện hạt nhân được xem là một loại hình nhiều ưu thế nhất trong thời điểm này khi vừa là nguồn điện chạy nền ổn định - thay thế cho nhiệt điện than, vừa là nguồn điện phát thải thấp. Quốc hội cũng đã chính thức thông qua việc tái khởi động điện hạt nhân, đặt tại tỉnh Ninh Thuận. Các hoạt động chuẩn bị khởi động lại dự án đã được các đơn vị liên quan thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, việc thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được xem như là cơ sở pháp lý quan trọng nhất.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Chính phủ cũng đã thông qua và dự kiến báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật về năng lượng nguyên tử làm cơ sở cho các vấn đề, nội dung cơ bản liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn, vấn đề phát triển điện hạt nhân. Cùng với đó là các hệ thống pháp luật khác có liên quan về đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường… “Như vậy, về cơ sở pháp lý đã hội tụ đủ để chúng ta triển khai thực hiện Dự án” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo dự kiến do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, dự kiến gồm đại diện các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong vấn đề phát triển điện hạt nhân.
Một vấn đề rất quan trọng khác, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để có thể triển khai Dự án điện hạt nhân, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Điện VIII.
Dự kiến vốn đầu tư hàng tỷ USD
Về vấn đề lựa chọn chủ đầu tư dự án, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn chủ đầu tư trong vấn đề triển khai thực hiện nhà máy điện hạt nhân. Bởi việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể rất đặc biệt tổ chức triển khai toàn bộ quá trình liên quan, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để xác định mức đầu tư của dự án phụ thuộc rất nhiều yếu tố. “Hiện tại, dự kiến sơ bộ con số chưa chính xác nhưng chắc chắn cũng phải hàng tỷ USD, tùy thuộc vào quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và cả yêu cầu về vấn đề an toàn”, Thứ trưởng nói. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khẳng định, về cơ bản hiện nay Dự án đã đạt được sự đồng thuận rất cao cho nên có rất nhiều thuận lợi trong quá trình chuẩn bị, triển khai.
Liên quan đến vấn đề công nghệ, Thứ trưởng Tân cho biết, có một số thách thức liên quan đến công nghệ, bảo đảm an toàn; Cùng với đó là những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, trong đó có khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế liên quan tới những tiêu chuẩn chung. “Chúng tôi muốn đặt ra để chúng ta cùng hiểu rõ, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ từng bước thận trọng thực hiện được việc này. Hiện nay, công nghệ rất tiên tiến, có rất nhiều công nghệ mới và đặc biệt bảo đảm cho sự an toàn ngày càng cao”, ông Tân nói.
Theo các chuyên gia, để sớm tái khởi động dự án điện hạt nhân, cần phải lập các báo cáo đánh giá công nghệ mới nhất về điện hạt nhân (bao gồm công nghệ, giá thành, vận hành, quản lý và xử lý chất thải phóng xạ... Bên cạnh đó, cần thành lập “Nhóm chuyên gia tư vấn về công nghệ, an toàn, đào tạo và hợp tác quốc tế về điện hạt nhân” để tư vấn các vấn đề liên quan trong phát triển điện hạt nhân.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Điện lực, hiện tại, 2 vị trí (đã được quy hoạch làm điện hạt nhân tại Ninh Thuận trước đây) vẫn còn khả thi cho việc phát triển 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, để điện hạt nhân thực sự có vai trò nền tảng và bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp phụ trợ, cần phải có một tầm nhìn dài hạn cho 30 - 50GW điện hạt nhân tới năm 2050, với dự kiến tối thiểu 10 vị trí khả thi.