Điện hạt nhân Ninh Thuận: Tỉnh muốn 'chốt' sớm, Bộ trưởng bảo chờ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều quốc gia quyết định giảm điện hạt nhân đang tái khởi động lại lộ trình phát triển điện hạt nhân. Việt Nam đã cam kết Net Zero vào năm 2050 thì không thể không tính đến điện hạt nhân - đó là những thông tin mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa mới đề cập.
Điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính thấp.
Điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính thấp.

Đề xuất xóa quy hoạch điện hạt nhân

Tại buổi thảo luận về báo cáo giám sát trong thực hiện chính sách, quy hoạch mới đây, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2016, Quốc hội khoá XIV đã tạm dừng chủ trương thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về quy hoạch của dự án ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại báo cáo giám sát, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho tới khi cấp có thẩm quyền có ý kiến chính thức. Theo bà Hương, điều này khiến người dân ở vùng dự án lo lắng về việc kéo dài quy hoạch, còn nhà đầu tư chiến lược của tỉnh rất lo ngại. Do vậy, bà Hương kiến nghị Trung ương sớm xem xét, cho ý kiến chính thức về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng thời, bà cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, giải quyết các vấn đề, vướng mắc được nêu cụ thể tại báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế và sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Công Thương về địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận… để có cơ sở phê duyệt đề án ổn định lại sản xuất. Từ đó có cơ sở để tỉnh tiếp tục thu hút vốn đầu tư, phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng quyết định tạm dừng chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định đúng đắn của Quốc hội. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cần quyết định chính thức xóa bỏ quy hoạch này. Đồng thời, tạo ra vùng quy hoạch mới cho tỉnh để phát triển năng lượng tái tạo, thu hút du lịch.

“Tôi đề nghị xóa bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận. Nếu 10 năm nữa, chúng ta có nhu cầu phát triển điện hạt nhân thì lúc đó sẽ nghiên cứu địa điểm xây dựng sau”, ông Nghĩa kiến nghị. Đồng thời cảnh báo, việc xây dựng điện hạt nhân có nhiều rủi ro, phụ thuộc vào nước ngoài, trong khi năng lực quản lý, kỹ thuật của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.

Thế giới đang quay trở lại điện hạt nhân

Trước vấn đề đại biểu nêu liên quan đến điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với các quyết sách liên quan đến điện hạt nhân thì dự án điện hạt nhân “là tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ” nên về nguyên tắc là không có cơ sở để xóa bỏ quy hoạch địa điểm điện hạt nhân.

“Mặt khác, địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành Công Thương cùng với các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định, địa điểm Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân”, Bộ trưởng Diên nói.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho biết đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp rằng, thế giới hiện nay đang quay lại để phát triển điện hạt nhân. Trong đó, Hoa Kỳ và Đức là hai quốc gia 3 năm trước khởi động quá trình giảm điện hạt nhân. Nhưng đến bây giờ chính hai quốc gia này đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân làm cơ sở cho việc phát triển, khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, với những cam kết tại COP26 thì Việt Nam sẽ phải phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn nền ổn định. Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than, thủy điện gần như đã hết dư địa để phát triển, vì thế xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó cũng phải tính đến điện hạt nhân.

"Vì vậy, chúng tôi kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội chưa nên xem xét đến vấn đề xóa bỏ quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân ở khu vực Ninh Thuận. Chúng ta nên để chờ đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức có tiếp tục phát triển hay là không tiếp tục thì hãy tính" - Bộ trưởng nói.

Trước đó, trong báo cáo giám sát về việc thực hiện nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

Nhưng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam ra sao cần được đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng. "Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng, từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp", báo cáo Ủy ban Kinh tế nêu.

Đọc thêm