Có bản lĩnh chém người, vào tù lại tuyệt thực, đập đầu kêu oan

 Dù chứng cứ đầy mâu thuẫn nhưng HĐXX vẫn kết tội 3 bị cáo về tội cố ý gây thương tích; trong đó bị cáo Đức đã phản đối bản án bằng cách tuyệt thực, đập đầu vào song sắt kêu oan...

Không chịu ăn uống 3 ngày liền, nhiều lần đập đầu vào cửa buồng giam để kêu oan nên bị can Nguyễn Minh Đức được giám thị coi là “đối tượng hình sự côn đồ có bản lĩnh”. Tuy nhiên, trước việc kêu oan quyết liệt của Đức, thử xem các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Nam Định đã sử dụng chứng cứ để kết tội bị cáo như thế nào?

Các bị cáo tại phiên xét xử.
Các bị cáo tại phiên xét xử.

Sau canh bạc là.. chém người

Rạng sáng 19/10/2010, trước cửa số nhà 114 A, phố Trần Hưng Đạo, Tp Nam Định xảy ra một vụ đâm chém nhau mà nạn nhân là anh Đào Anh Tuấn. Hung thủ được xác định là 3 thanh niên mặc áo áo chống nắng trùm đầu, đeo khẩu trang bịt mặt, đi trên 1 chiếc xe máy Airblade màu đỏ. Lúc đầu, anh Tuấn khai anh nhận ra hung thủ là Đức và Phạm Anh Tiến.

Sau hơn 1 tháng thu thập chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an Tp. Nam Định đã có quyết định khởi tố bị can đối với Đức, Tiến và Giang Hùng Hiệp. Nguyên nhân của vụ chém người này được cho là do mâu thuẫn trong chiếu bạc trước đó giữa anh Tuấn và nhóm của Đức (anh Tuấn thua bạc nhưng không chịu trả tiền cho các con bạc trong sới do nhóm Đức “trông coi”).

Nhưng bị hại Tuấn đã đột ngột thay đổi lời khai rằng, người trực tiếp chém anh là Đức, Hiệp và một đối tượng không rõ danh tính chứ không có Tiến tham gia. Từ đây, Kết luận điều tra xác định rằng, Đức cùng Hiệp và một đối tượng nữa đã ép xe của anh Tuấn vào vệ đường, đuổi nạn nhân đến cửa số nhà 114A Trần Hưng Đạo rồi cả 3 xông vào chém; Tiến chỉ là người “theo dõi” vị trí của anh Tuấn để báo cho Đức chứ không trực tiếp tham gia chém anh Tuấn, không có mặt tại hiện trường vụ án.  

Khả năng phi thường của nhân chứng

Lý giải về sự thay đổi lời khai của mình, anh Tuấn cho hay, “vì ban đầu tinh thần hoảng loạn, lúc nhớ lúc quên” hoặc “vì có người nói lại là có Tiến, Đức, Hiệp tham gia chém” nên đã khai ra Tiến. Vậy là việc anh Tuấn  khai ra các bị cáo cũng chỉ là suy đoán? Nghi vấn này là có cơ sở bởi ngay tại phiên tòa sơ thẩm, bị hại Tuấn cho biết, “tôi nhận ra Đức bởi người chém tôi bị cụt ngón tay út của bàn tay trái”. Nực cười ở chỗ, gần 2 tháng sau khi xảy ra vụ chém nhau, Đức mới bị cụt ngón tay út chứ tại thời điểm ngày 19/10, tai Đức vẫn còn lành lặn.

Kỳ lạ hơn, tại CQĐT, bị hại đã khai báo nhiều chi tiết về nhận dạng của nghi can mà chỉ những người có khả năng nhìn xuyên vải vóc mới có thể biết được như: “Đức có tóc ngắn, hơi xoăn, mũi khoằm…” hoặc “Tiến để đầu bốc”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã công bố nhiều lời khai của nhận chứng để đấu tranh với sự chối tội của 3 bị cáo, nhưng chính những lời khai này được công bố lại chứa đầymâu thuẫn. Các nhân chứng Tùng, Huy thì khai, trước khi xảy ra vụ việc đã gặp Đức điều khiển xe chở 2 người (đều đeo khẩu trang, mặc áo trùm đầu. Nhưng bị hại Tuấn lại khẳng định ngược lại, Đức là người ngồi sau, không cầm lái. Anh Tuấn thì khẳng định lúc xông vào chém Tuấn, Đức nói, chém chết  nó đi. Song, nhân chứng Bắc và Cường lại khai “lúc chém, bọn Đức không có ai nói câu nào”.

Vì những mâu thuẫn này mà trước đó, VKSND TP. Nam Định đã từng trả hồ sơ yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung nhiều vấn đề, trong đó có việc tiến hành đối chất giữa các bị can và các nhân chứng. Nhưng không hiểu sao việc đối chất này đã không được CQĐT thực hiện. Dù chứng cứ mâu thuẫn như vậy nhưng HĐXX vẫn kết tội 3 bị cáo về tội cố ý gây thương tích; trong đó bị cáo Đức đã phản đối bản án bằng cách tuyệt thực. Liệu cấp phúc thẩm có làm rõ được những vấn đề chưa rõ ràng trong bản án sơ thẩm?

Thưa Luật sư Đặng Quý Chuyên, ông có nhận xét gì về quan điểm và cách đánh giá chứng cứ buộc tội trong vụ án này?

Việc điều tra, xét xử và buộc tội các bị cáo chủ yếu dựa vào lời khai nên đây là một vụ án khó. Chứng cứ kết tội 3 bị cáo trong vụ án này chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại và nhân chứng. Tuy nhiên, tôi đánh giá lời khai này là thiếu khách quan, không chính xác. Hành vi phạm tội được thực hiện trong đêm tối, đối tượng chém người đeo khẩu trang, đội mũ trùm đầu nhưng nhân chứng lại khai rõ cả đặc điểm khuôn mặt của từng người rồi lý giải rằng, “do quen các bị hại từ trước” là không khách quan. Nếu vậy, bị hại chỉ cần phán đoán 1 ai đó chém mình là đã có thể khai vanh vách về nhận dạng của người này rồi. Điều này rất dễ đến làm oan người mà bị hại chỉ dựa “phán đoán” mà thôi.

Nhưng thưa luật sư, CQĐT đã cho bị hại và nhận chứng nhận dạng các bị can?

Tôi cho rằng, kết quả của việc nhận dạng trên là thiếu khách quan, không tin cậy bởi bị hại và nhân chứng đều đã biết các bị can từ trước. Khi nhận dạng, các Điều tra viên đã không để những người bị nhận dạng đeo khẩu trang, đội mũ - đúng như thời điểm xảy ra vụ án- nên việc bị hại và nhân chứng chỉ ra được các bị can là điều dễ hiểu. Trước khi cho nhận dạng, ĐTV cũng không yêu cầu bị hại và nhân chứng khai báo về những đặc điểm mà dựa vào đó họ nhận dạng được các đối tượng.

  Tại phiên toà, các nhân chứng lý giải thế nào về họ biết các bị cáo đã chém anh Tuấn trong đêm tối, thưa ông?

Tất cả 7 nhân chứng khai báo về việc họ biết các bị cáo chém người đều đã vắng mặt tại phiên toà sơ thẩm. HĐXX lý giải rằng, các nhân chứng này đều đã đi làm ăn xa, không thể đến tham dự phiên toà nên vẫn tiến hành xét xử. Điều này khiến người ta có cảm tưởng, phiên toà chỉ diễn ra “cho có” mà thôi.

Xin cảm ơng ông!

Khoa Lâm

Đọc thêm