Chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc
Theo ĐB Tô Văn Tám, trong số các nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết KN, TC có yếu tố chất lượng giải quyết KN, TC tại cơ sở. Cụ thể, một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết KN, TC, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. “Khi phát sinh KN, TC chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc, thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc KN, TC vượt cấp. Báo cáo Chính phủ cần đánh giá sâu thêm về tình trạng này”, ĐB nói.
Cho rằng báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình khiếu kiện của người dân trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp là một dự báo đúng, ĐB Tám đề nghị cần hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết KN, TC, đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại, nhất là về vấn đề đất đai. “Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu; phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện”, ĐB kiến nghị.
Cùng với đó, ĐB Tám cũng đề nghị hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân có uy tín và cá nhân am hiểu pháp luật, như luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên… trong việc giải quyết KN, TC. Bởi theo ĐB, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân này là rất quan trọng, giúp tư vấn cho người KN, TC về chính sách pháp luật, loại trừ hành vi lợi dụng tư vấn để xúi giục, kích động KN, TC, từ đó góp phần quan trọng cho việc giải quyết KN, TC. Ngoài ra, ĐB Tám cũng cho rằng cần xác lập cơ chế xử lý hành vi cố tình KN, TC sai sự thật mà theo ĐB đang là một bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; cũng là nguyên nhân dẫn đến KN, TC kéo dài.
Còn theo ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh), quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết KN, TC của công dân đã được ban hành tương đối đầy đủ và chặt chẽ nhưng quy định trình tự, thủ tục về tiếp thu, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân thì chưa có, dẫn tới tình trạng các cơ quan né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn, hướng dẫn sai địa chỉ, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng. ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục lỗ hổng này.
Cần các biện pháp hành chính mạnh
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết KN, TC của công dân gửi đến QH năm 2018 do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên họp cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác này. Ví dụ, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định của Luật Tiếp công dân, khiến việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm. “Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định, còn 36 tỉnh chưa đạt mức theo quy định, 24 tỉnh không báo cáo số liệu. Ngoài ra, việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân còn khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, tỷ lệ ủy quyền còn nhiều, trung bình chiếm 64,35%”, bà Nguyễn Thanh Hải thông tin. Đặc biệt tỷ lệ tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch UBND xã đạt rất thấp, so với quy định chỉ đạt 24% (đáng lưu ý có tỉnh lệ này chỉ đạt dưới 5%); có 25 tỉnh không báo cáo số liệu .
Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận.. ; chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu còn thấp, việc giải quyết lần 2 của cấp tỉnh phải hủy, sửa quyết định lần đầu một số nơi có tỷ lệ cao.
Dẫn các báo cáo cho biết hiện nay tỷ lệ thi hành án hành chính mới chỉ đạt 38% và còn 151 bản án phải thi hành mà người thi hành là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ĐB Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho rằng việc này đã làm ảnh hưởng tới việc giải quyết các vụ việc khiếu nại theo thủ tục tư pháp và chuyển gánh nặng cho các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, ĐB kiến nghị cần có biện pháp để nâng cao tỷ lệ thi hành án và có chế tài đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thi hành các bản án hành chính.
Trao đổi bên hành lang QH, ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng tình trạng người đứng đầu các cấp không tiếp công dân, không tham gia các phiên tòa hành chính theo luật nếu kéo dài sẽ dẫn tới việc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền. Do vậy, ĐB đề nghị cần có các biện pháp hành chính mạnh của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng này. “Nếu một năm mà không thực hiện được việc đó thì phải rời ghế. Công việc của anh là công việc với dân mà không làm được thì nên nghỉ”, ĐB nêu quan điểm